Tiếng Việt | English

22/06/2016 - 09:42

Cây mía đang bị... ra rìa

Bài 2: Công ty... hứa

Những năm qua, Công ty (Cty) Cổ phần NIVL, 100% vốn Ấn Độ đóng ở xã Lương Hòa, huyện Bến Lức, tỉnh Long An gặp khó khăn về tài chính nên liên tục nợ tiền thu mua mía của người dân, thương lái. Việc này càng làm cho người dân bức xúc, ngoảnh mặt với cây mía để dần chuyển đổi sang các cây trồng khác.


Người dân giăng băng rôn đòi nợ công ty

Niên vụ mía 2013-2014, Cty Cổ phần NIVL còn nợ thương lái, nông dân trồng mía ở các huyện: Bến Lức, Thủ Thừa, Đức Huệ với tổng số tiền gần 110 tỉ đồng (trong đó, thương lái, nông dân huyện Bến Lức trên 80 tỉ đồng). Sau nhiều lần đưa ra lý do giải thích, Cty vẫn không thanh toán cho người dân.

Trước việc Cty cam kết rồi lại cam kết, hứa rồi hẹn, hẹn lần, hẹn lựa làm người trồng mía rất bức xúc. Vì vậy, hàng chục hộ nông dân và thương lái đến UBND huyện Bến Lức yêu cầu can thiệp để họ gặp trực tiếp giám đốc Cty. Tuy nhiên, qua nhiều lần lời hứa gió bay, trong tháng 6-2014, người dân cử người đại diện túc trực tại cổng Cty canh chừng 24/24 giờ, không cho chuyển đường trong kho ra ngoài.

Hay gần đây, sáng ngày 4-5-2016, hàng chục nông dân, thương lái lại tiếp tục đến Cty Cổ phần NIVL để đòi tiền nợ. Sau đó, trong tháng 5, ông A nandaa Kumar - Tổng Giám đốc Cty Cổ phần NIVL cam kết với các hộ dân sẽ làm việc với một ngân hàng cho bán 1.000 tấn đường đã thế chấp cho ngân hàng, đang để trong kho, nhằm lấy tiền thanh toán nợ. Nhưng phía ngân hàng không đồng ý. Vì vậy, theo thông tin từ người dân, đến ngày 14-6, Cty vẫn chưa thanh toán nợ cho họ.


Người dân giăng băng rôn đòi nợ công ty

"Cty NIVL hoạt động ở địa bàn xã khoảng 20 năm nay, những năm gần đây, Cty liên tục thất hứa việc trả nợ cho nông dân và thương lái khiến nhiều người lâm vào hoàn cảnh khó khăn".

Phó Chủ tịch UBND xã Lương Hòa - Lê Trường Khánh

“Nhiều nông dân còn tìm đến tận nhà tôi để đòi nợ. Nghe tôi phàn nàn chưa lấy được tiền của Cty nên chưa có tiền trả thì họ rất bức xúc. Với việc Cty NIVL làm ăn nợ nần năm này qua năm khác thế này gây rất nhiều khó khăn, không biết chừng nào mới giải quyết được, có khi phải chuyển nghề khác chứ không thể làm thương lái mía” - ông N.H than thở.

Ông Nguyễn Văn Bước, một người dân bị Cty nợ tiền bức xúc: “Riêng tôi, Cty nợ trên 3 tỉ đồng. Nhiều lần chúng tôi đến đòi nợ, nhưng hết lần này đến lần nọ, Cty đều thất hứa. Do Cty không thanh toán tiền nên một số nông dân không có vốn để đầu tư vụ tiếp theo."

Không riêng gì nông dân, Cty còn nợ tiền cả thương lái, khiến nhiều người điêu đứng, lâm vào cảnh nợ nần, như trường hợp thương lái N.H ở xã Lương Hòa, số tiền mà Cty nợ có lúc lên đến hàng tỉ đồng, trong khi đó, ông N.H phải vay tiền của ngân hàng và chịu lãi. Ngoài ra, do Cty không thanh toán tiền nên ông nợ tiền mía của nông dân. Có những thời điểm, ông không dám ra đường vì nông dân gặp là đòi nợ, điện thoại của ông ngày nào cũng nhận được vài chục cuộc gọi đòi tiền nợ.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Lương Hòa - Lê Trường Khánh, Cty NIVL hoạt động ở địa bàn xã khoảng 20 năm nay, những năm gần đây, Cty liên tục thất hứa việc trả nợ cho nông dân và thương lái khiến nhiều người lâm vào hoàn cảnh khó khăn.

“Nông dân không có tiền để đầu tư vụ kế tiếp, không có tiền thanh toán nợ cho ngân hàng,... Vì vậy, việc nông dân bức xúc cũng rất dễ hiểu, từ đó dẫn đến tâm lý không an tâm khi gắn bó với cây mía” - ông Khánh cho biết thêm./.

Lê Đức

(còn tiếp)

Chia sẻ bài viết