Tiếng Việt | English

23/08/2019 - 13:40

Hành trình “Vì Trường Sa thân yêu - Vì tuyến đầu Tổ quốc”

Bài 12: Vị tướng già và câu chuyện về biển cả

10 ngày trên biển, được đặt chân lên những hòn đảo thuộc quần đảo Trường Sa, gặp gỡ những người lính Trường Sa, Nhà giàn DK1 tuy không phải thời gian quá dài nhưng trong lòng chúng tôi - 20 thành viên của đoàn công tác tỉnh Long An mãi mãi là những kỷ niệm đẹp nhất của đời người để mỗi khi nhắc lại vẫn trào dâng một niềm cảm xúc thiêng liêng. Từ đây, trong trái tim của chúng tôi sẽ có hương vị mặn mòi của biển cả, của Trường Sa!

Gắn bó với biển, đảo, Chuẩn đô đốc Lương Việt Hùng dành rất nhiều tình cảm cho cán bộ, chiến sĩ đang công tác nơi đảo xa

Gắn bó với biển, đảo, Chuẩn đô đốc Lương Việt Hùng dành rất nhiều tình cảm cho cán bộ, chiến sĩ đang công tác nơi đảo xa

Trước lúc lên đường nhận nhiệm vụ tại Trường Sa, người lính trẻ nay đã là vị tướng Hải quân viết vội 8 trang thư gửi bố và dặn dò: “Nếu con đi không trở về thì những trang thư này là di chúc, nếu con may mắn trở về thì bố hãy đốt nó”, một câu chuyện xúc động của vị tướng Hải quân 31 năm về trước.

8 trang thư viết vội

May mắn, trong chuyến hành trình đến với Trường Sa và nhà giàn DK1, chúng tôi được đồng hành cùng Chuẩn đô đốc Lương Việt Hùng - Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân. 2 điểm đảo Tiên Nữ và Núi Le khi đoàn chúng tôi đến, dường như trong lòng vị tướng Hải quân này có nhiều cảm xúc. Chính nơi đây, 31 năm về trước, Chuẩn đô đốc Lương Việt Hùng cùng những đồng đội của mình đã đặt dấu chân đầu tiên lên đảo và cắm lá cờ Tổ quốc để khẳng định chủ quyền biển, đảo thiêng liêng.

Vào một ngày đầu tháng 02/1988, khi ấy, người lính trẻ - Thượng úy Lương Việt Hùng mới 26 tuổi nhận được mệnh lệnh từ cấp trên giao với nhiệm vụ tìm kiếm bãi cạn để cắm mốc chủ quyền cũng như phối hợp lực lượng công binh làm công tác xây dựng nhà trên đảo. “Vừa nhận mệnh lệnh cấp trên giao, những người lính chúng tôi khi ấy đều cảm thấy vinh dự và tự hào dù biết rằng có thể chúng tôi ra đi sẽ không trở về. Khi nhận mệnh lệnh, tôi được giao nhiệm vụ Thuyền phó tàu vận tải 555 kiêm Đội trưởng Đội đổ bộ, đánh chiếm chốt, giữ đảo. Mỗi người chúng tôi được phát 2 quả lựu đạn, 1 khẩu súng ngắn, 3 băng đạn cùng 1 con dao găm. Lúc nhận nhiệm vụ cũng là lúc vợ tôi mang bầu đứa con đầu lòng được khoảng 3 tháng. Ngay đêm đó, tôi về, lập tức viết 8 trang giấy gửi cho bố, lúc ấy đang là cố vấn cho Tư lệnh Hải quân Campuchia tại mặt trận 479. Trong thư, tôi dặn dò rất nhiều việc. Vợ tôi khi ấy mới ngoài 20 tuổi, nếu tôi không trở về thì sau khi sinh con có thể đi bước nữa. Nếu vợ tôi sinh con gái, tôi còn ghi rõ đặt tên gì, sinh con trai thì đặt tên gì, vợ tôi đi bước nữa thì con sẽ do ai nuôi. Rồi tất cả những tài liệu học từ thời cấp 3, đại học và cả những cuốn tài liệu tôi đang học thêm tại TP.HCM, tôi dặn bố sẽ đưa cho ai học, ai sử dụng và nên đưa cho ai. Cuối thư, tôi còn dặn bố, nếu con đi không trở về thì những trang thư này là di chúc, nếu con may mắn trở về thì bố hãy đốt nó, lá thư này chỉ tôi và bố biết thôi. Và đúng như lời hứa, ngày tôi trở về, bố tôi đã hủy lá thư ấy đi. Đến sau này kể lại, vợ tôi mới biết về lá thư viết vội của tôi trước ngày lên đường” - Chuẩn đô đốc Lương Việt Hùng nhớ lại.

Vượt lên mọi gian khó những ngày đầu làm nhiệm vụ

Sau hành trình dài ngày trên biển, cuối cùng những người chiến sĩ trên tàu vận tải 555 cũng tìm được bãi cạn đầu tiên và bây giờ là đảo Núi Le. “Sáng ngày 26/02/1988, tôi và các anh em đặt chân lên bãi cạn Núi Le và tự tay cắm lá cờ Tổ quốc khẳng định chủ quyền biển, đảo. Và đến 8 giờ, ngày 28/02/1988, lá cờ Tổ quốc tiếp tục tung bay trên đảo Tiên Nữ” - Chuẩn đô đốc Lương Việt Hùng cho biết.

“Ngày mới đặt chân lên đảo, thiếu thốn đủ bề, xung quanh chỉ là biển khơi nắng gió, nước tắm không có, chỉ đủ nước uống và nấu ăn. Những người lính chúng tôi năm ấy hàng ngày vẫn phải tắm nước biển. Mỗi ngày, tiêu chuẩn nước ngọt của chúng tôi chỉ được 1,5 lít, vừa đủ để đánh răng, rửa mặt, ăn uống. Bữa nào trời mưa thì còn có thêm nước ngọt. Có lúc điều kiện khó khăn, những người lính chúng tôi có khi 1 tuần chỉ được cấp 5 lít nước ngọt. Vậy mà 5 lít nước ấy, chúng tôi vẫn tắm, giặt đủ. Nói vậy có khi bây giờ không ai tin, nhưng nếu cho tôi làm lại, tôi vẫn có thể làm được” - Chuẩn đô đốc Lương Việt Hùng nhớ lại. Theo Chuẩn đô đốc Lương Việt Hùng, để sử dụng tiết kiệm nước ngọt, những người lính chúng tôi chỉ mặc chiếc quần thun, mình trần, nắng quá mới mặc thêm chiếc áo lót, còn lại những bộ quân phục, chúng tôi chỉ dám mặc khi có cấp trên ra kiểm tra hoặc tiếp khách.

Điều kiện sinh hoạt khó khăn, nhà ở cũng là một thử thách. Chúng tôi chỉ có những thanh gỗ được vận chuyển ra từ đất liền và một ít thanh sắt chữ V để làm cốt, rồi dựng tạm cái nhà rộng chừng 8m2, phủ bạt cho 7-8 anh em ở, mỗi mùa sóng lại phải thay mới bởi sự ăn mòn của muối mặn biển khơi. Qua 31 năm, những vết tích dựng nhà trên đảo của thế hệ đầu tiên chúng tôi không còn nữa, họa chăng sót lại dấu vết của lớp kế cận chúng tôi khi còn sót một vài cây cột bêtông đã cũ theo thời gian. Còn thông tin liên lạc, chúng tôi phải canh thông tin, gửi những bức điện và điều quan trọng đầu tiên là bức điện phải cực ngắn nhưng bảo đảm đủ thông tin báo cáo tình hình khu vực biển đối với chỉ huy các cấp. Để có điện cho việc gửi thông tin, đơn vị lúc ấy chỉ có cái diamo (máy đầu bò), mấy anh em phải tập trung quay đều, quay không đều thì điện phát không đều, không thể gửi điện. Khi mặt trời lặn, đơn vị cũng chỉ có cây đèn bão (đèn dầu) là ánh sáng duy nhất. Khó khăn là thế nhưng tất cả anh em chiến sĩ đều rất đoàn kết, sống chân tình, hết lòng vì nhau, không đắn đo, suy nghĩ hay toan tính cá nhân. Đó cũng là những gì lắng đọng nhất trong cả cuộc đời binh nghiệp của tôi” - Chuẩn đô đốc Lương Việt Hùngcho biết.

Ngày trở lại đầy cảm xúc

Thấm thoát 31 năm trôi qua, kể từ ngày hoàn thành nhiệm vụ tại Trường Sa, đến nay vị tướng già mới có dịp trở lại đảo Tiên Nữ và đảo Núi Le. Những cảm xúc năm xưa lại ùa về trong lòng ông. Giữa vòng tay của những chiến sĩ trên đảo Núi Le, ông ân cần thăm hỏi, động viên từng cán bộ, chiến sĩ (CBCS), hỏi han từ những câu chuyện thường ngày đến điều kiện ăn, ở, sinh hoạt nơi đây. Và với ông, sự trở lại lần này là một cảm xúc khó tả.

“Sau 31 năm trở lại, thực sự tôi rất cảm động, đó là sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và toàn thể nhân dân chung tay, góp sức xây dựng các đảo và các điểm đảo trên quần đảo Trường Sa. Đời sống, sinh hoạt, nơi ăn, ở của CBCS làm nhiệm vụ trên các đảo được nâng lên rất nhiều. So với thế hệ chúng tôi trước đây thì đó là sự thay đổi rất lớn. Tôi còn nhớ kỷ niệm, ngày đó khi đóng quân trên đảo Tiên Nữ có anh tên Châu, quê huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, viết thư cho người yêu, trong thư có đoạn: “Anh ra đảo Trường Sa, đi xa, xa đến nỗi đài Hà Nội nghe không rõ được”, để thấy được điều kiện ngày ấy hết sức khó khăn. Cả đơn vị chúng tôi chỉ có chiếc đài để nghe tin tức mà còn chập chờn lúc được, lúc không, mọi liên lạc giữa các đảo và đất liền đều phụ thuộc vào những lá thư từ tàu đưa ra. Nhưng không phải lúc nào tàu ra cũng có, bởi khi ấy khả năng vươn khơi của lực lượng Hải quân còn có hạn, đảo Tiên Nữ lại là đảo cực Đông quần đảo Trường Sa, xa nhất từ đất liền so với các đảo khác nên tàu bè qua lại cũng ít. So với bây giờ có thể thấy đã khác xưa rất nhiều. Hiện nay, trên các đảo đều được xây dựng kiên cố, có nhà văn hóa đa năng, đều được trang bị năng lượng điện cùng các thiết bị nghe nhìn nhằm đáp ứng nhu cầu về văn hóa, tinh thần cho CBCS. Đặc biệt, tại các đảo, điểm đảo, CBCS còn tăng gia rau xanh, vật nuôi cải thiện bữa ăn hàng ngày. Và đó là những điều rất mừng, rất đáng tự hào” - Chuẩn đô đốc Lương Việt Hùng cho biết.

“Mong mỏi nhất của tôi cũng như những người thuộc lực lượng Hải quân là Đảng, Nhà nước, các cơ quan từ Trung ương đến địa phương cũng như tất cả nhân dân Việt Nam cần tiếp tục quan tâm nhiều hơn nữa trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo, xây dựng lực lượng hải quân ngày càng lớn mạnh, đủ khả năng răn đe để bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Đồng thời, đối với CBCS cần thường xuyên phấn đấu, rèn luyện, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao với quyết tâm giữ vững chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc cho hôm nay và mãi mãi về sau” - Chuẩn đô đốc Lương Việt Hùng cho biết thêm./.

(còn tiếp)

Bài cuối:  Màu xanh trên biển Trường Sa

Kiên Định

Chia sẻ bài viết