Tiếng Việt | English

22/10/2015 - 09:24

Chăn nuôi bò sữa - LỐI ĐI HẸP

Bài 2: Cùng tháo gỡ khó khăn

Với những biến động lớn về thị trường, giá cả,… việc chăn nuôi bò sữa trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn. Người chăn nuôi chưa ký kết hợp đồng mua bán được với các công ty sữa. Nắm bắt tình hình chung, các ngành, các cấp đã phối hợp tìm ra biện pháp, nhằm ổn định đầu ra cho sữa bò tươi, cũng như tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của người chăn nuôi bò sữa.


Chăm sóc bò sữa

Tại xã Đức Hòa Thượng, huyện Đức Hòa, nhận thấy khó khăn chung của người chăn nuôi bò sữa, lãnh đạo địa phương đã thành lập 2 tổ hợp tác chăn nuôi bò sữa tại ấp Nhơn Hòa 2 và ấp Hậu Hòa có gần 40 hộ dân tham gia với quy mô gần 1.000 con bò sữa. Tham gia tổ hợp tác, các thành viên phải bảo đảm chất lượng sữa. Cán bộ khuyến nông sẽ hướng dẫn, truyền đạt các kiến thức về chăm sóc bò sữa, thường xuyên mở lớp tập huấn cho người chăn nuôi.

Chủ tịch UBND xã Đức Hòa Thượng - Mai Minh Mẫn Nhuệ thông tin: “Từ khi tổ hợp tác đi vào hoạt động đến nay đã mang đến nhiều lợi ích cho người chăn nuôi bò sữa. Người chăn nuôi được tập huấn các kỹ thuật cơ bản, nắm và hiểu biết các quy trình sản xuất. Các thành viên tham gia đều có trách nhiệm và phấn đấu vì lợi ích chung, từ đó chất lượng sữa được nâng lên. Đến nay, có khoảng 70% người chăn nuôi trong địa bàn xã tham gia vào tổ và một số hộ dân ở xã khác gần với địa bàn cũng muốn tham gia”.

Trước những khó khăn cũng như biến động về thị trường sữa trong thời gian gần đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã khảo sát thực tế tại 2 xã Đức Hòa Thượng và xã Tân Phú, huyện Đức Hòa để lắng nghe ý kiến, nắm bắt nguyện vọng của gần 70 hộ dân về vấn đề này.

Bên cạnh đó, lãnh đạo sở cũng có buổi gặp gỡ và làm việc với đại diện Công ty sữa Vinamilk, Công ty TNHH Dutch Lady để bàn bạc giải pháp xúc tiến ký kết hợp tác tiêu thụ sữa giữa tỉnh với công ty. Ngày 28-9-2015, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội thảo đẩy mạnh hợp tác, liên kết phát triển chăn nuôi bò sữa nhằm giải quyết những vướng mắc, khó khăn của người chăn nuôi và định hướng về phát triển bò sữa trong thời gian tới. Đối với những hộ chăn nuôi mới, sở cũng tiến hành xác minh những hộ này chưa bán sữa cho bất kỳ ai (theo yêu cầu của Công ty sữa Vinamilk) để sớm làm hợp đồng mua bán với công ty.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Đinh Thị Phương Khanh, để giải quyết đầu ra sản phẩm cho người chăn nuôi bò sữa, cần nhanh chóng thành lập những hợp tác xã và tổ hợp tác nhằm liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và xã viên với nhau để cùng phát triển. Ngoài ra, các ngành chức năng từng địa phương cũng nên khuyến cáo người chăn nuôi bò sữa không tăng đàn cơ học vào thời điểm hiện tại, tích cực tuyên truyền cho người chăn nuôi về chủ trương quy hoạch phát triển ngành bò sữa, chú trọng bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm, phòng, chống dịch bệnh và đặc biệt là kiểm soát con giống,… Bên cạnh đó, các công ty thu mua sữa trên địa bàn tỉnh cần tập trung nghiên cứu các giải pháp, kỹ thuật để nâng công suất chế biến, tăng thời gian tiêu thụ các sản phẩm sữa và tìm cách phát triển thị trường tiêu thụ.

Với tất cả những giải pháp, hy vọng trong thời gian tới, ngành chăn nuôi bò sữa ở Long An nói riêng, cả nước nói chung sẽ phát triển ổn định, lâu dài và bền vững./.

Thanh Mỹ

Chia sẻ bài viết