Tiếng Việt | English

04/03/2020 - 13:50

Hạn, mặn bao phủ Đồng bằng Sông Cửu Long

Bài 2: Hạn, mặn bao phủ Đồng bằng sông Cửu Long

Mùa mưa năm 2019 trên lưu vực sông MêKông xuất hiện muộn hơn trung bình nhiều năm, tổng lượng mưa ngắn, tổng lượng dòng chảy ở mức thấp, giảm nhanh và hiện đang xuống rất thấp so với trung bình nhiều năm. Do đó, tình trạng xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long năm nay xuất hiện sớm và sớm hơn so với hạn, mặn kỷ lục năm 2015-2016. Dự báo trong năm nay, hạn, mặn ở mức gay gắt và sẽ tiếp tục tăng cao hơn, khả năng ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp và dân sinh.

Hạn, xâm nhập mặn dự báo sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến 10/13 tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Trong đó, nguy cơ ảnh hưởng đến khoảng 135.000ha cây ăn trái và khoảng 332.000ha lúa Đông Xuân (ĐX).
Thiếu nước ngọt khiến hàng ngàn hecta lúa Đông Xuân có nguy cơ bị thiệt hại

Thiếu nước ngọt khiến hàng ngàn hecta lúa Đông Xuân có nguy cơ bị thiệt hại 

Vùng ảnh hưởng lan tới 10/13 tỉnh ĐBSCL

Tỉnh Cà Mau, địa phương duy nhất trong vùng ĐBCSL không có nước ngọt bổ sung từ thượng nguồn sông MêKông, lệ thuộc vào thời tiết và lượng nước mưa hàng năm với tình hình nắng, hạn kéo dài, xâm nhập mặn phức tạp đã khiến tình trạng thiếu nước sản xuất, sinh hoạt tại địa phương này gặp nhiều khó khăn. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau - Lê Văn Sử, qua kiểm tra độ mặn tại các cống phía ngoài sông hiện đã dao động ở mức từ 13-22,7 phần ngàn. Mặc dù các cửa cống ngoài sông đã được đóng kín ngăn mặn, tuy nhiên, mực nước tại các kênh nội đồng hiện xuống rất thấp, trữ lượng nước sụt giảm nhiều so với hàng năm. “Hiện tại, người dân đang tập trung bơm tích trữ nước để cứu các trà lúa, nhưng với lượng nước như hiện nay sẽ không bảo đảm cứu hết các trà lúa” - ông Lê Văn Sử cho biết. Theo thống kê của UBND tỉnh Cà Mau, qua kiểm tra diện tích, đánh giá tình hình thực tế, tổng diện tích lúa tôm bị thiệt hại do ảnh hưởng của hạn, mặn đến cuối năm 2019 là 16.554/37.436ha, tập trung tại các huyện: Thới Bình, U Minh, Trần Văn Thời và huyện Cái Nước. Còn tại trà lúa ĐX dự báo sẽ có khoảng 14.000ha ảnh hưởng gây thiệt hại từ 30-70% và khoảng 16.000ha nếu không đủ nước cung cấp cũng giảm năng suất.

Còn tại Tiền Giang, xâm nhập mặn diễn ra ở 3 hướng, trong đó hướng sông Tiền là chính, một phần từ sông Hàm Luông phía tỉnh Bến Tre sang và một phần xâm nhập mặn từ hướng sông Vàm Cỏ Tây của tỉnh Long An. Đến giữa tháng 02-2020, độ mặn từ 1-3g/l trên sông Tiền có khả năng xâm nhập đến cầu Đồng Tâm, huyện Châu Thành, cách cửa sông khoảng 55km. Trên sông Hàm Luông, độ mặn từ 1,5-3g/l có khả năng xâm nhập đến Trạm Thủy văn Chợ Lách, cách cửa sông khoảng 77km. “Xâm nhập mặn không chỉ gây ảnh hưởng đến sản xuất lúa mà còn đe dọa nghiêm trọng đến vùng cây ăn trái của tỉnh Tiền Giang. Tỉnh đang chỉ đạo các ngành chuyên môn tập trung mọi biện pháp để ứng phó với hạn, mặn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang - Phạm Anh Tuấn cho biết.

Nếu như mùa khô năm 2015-2016, năm xảy ra hạn, mặn lịch sử với hơn 160.000ha đất sản xuất nông nghiệp bị nhiễm mặn, trên 400.000ha lúa chịu ảnh hưởng và khoảng 500.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt, thiệt hại ước tính hơn 5.500 tỉ đồng thì năm nay, tình hình xâm nhập mặn được dự báo diễn ra tương tự, thậm chí sẽ gay gắt, ảnh hưởng nghiêm trọng hơn. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), vùng dự kiến chịu ảnh hưởng của hạn, mặn năm nay sẽ tác động đến 10/13 tỉnh với tổng cộng 74/137 đơn vị hành chính cấp huyện tại ĐBSCL. Trong đó, các tỉnh: Bến Tre, Trà Vinh, Bạc Liêu và Cà Mau, hạn, mặn sẽ diễn ảnh hưởng trong toàn tỉnh. 

Hàng trăm hecta lúa, cây ăn quả cóp nguy cơ chịu ảnh hưởng 

Các tỉnh ĐBSCL hiện đang canh tác vụ mùa, Thu Đông và ĐX 2019-2020. Trong đó, vụ mùa có tổng diện tích xuống giống 160.580ha, đã thu hoạch 25.000ha, số lượng còn lại đang làm đòng và trổ chín; vụ Thu Đông xuống giống gần 720.000ha, phần lớn đã thu hoạch xong. Riêng vụ ĐX, các tỉnh ĐBSCL xuống giống trên 1,5 triệu ha, trong đó xuống giống tháng 10-2019 đạt 473.000ha, xuống giống tháng 11/2019 đạt 714.000ha và xuống giống tháng 12-2019 khoảng 318.000ha. Theo kế hoạch, diện tích chưa xuống giống rơi vào khoảng 50.000ha. Ứng phó với hạn, mặn năm nay, phần lớn các địa phương đã thực hiện nghiêm chỉ đạo, tổ chức xuống giống trước ngày 31/12/2019. Tuy nhiên, trước tình hình hạn, xâm nhập mặn diễn biến phức tạp, Bộ NN&PTNT nhận định, trong số hơn 1,5 triệu ha lúa ĐX thì có khoảng 332.000ha lúa cần tăng cường thực hiện các giải pháp thủy lợi để bảo đảm cung cấp đủ nước tưới trong trường hợp xâm nhập mặn kéo dài. Trong đó, tỉnh Long An với diện tích khoảng 50.000ha, Tiền Giang 39.500ha, Trà Vinh 43.300ha, Sóc Trăng 39.000ha, Bạc Liêu 48.000ha, Cà Mau 36.000ha, Hậu Giang 31.200ha và Kiên Giang 45.000ha. Đối với cây ăn quả, theo tính toán, hạn, mặn có thể gây ảnh hưởng cho khoảng 136.000ha, chiếm 39,1% tổng diện tích cây ăn quả toàn vùng với các giống cây ăn trái đặc thù như thanh long, sầu riêng, xoài, cam, vú sữa,... Trong đó, có các vùng cây ăn quả lớn như Vũng Liêm, Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long với diện tích hơn 17.000ha; khu vực các huyện: Tân Phú Đông, Chợ Gạo, Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, diện tích gần 35.000ha; các huyện: Cầu Kè, Càng Long, tỉnh Trà Vinh với diện tích hơn 11.000ha; các huyện: Châu Thành, Bến Lức, tỉnh Long An, diện tích hơn 15.000ha;…

Tại Long An, theo Sở NN&PTNT, số liệu tổng hợp về tình hình sản xuất lúa ĐX tại các huyện: Cần Đước, Cần Giuộc, Bến Lức, Thủ Thừa, Thạnh Hóa, Tân Trụ, Châu Thành và TP.Tân An (những địa phương có thể chịu ảnh hưởng lớn nhất của hạn, mặn), có 62.408ha lúa gieo sạ, đã thu hoạch gần 20.000ha. Trong tổng số lúa ĐX, khả năng bị ảnh hưởng bởi hạn, xâm nhập mặn được dự báo khoảng 13.313ha, tập trung nhiều nhất tại huyện Tân Trụ, Thủ Thừa và Thạnh Hóa. Cùng với đó, diện tích rau màu, cây ăn trái có khả năng bị ảnh hưởng cũng lên đến 11.209ha với các loại cây ăn trái chủ lực của tỉnh như thanh long, chanh, ổi và cây khoai mỡ. “Đến thời điểm hiện tại, mặc dù chưa ghi nhận thiệt hại do hạn, xâm nhập mặn, tuy nhiên, với tình hình xâm nhập mặn như hiện nay và dự báo còn kéo dài, diện tích lúa có khả năng giảm năng suất từ 30-50% rơi vào khoảng 2.200ha thuộc 2 huyện Tân Trụ và Thạnh Hóa. Đồng thời, khoảng 500ha lúa thuộc huyện Tân Trụ có khả năng mất trắng” - Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy Lợi, Sở NN&PTNT tỉnh Long An - Võ Kim Thuần cho biết.

Hạn, mặn lịch sử năm 2015 - 2016, Long An thiệt hại gần 195 tỉ đồng 

Theo số liệu của Sở NN&PTNT, hạn, mặn lịch sử năm 2015-2016 tại tỉnh Long An khiến hơn 10.057ha cây trồng bị thiệt hại. Trong đó, chủ yếu là lúa với hơn 9.294ha (6.135ha thiệt hại trên 70%, 3.159ha thiệt hại từ 30-70%), cây ăn trái cùng cây khác thiệt hại 610ha (506ha thiệt hại trên 70%, 104ha thiệt hại từ 30-70%) và rau màu thiệt hại 152ha. Tổng kinh phí thiệt hại về cây trồng gần 195 tỉ đồng. Đồng thời, hạn, mặn năm 2016 cũng khiến 15.500 hộ dân thiếu nước, tập trung tại các huyện Cần Đước, Cần Giuộc và một phần huyện Tân Trụ./.


(còn tiếp)

 BÀI 3: Nguy cơ thiếu nước sinh hoạt

Kiên Định
Chia sẻ bài viết