Tiếng Việt | English

10/03/2020 - 15:09

Lối đi nào cho thư viện ngày nay?

Bài 2: Kho tri thức bị “lãng quên”

Tổng số tiền địa phương đầu tư bổ sung sách cho các thư viện trong toàn tỉnh Long An lên đến hàng trăm triệu đồng/năm. Hàng trăm ngàn đầu sách đang nằm trên kệ các “kho tri thức” tỉnh nhà. Nhưng số lượng độc giả, người làm thẻ thư viện lại giảm dần mỗi năm. Đã đến lúc thư viện phải đổi thay.

Dù các TV luôn được trang bị đầy đủ bàn, ghế phục vụ bạn đọc nhưng việc bạn đọc rời đi là điều hầu như TV nào cũng gặp phải. Trong những lần ghé thăm TV, hầu như không lần nào chúng tôi gặp được bạn đọc đến TV. Không gian vẫn luôn vắng vẻ và những chiếc ghế bày sẵn luôn thiếu người ngồi. 

Thư viện xã Long Định có ít người lui tới

Thư viện xã Long Định có ít người lui tới

Chiếc ghế trống trong thư viện

Chúng tôi có mặt ở Bưu điện Cần Đước một sáng gần cuối năm 2019, không khí vắng vẻ. Sách nhiều nhưng có phần ngổn ngang, lộn xộn do đơn vị đang chờ chuyển sang trụ sở mới khang trang hơn. Bà Nguyễn Thị Phương - phụ trách TV, nhà truyền thống huyện Cần Đước, cho biết, TV Cần Đước có 80 người đăng ký làm thẻ mượn. Ngoài ra, người đọc tại TV hầu như không có. TV được đánh giá là “đông khách” vào những ngày học sinh được nghỉ học sớm, các em tranh thủ đến TV mượn sách, chủ yếu là truyện thiếu nhi. Đa số học sinh lui tới TV ở độ tuổi THCS trở xuống. Còn lại, độc giả quen thuộc của TV chủ yếu vẫn là người lớn tuổi, cán bộ hưu trí. Họ đọc sách như một thói quen và một phần vì họ ít tiếp cận công nghệ thông tin. 

Một số TV huyện khác lại không có độc giả quen thuộc. Độc giả của TV thường chỉ đến mượn sách khi cần tìm hiểu, nghiên cứu vấn đề gì đó, hoặc học sinh đến mượn đọc trong vài phút giải lao. Chị Phạm Thị Mai Trang - thư viện viên TV Vĩnh Hưng, cho biết, TV hầu như không có bạn đọc quen thuộc. TV đặt tại Nhà Thiếu nhi huyện nên khá thuận lợi trong việc tiếp cận học sinh. Các em học sinh thường đến nhà thiếu nhi học các môn năng khiếu hoặc tham gia các hoạt động. Trong thời gian chờ đợi, các em có thể chọn sách trong TV ra ngồi đọc, sau đó trả về chỗ cũ. Chị cũng hết sức tạo điều kiện cho các em, cho phép mượn đọc tự do, không cần kiểm tra thẻ, chỉ cần trả về đúng chỗ. Cả bàn đọc sách của TV cũng được dời ra bên ngoài sảnh nhà thiếu nhi, tạo không gian mở giúp thu hút các em hơn. Nhưng lượng bạn đọc đến với TV vẫn còn thưa vắng! 

Phó Giám đốc Bảo tàng-TV tỉnh - Lê Việt Hùng cho biết, việc bạn đọc tại TV sụt giảm là tình trạng chung trong toàn tỉnh. Từ năm 2009-2018, số thẻ TV được cấp bởi các TV cấp huyện giảm từ 1.099 thẻ còn 841 thẻ. Tại TV tỉnh, số lượng bạn đọc tìm đến giảm từ trên 70.000 năm 2009 còn gần 4.000 năm 2018. 

Không chỉ TV tỉnh, TV huyện mà cả TV xã cũng chung cảnh đìu hiu. TV xã Long Định, huyện Cần Đước được thành lập từ năm 2019, với hơn 1.500 đầu sách đủ thể loại: Luật, kỹ năng sống, truyện tranh,… TV được bố trí tại Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Học tập cộng đồng xã với đầy đủ bàn, ghế, quạt nhưng vẫn không có mấy người lui tới đọc và thường xuyên trong cảnh “cửa đóng then cài”. Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Học tập cộng đồng xã Long Định - Lê Thị Mỹ Lệ cho biết: “TV xã không có cán bộ chuyên trách nên Ban Giám đốc trung tâm phải phân công kiêm nhiệm. Điều đó ít nhiều ảnh hưởng đến thời gian mở cửa của TV xã. Để khắc phục khó khăn về giờ giấc, Ban Giám đốc trung tâm làm thêm chìa khóa TV cho các trưởng ấp giữ. Bất cứ khi nào có hoạt động tại trung tâm thì TV luôn được mở cửa”. Tuy nhiên, TV cũng không thu hút được nhiều người tìm đến. Chị Lệ giải thích, sách tại TV xã chủ yếu nghiên về sách luật, lịch sử địa phương và sách tặng của các cá nhân trong xã nên không thực sự thu hút. Riêng về sách luật tại TV xã gần như không được quan tâm và phát huy hiệu quả. Chị nói: “Nếu muốn tìm hiểu luật, người dân có thể tra cứu trên Internet hoặc đến tủ sách pháp luật đặt tại bộ phận “một cửa” của UBND xã. Ở đó, mỗi khi có quy định mới, luật mới đều được cán bộ tư pháp cập nhật và giải thích khi cần”. Vậy là, dù được trang bị đầy đủ nhưng TV xã chưa thực sự phát huy hiệu quả.

Thư viện huyện Vĩnh Hưng, bàn đọc sách của thư viện được dời ra bên ngoài sảnh nhà thiếu nhi, tạo không gian mở giúp thu hút các em hơn

Thư viện huyện Vĩnh Hưng, bàn đọc sách của thư viện được dời ra bên ngoài sảnh nhà thiếu nhi, tạo không gian mở giúp thu hút các em hơn

Khi bạn thích tự mình ... mua sách

Bà Trần Thị Kim Liên - giáo viên về hưu ở thị trấn Cần Đước, là người dành phần lớn thời gian trong ngày cho việc đọc sách, báo mượn từ TV để nắm bắt thông tin. Với bà, đó là cách để kết nối với nguồn tin tức từ bên ngoài. Nhưng các con cháu trong gia đình bà thì lại có cách khác tiếp cận thông tin nhanh hơn, tiện lợi hơn là Internet.

Internet là nguyên nhân khách quan không thể nào thay đổi khiến TV không còn thu hút bạn đọc được nhiều như trước. Mọi thông tin đều có thể tìm thấy sau một cú nhắp chuột hoặc tìm kiếm trên điện thoại thông minh hơn là quyển sách. TV dần trở nên thưa vắng, đó là thực trạng mà hầu như không TV nào tránh khỏi. Ông Lê Việt Hùng cho biết, sự ảnh hưởng của thời đại công nghệ thông tin khiến bạn đọc rời xa TV. 

Sự bùng phát của thương mại điện tử cũng giúp các bạn trẻ dễ dàng mua được sách với giá thấp hơn giá bìa và được giao tận nhà, điều đó phần nào khiến các bạn không lưu tâm đến việc tìm tới TV. Em Trần Huỳnh Bảo Trân (học sinh lớp 9, Trường THCS Thanh Phú Long, huyện Châu Thành) là người thích đọc sách nhưng em chưa khi nào đến TV huyện hoặc xã để đọc sách. Trân giải thích, tủ sách tại xã không có sách mà em muốn, trong khi TV huyện lại khá xa. Em chọn cách mua sách vào các đợt giảm giá trên những trang thương mại điện tử hoặc trao đổi sách cùng bạn bè. 

Trong khi đó, em Lê Võ Sông Hương (học sinh lớp 12H, Trường THPT Chuyên Long An) lại đến TV trường thay vì TV tỉnh để chọn sách phục vụ việc học của mình. Hương cho biết: “Sau các giờ học trên lớp, em và các bạn thường đến TV để tự học vì có không gian thoải mái. Mỗi khi cập nhật sách mới, thầy Hiệu trưởng thường lấy ý kiến của học sinh nên nguồn sách khá phong phú và phù hợp với nhu cầu tìm hiểu của chúng em”. Ngoài ra, Hương và các bạn cũng tìm hiểu thông tin trên Internet như một kênh phụ để bổ sung kiến thức. 

Với người trưởng thành, guồng quay cuộc sống khiến quỹ thời gian trở nên hạn hẹp, TV trở nên “xa xỉ”, nhiều người chọn mua sách để đọc thay vì đến TV. Chị Trần Thị Cẩm Giang (huyện Châu Thành) cho biết, chị thích đọc sách và cũng thích cảm giác mua sách. Giá sách trên các trang thương mại điện tử thường được giảm thấp hơn giá bìa, được giới thiệu với hình ảnh bắt mắt, nội dung tóm tắt sẵn dễ dàng cho việc chọn lựa. Sau khi mua, sách được giao đến tận nhà, tiết kiệm thời gian, trong khi TV chỉ mở cửa giờ hành chính. Vì vậy, chị không mấy khi lui tới TV dù bản thân là người thích đọc sách.

Chị Huỳnh Thị Ngọc Trân (TP.Tân An) cũng cho biết, nhiều năm nay, chị không hề lui tới TV. Hầu hết sách đọc của gia đình do chị tự tìm mua. Một phần vì không đủ thời gian lui tới TV giờ hành chính, phần thứ hai do nhu cầu sách của chị chủ yếu là chuyên ngành, khó tìm nên sách trong TV không đáp ứng được yêu cầu của chị.

Tất cả TV trong tỉnh dù đang chứa một số lượng sách khổng lồ nhưng vẫn chưa ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, tra cứu và quảng bá sách nên vẫn không khai thác được hết tiềm năng. Việc quản lý và tìm kiếm sách thủ công làm mất nhiều thời gian cũng là nguyên nhân khiến bạn đọc ngại ngần khi nghĩ về TV. Bạn đọc tại TV vắng thưa, còn người yêu sách lại tự mình trang bị sách./.

(còn tiếp)

Bài 3: Hành trình tìm người đọc

Phương Phương

Chia sẻ bài viết