Tiếng Việt | English

04/09/2019 - 15:56

Nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết án từ những phiên tòa rút kinh nghiệm

Bài 1: Từ những phiên tòa rút kinh nghiệm...

Qua rút kinh nghiệm sau mỗi phiên tòa, các đơn vị, địa phương tự tổ chức học tập, khắc phục những khiếm khuyết mắc phải và khắc phục triệt để những vi phạm, hạn chế được chỉ ra. Qua đó, làm giảm lượng án phải hủy, cải sửa, án vi phạm khác, nhất là những án cùng loại. Đồng thời, từ các phiên tòa rút kinh nghiệm còn góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho lực lượng cán bộ, kiểm sát viên, thẩm phán 2 cấp trong quá trình xét xử.

Có những vụ án bị cáo phản cung, thay đổi lời khai, quanh co chối tội, thậm chí phản đối lại tội danh do Viện Kiểm sát truy tố, nhưng với bản lĩnh, kinh nghiệm và kiến thức sâu, rộng, kiểm sát viên (KSV) tham gia các phiên tòa đã buộc các bị cáo phải cúi đầu nhận tội bằng căn cứ, lập luận sắc bén.

Phiên tòa xét xử Trần Quốc Quân và đồng phạm trong vụ án “Cướp tài sản” được Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh và Tòa án nhân dân tỉnh phối hợp thí điểm trình chiếu tài liệu, chứng cứ tại phiên tòa

Có những vụ án bị cáo phản cung, thay đổi lời khai, quanh co chối tội, thậm chí phản đối lại tội danh do Viện Kiểm sát truy tố, nhưng với bản lĩnh, kinh nghiệm và kiến thức sâu, rộng, kiểm sát viên (KSV) tham gia các phiên tòa đã buộc các bị cáo phải cúi đầu nhận tội bằng căn cứ, lập luận sắc bén.

Bị cáo phản ứng lại tội danh truy tố

Thời gian qua, những vụ án được chọn đưa ra xét xử rút kinh nghiệm thường tập trung vào những vụ án phức tạp, có nhiều vấn đề pháp lý, tính chất nghiêm trọng được dư luận quan tâm. Thậm chí, từ thực tế việc tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm có nhiều tình tiết mới phát sinh đòi hỏi bản lĩnh, kiến thức của KSV tham gia phiên tòa.

Điển hình như vụ án “Trộm cắp tài sản” được Tòa án nhân dân (TAND) huyện Bến Lức đưa ra xét xử rút kinh nghiệm vào tháng 7/2016. Theo nội dung vụ án, khoảng tháng 8/2011, nhóm đối tượng gồm: Đinh Văn Minh Vũ, Phạm Văn Tuấn, Đoàn Anh Tài, Đoàn Văn Nhựt và Nguyễn Minh Tâm thuê nhà trọ tại huyện Hóc Môn, TP.HCM rồi cùng bàn bạc, rủ nhau đi trộm cắp xe máy. Sau đó, 5 đối tượng chia nhau thực hiện liên tiếp nhiều vụ trộm cắp xe máy tại các tỉnh Tiền Giang, Long An và đã bị bắt, kết án. Quá trình điều tra, cơ quan công an xác định, trên địa bàn huyện Bến Lức, các đối tượng Vũ, Nhựt và Tài tham gia 2 vụ trộm cắp xe máy, còn Tuấn và Tâm tham gia 1 vụ. Vào ngày 06/3/2012, các đối tượng ra tay trộm chiếc xe môtô mang biển kiểm soát 62S3-1970 của anh Trương Tấn Đạt, trị giá 11,2 triệu đồng; đến ngày 10/3/2012, các đối tượng tiếp tục thực hiện vụ trộm xe môtô hiệu Airblade biển kiểm soát 62N1-048.67 của chị Võ Thị Ngọc Hà, trị giá 44 triệu đồng. Vụ án sau đó được các ngành tố tụng phối hợp chọn để đưa ra xét xử trực tuyến rút kinh nghiệm.

Với tính chất phức tạp của vụ án, tại phiên tòa, các bị cáo quanh co khai báo, không thống nhất ai là người chủ động rủ rê, cách thức chia tiền chiếm đoạt được, có bị cáo không nhận tội là có tham gia…, Tuy nhiên, từ những chứng cứ có được cũng như quá trình chuẩn bị chu đáo của KSV thực hiện quyền công tố tại phiên tòa, cuối cùng các bị cáo cũng thừa nhận hành vi phạm tội của mình.

Theo Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, nếu phiên tòa diễn biến suôn sẻ như vậy thì không có gì đáng nói. Trong phiên tòa này, mặc dù đã nhận tội nhưng riêng bị cáo Đoàn Anh Tài còn xin Hội đồng xét xử giải đáp thắc mắc về việc định giá tài sản mà bị cáo cùng các đồng phạm đã chiếm đoạt. Bị cáo Đoàn Anh Tài cho rằng, bản thân bị cáo hiện có 1 tiền án về tội “Trộm cắp tài sản” và nhân thân bị cáo đang thi hành chung cho 6 bản án với mức án 20 năm 6 tháng tù, vì vậy, bản thân bị cáo chấp hành thêm vài năm tù nữa là không có ý nghĩa quan trọng. Nhưng bị cáo cho rằng, Biên bản định giá tài sản của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng của huyện Bến Lức đối với chiếc xe môtô mang biển kiểm soát 62N1-048.67 có giá trị 44 triệu đồng là chưa chính xác. Từ việc định giá này (tổng tài sản chiếm đoạt trên 50 triệu đồng) dẫn đến việc bị cáo bị truy tố theo khoản 2, Điều 138 Bộ luật Hình sự năm 1999 (khung hình phạt cao hơn) là không có căn cứ, oan cho bị cáo. Dẫn chứng bị cáo đưa ra là tình cờ vài ngày trước khi thực hiện vụ trộm cắp, bị cáo Tài có vào một đại lý mua bán xe môtô tại TP.HCM nên biết được giá bán chiếc xe hiệu Airblade còn trong thùng có giá 47,5 triệu đồng, trong khi đó, chiếc xe bị cáo và đồng phạm trộm đã qua sử dụng nhiều năm lại được định giá 44 triệu đồng. Trước những tình tiết bị cáo Tài đưa ra, Hội đồng xét xử nhận thấy thắc mắc của bị cáo có cơ sở xem xét và yêu cầu KSV tranh luận về vấn đề này.

Theo KSV Trung cấp Nguyễn Quốc Thới - Trưởng phòng Thực hành quyền công tố, Kiểm sát xét xử phúc thẩm án hình sự, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, đối với tình huống phát sinh này, nếu KSV tại phiên tòa không nghiên cứu kỹ hồ sơ và có kiến thức ở nhiều lĩnh vực khác, rất dễ bị Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu của bị cáo. Tuy nhiên, trong phiên tòa này, KSV đã thể hiện được bản lĩnh, kinh nghiệm cũng như quá trình chuẩn bị nghiên cứu rất kỹ hồ sơ trước phiên tòa xét xử. Tranh luận với bị cáo Tài, KSV khẳng định việc xác định Hội đồng định giá được thành lập theo đúng quy định của pháp luật và giá tài sản mà Hội đồng định giá đưa ra đối với chiếc xe Airblade đã qua sử dụng còn giá trị 44 triệu đồng là phù hợp với giá thị trường. Lập luận của KSV khẳng định chiếc xe Airblade mang biển kiểm soát 62N1-048.67 mà bị cáo chiếm đoạt là dòng xe có nguồn gốc sản xuất tại Thái Lan được nhập về Việt Nam với giá xuất xưởng mới 100% tại thời điểm đó là trên 80 triệu đồng. Vì vậy, việc định giá giá trị còn lại của chiếc xe là 44 triệu đồng là có căn cứ, phù hợp với quy định. Còn chiếc xe bị cáo xem tại TP.HCM là dòng xe sản xuất tại Việt Nam có giá xuất xưởng là 47,5 triệu đồng. Do đó, việc truy tố bị cáo theo khoản 2, Điều 138 Bộ luật Hình sự năm 1999 là có căn cứ và không oan. Với lập luận sắc bén, cuối cùng bị cáo Đoàn Anh Tài cũng phải nhận tội và phần tranh luận của KSV được Hội đồng xét xử chấp nhận.

KSV Trung cấp Nguyễn Quốc Thới khẳng định, đối với mỗi KSV thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử, ngoài việc nắm vững các quy định của pháp luật hình sự, các luật liên quan thì đòi hỏi mỗi KSV phải có kiến thức rộng ở nhiều lĩnh vực, bản lĩnh và sự nhạy cảm, sắc bén đối với nghề.

Bị cáo nói bị ép cung, nhục hình…, thực tế ngoan ngoãn ngồi khai

Mới đây, một vụ án khác đang được xét xử cũng cho thấy việc áp dụng phiên tòa rút kinh nghiệm mang lại hiệu quả cao trong công tác xét xử, bảo đảm việc xét xử nghiêm minh, đúng người, đúng tội.

Theo đó, vào ngày 26/7/2019, TAND tỉnh mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án “Cướp tài sản” do bị cáo Trần Quốc Quân (36 tuổi, ngụ TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) cùng 9 đồng phạm tham gia. Theo đánh giá của TAND tỉnh, đây là vụ án rất phức tạp, các bị cáo khi thực hiện hành vi phạm tội, trong người luôn có hàng nóng, trực tiếp từ Đồng Nai xuống khu vực biên giới huyện Đức Huệ để cướp thuốc lá lậu. Vụ án từng phải tạm hoãn do các bị cáo phản cung, tố điều tra viên trong quá trình hỏi cung đã ép cung, nhục hình.

Để bảo đảm quyền lợi của các bị cáo cũng như có căn cứ để xác định các hành vi phạm tội của từng bị cáo, Hội đồng xét xử TAND tỉnh đã triệu tập điều tra viên trong vụ án đến phiên tòa để đối chất cũng như phối hợp Viện Kiểm sát kết hợp trình chiếu chứng cứ, tài liệu trong quá trình xét xử.

Tại phiên tòa, ngay khi vào phần xét hỏi, bị cáo Trần Quốc Quân và các đồng phạm có ý kiến với Hội đồng xét xử về việc bị ép cung, nhục hình. Trước yêu cầu của bị cáo, Hội đồng xét xử yêu cầu điều tra viên có ý kiến giải đáp cũng như yêu cầu trình chiếu trực tiếp các chứng cứ về quá trình hỏi cung các bị cáo tại cơ quan điều tra. Trái với những gì các bị cáo yêu cầu, tại các băng ghi hình trong quá trình hỏi cung đối với các bị cáo được trình chiếu tại phiên tòa đều cho thấy trong quá trình hỏi cung đối với từng bị cáo đều có sự tham gia của KSV, từng bị cáo trong quá trình hỏi cung đều ngoan ngoãn tự khai trước điều tra viên, không thể hiện có dấu hiệu ép cung, nhục hình như ý kiến của các bị cáo trước đó. Do đó, Hội đồng xét xử có đầy đủ cơ sở để bác ý kiến phản ánh các bị cáo cũng như củng cố các chứng cứ có trong vụ án.

Hình thức phiên tòa rút kinh nghiệm có sử dụng thiết bị công nghệ thông tin để trình chiếu chứng cứ, tài liệu tại phiên tòa cũng là hình thức mới được áp dụng thí điểm trong công tác xét xử tại tòa án dưới sự phối hợp giữa TAND và Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh nhằm nâng cao hiệu quả trong hoạt động xét xử cũng như phục vụ chiến lược cải cách tư pháp./.

(còn tiếp)

Bài 2: Nâng cao chất lượng xét xử qua các phiên tòa rút kinh nghiệm

Kiên Định

Chia sẻ bài viết