Tiếng Việt | English

16/08/2017 - 14:01

Hiệu quả bước đầu ở vùng sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao

Bài 2: Còn lắm khó khăn!

“Tuy mới thực hiện trên mấy chục hécta nhưng bước đầu vùng sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) mang lại hiệu quả. Qua đó, người dân trong vùng quy hoạch đồng tình, thực hiện đúng quy trình hướng dẫn nên sản phẩm sau khi kiểm tra đều đạt chất lượng, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật không vượt mức cho phép. Đây là tín hiệu vui, nhưng quá trình thực hiện còn nhiều khó khăn, cần tháo gỡ” - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đức Hòa, tỉnh Long An - Nguyễn Tấn Triều nhận định về chặng đường phát triển vùng sản xuất rau ƯDCNC của huyện từ nay đến năm 2020.


Nông sản ứng dụng công nghệ cao cần có đầu ra ổn định để đạt hiệu quả bền vững

Bấp bênh đầu ra

Sau hơn 3 tháng chuyển từ sản xuất theo kinh nghiệm sang ƯDCNC, 1ha khổ qua, dưa leo của ông Trương Văn Dây, ngụ ấp An Thạnh, xã An Ninh Tây thu hoạch xong. Thời gian qua, dù thời tiết thay đổi thất thường nhưng nhờ áp dụng kỹ thuật, chủ động ứng phó nên vườn rau vẫn phát triển và cho năng suất cao. Tuy nhiên, sau mỗi đợt thu hoạch, giá nông sản lại lên, xuống thất thường - tùy theo thị trường và thương lái thu mua.

Ông Dây cho biết: “Từ lúc ƯDCNC, thương lái quen cũng đến thu mua, đưa về các chợ đầu mối như trước. Giá bán lúc cao nhất 10.000 đồng/kg, lúc thấp nhất 3.000 đồng/kg. Việc thu mua sản phẩm ƯDCNC không khác gì các loại rau bình thường, trong khi nông dân phải đầu tư, nghiêm túc thực hiện đúng quy trình. Vì vậy, ngành chức năng nên tìm đầu ra sản phẩm, hỗ trợ nông dân ký hợp đồng với đơn vị thu mua để đầu ra ổn định và giá cả có sự thống nhất ngay từ lúc đầu”.

Qua tìm hiểu, hầu hết nông sản ƯDCNC ở huyện Đức Hòa hiện nay đều thu mua qua thương lái. “Vì thu mua như vậy nên giá rất bấp bênh. Đợt khổ qua vừa qua, tôi bán với giá 8.000 đồng/kg nhưng khi có một đơn vị đến thu mua cho siêu thị, có kiểm tra chất lượng thì tôi lại bán được giá 11.000 đồng/kg. Vì vậy, nếu chưa tìm đầu ra ổn định cho nông sản ƯDCNC thì nông dân vẫn chịu thiệt”.

Tuy nhiên, thực hiện ký kết với doanh nghiệp thu mua còn là bài toán nan giải. Bởi, theo ông Nguyễn Tấn Triều, phần lớn nông sản đều được tiêu thụ dạng thô - chưa qua sơ chế, đóng gói, vì chưa có thương hiệu. Thế nên, giá cả không cao và đa số đều bán qua thương lái. Để giải quyết vấn đề đầu ra, cần thành lập tổ hợp tác (THT), hợp tác xã để tạo sự liên kết, hướng đến xây dựng thương hiệu và tập trung khâu sơ chế để giá bán nông sản cao hơn. Hiện nay, cũng có một số doanh nghiệp đến tìm hiểu, nắm nguyện vọng của nông dân trong vùng sản xuất rau để xem xét và có thể ký hợp đồng thu mua.


 Đầu ra cho nông sản ứng dụng công nghệ cao vẫn còn khó khăn

Cần đầu tư kết cấu hạ tầng

Mặc dù kênh thủy lợi Phước Hòa đi vào hoạt động nhưng vẫn chưa phát huy hết hiệu quả. Việc tưới tiêu những cánh đồng nằm trong vùng trồng rau theo quy hoạch của huyện chưa bảo đảm. Hơn nữa, kết cấu hạ tầng, nhất là đường giao thông trong vùng chưa thông thoáng, xe tải không thể vào tận nơi thu mua nên tình trạng nông dân bị ép giá vẫn xảy ra.

Ở cánh đồng trồng khổ qua của ông Lại Văn Hây, ngụ ấp Rừng Dầu, xã Tân Mỹ, mỗi mùa thu hoạch đều bị trừ phí vận chuyển. Đường vào ruộng khổ qua ƯDCNC của ông là đường đất, nhỏ, hẹp, chỉ đủ một chiếc xe môtô chạy. “Vì vận chuyển khó khăn nên đợt vừa qua, thay vì thu mua giá 10.000 đồng/kg thì thương lái chỉ mua 7.000 đồng/kg. Muốn ƯDCNC vào sản xuất, tôi nghĩ, hạ tầng phải được đầu tư thật tốt”.

Tương tự, mỗi lần thu hoạch, ông Trương Văn Dây cũng mất chi phí vận chuyển. Ông Dây nói: “Đường xấu nên người dân góp vốn trải đá để vận chuyển nông sản dễ dàng nhưng xe tải cũng chỉ vào được một đoạn nên nông dân vẫn phải thuê người vận chuyển từ ruộng ra xe. Vì vậy, ngoài đầu tư hệ thống điện, ngành chức năng cần tập trung nâng cấp, mở rộng đường giao thông nông thôn”.

Về vấn đề này, huyện xác định, năm 2017 xin chủ trương đầu tư 2 nhánh đường vào vùng sản xuất rau ƯDCNC ở xã Tân Mỹ với kinh phí hơn 2 tỉ đồng. Các tuyến kênh nội đồng, đường giao thông ở các xã còn lại sẽ được đầu tư vào những năm tiếp theo” - ông Triều cho biết.

Thực hiện theo lộ trình

Hàng năm, Đức Hòa có hơn 1.400ha rau, trong đó, chủ yếu là rau ăn trái. Tuy nhiên, việc ƯDCNC vào sản xuất rau của nông dân còn ít. Vì vậy, việc triển khai thực hiện xây dựng vùng sản xuất rau ƯDCNC trên địa bàn huyện Đức Hòa giai đoạn 2017-2020 gắn với tái cơ cấu nông nghiệp như một “luồng gió mới”. Qua đó, nền sản xuất nhỏ, lẻ sẽ chuyển dần sang sản xuất tập trung, đạt chất lượng và thân thiện với môi trường nhằm nâng cao giá trị sản xuất và tăng thu nhập cho nông dân.

Tuy nhiên, vì đây là hình thức sản xuất mới, sử dụng hoàn toàn phân vi sinh và thuốc sinh học nên nhiều người dân e ngại, chưa mạnh dạn áp dụng. Ông Lê Văn Đẩu - Tổ trưởng THT Sản xuất rau ƯDCNC số 2 của ấp Rừng Dầu, xã Tân Mỹ, cho biết: “Khi bắt đầu thực hiện sản xuất theo hướng ƯDCNC, xã thành lập 2 THT gồm những hộ dân trong vùng quy hoạch. Đối với tổ số 2 của tôi, tuy thành lập có 30 tổ viên nhưng số tổ viên tham gia mô hình ƯDCNC không nhiều. Vì vậy, để nông dân mạnh dạn thực hiện, Nhà nước cần tiếp tục có nhiều sự hỗ trợ”.

Tạo niềm tin cho nông dân rất quan trọng. Vì thế, theo ông Triều, từ hiệu quả của 4 mô hình điểm và một số diện tích trong mô hình nhân rộng thực hiện trong năm 2017, ngành chức năng và địa phương cùng THT phải tích cực tuyên truyền để nông dân hiểu và mạnh dạn ƯDCNC vào sản xuất. Đồng thời, trong quá trình thực hiện, huyện cũng đề ra lộ trình.

Cụ thể, năm 2017, tập trung thực hiện 4 mô hình điểm và 80ha nhân rộng ở xã Tân Mỹ, An Ninh Tây. Năm 2018, tiếp tục xây dựng các mô hình điểm với diện tích 6ha và tổ chức nhân rộng 90ha ở các xã: An Ninh Tây, Tân Mỹ, Lộc Giang, Hòa Khánh Đông, Hòa Khánh Nam. Đặc biệt, huyện chú trọng vận động thành lập hợp tác xã ở xã Tân Mỹ và 4 THT ở các xã: Hòa Khánh Đông, Hòa Khánh Nam, Lộc Giang và An Ninh Tây. Đến năm 2019, huyện phấn đấu có thêm 90ha sản xuất rau tập trung và xây dựng 1 mô hình tưới nước tiết kiện, 1 mô hình nhà lưới, thu mẫu sản phẩm và cảnh báo an toàn sản phẩm. Năm 2020, huyện cố gắng thực hiện thêm 25ha sản xuất rau tập trung để nâng tổng số diện tích vùng rau ƯDCNC đạt 285ha như quy hoạch.

“Song song với lộ trình thực hiện, huyện sẽ đầu tư kết cấu hạ tầng, tích cực tìm đầu ra ổn định. Nhưng về lâu dài, nông dân cũng cần vốn để ƯDCNC trong sản xuất. Vì vậy, theo tôi, ngành chức năng cần tiếp tục hỗ trợ để nông dân tiếp cận vốn vay dễ hơn, từ đó có điều kiện áp dụng kỹ thuật cao vào sản xuất” - ông Triều nói thêm.

ƯDCNC vào việc trồng rau cũng là một trong những xu hướng sản xuất tất yếu trong nền nông nghiệp hiện đại. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả như mong muốn, ngoài đầu tư kết cấu hạ tầng và sản xuất đúng quy trình, nông sản ƯDCNC phải có đầu ra ổn định, để tránh tình trạng giá thu mua bấp bênh như hiện nay./.

Thùy Hương

Chia sẻ bài viết