Tiếng Việt | English

05/09/2019 - 15:11

Nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết án từ những phiên tòa rút kinh nghiệm

Bài 2: Nâng cao chất lượng xét xử

Qua rút kinh nghiệm sau mỗi phiên tòa, các đơn vị, địa phương tự tổ chức học tập, khắc phục những khiếm khuyết mắc phải và khắc phục triệt để những vi phạm, hạn chế được chỉ ra. Qua đó, làm giảm lượng án phải hủy, cải sửa, án vi phạm khác, nhất là những án cùng loại. Đồng thời, từ các phiên tòa rút kinh nghiệm còn góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho lực lượng cán bộ, kiểm sát viên, thẩm phán 2 cấp trong quá trình xét xử.

Cán bộ, kiểm sát viên Phòng Thực hành quyền công tố, Kiểm sát xét xử phúc thẩm án hình sự, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh trao đổi nghiệp vụ sau các phiên tòa

Hiệu quả từ những phiên tòa rút kinh nghiệm mang lại cho thấy đây là hướng đi đúng, phục vụ thiết thực yêu cầu cải cách tư pháp (CCTP) và từng bước khắc phục hiệu quả các vi phạm trong hoạt động xét xử, xây dựng lòng tin, uy tín trong hoạt động xét xử của viện kiểm sát và tòa án đối với tiến trình CCTP.

Gần 1.200 phiên tòa rút kinh nghiệm được thực hiện

Theo Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh Long An, sau khi Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003 có hiệu lực, các cơ quan Trung ương yêu cầu các địa phương thực hiện phiên tòa mẫu về CCTP để rút kinh nghiệm. Với sự quyết tâm, năm 2005, VKSND tỉnh chủ động phối hợp Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh chỉ đạo chọn và tổ chức được 44 phiên tòa rút kinh nghiệm. Tại các phiên tòa đều có sự tham gia của lãnh đạo VKSND, TAND để cùng rút kinh nghiệm với hội đồng xét xử, kiểm sát viên (KSV) tham gia phiên tòa.

Những kết quả thu được tại các phiên tòa rút kinh nghiệm phần nào đáp ứng được yêu cầu CCTP. Tuy nhiên, qua thực tế các phiên tòa rút kinh nghiệm được tổ chức cũng cho thấy những hạn chế, khuyết điểm như việc thực hiện trình tự, thủ tục phiên tòa theo yêu cầu mới về CCTP của thẩm phán, KSV, luật sư và những người tham gia tố tụng khác chưa thật sự nhuần nhuyễn, thông suốt; việc xét hỏi, tranh luận chưa thực sự là trọng tâm trong hoạt động xét xử; nhiều phiên tòa việc tranh luận còn mang tính hình thức;...

Theo Chánh Văn phòng VKSND tỉnh - Võ Thành Đủ, để khắc phục những tồn tại, hạn chế được chỉ ra, ngày 18-4-2011, VKSND tỉnh và TAND tỉnh đã phối hợp, đi đến thống nhất việc xây dựng và ban hành “Quy chế tạm thời về xét xử án hình sự rút kinh nghiệm theo tinh thần CCTP”. Đây cũng là bước đột phá của tỉnh Long An so với toàn quốc. Từ khi quy chế đi vào hoạt động đã mang lại những hiệu ứng tích cực trong tiến trình CCTP về xét xử án hình sự, nhất là việc hoàn thiện hơn về trình tự, thủ tục phiên tòa; trách nhiệm của thẩm phán, KSV, thư ký tòa án trong hoạt động xét xử, cảnh sát hỗ trợ tư pháp trong dẫn giải, bảo vệ phiên tòa, thành phần mời dự phiên tòa cũng như việc hoàn thiện tiêu chí, thủ tục xây dựng bộ hồ sơ xét xử rút kinh nghiệm. Bên cạnh đó, đến năm 2013, các vụ việc liên quan đến án dân sự, hành chính, kinh doanh thương mại, lao động cũng được 2 ngành phối hợp thực hiện các phiên tòa rút kinh nghiệm.

Thống kê của VKSND tỉnh cho thấy, từ khi triển khai thực hiện phiên tòa rút kinh nghiệm được 2 cấp xét xử về án hình sự, dân sự, hành chính sơ thẩm và phúc thẩm, đến nay đã có 1.145 phiên tòa được thực hiện rút kinh nghiệm. Trong đó, hình sự thực hiện 729 vụ, dân sự 376 vụ - việc và hành chính 49 vụ.

Hiệu quả từ phiên tòa rút kinh nghiệm

Theo Trưởng phòng Thực hành quyền công tố, Kiểm sát xét xử phúc thẩm án hình sự, VKSND tỉnh - KSV Trung cấp Nguyễn Quốc Thới, qua việc tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm theo yêu cầu CCTP của 2 cấp TAND và VKSND từ năm 2005 đến nay đã phục vụ thiết thực chủ trương về CCTP theo tinh thần Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị, các quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự, Luật Tố tụng Dân sự và Luật Tố tụng Hành chính. Các phiên tòa được tổ chức xét xử rút kinh nghiệm luôn bảo đảm đúng các nguyên tắc, trình tự, thủ tục tố tụng, nhất là bảo đảm được tính văn hóa pháp đình, tinh thần thượng tôn pháp luật, công khai, minh bạch và nghiêm minh trong hoạt động xét xử cũng như tính độc lập, trách nhiệm của hội đồng xét xử và KSV tham gia phiên tòa. Bên cạnh đó, chất lượng hoạt động tranh tụng cũng được nâng lên rõ rệt và có tác dụng quan trọng đến kết quả buộc tội, gỡ tội, kết tội và các đề xuất, phán quyết khác về dân sự của KSV, hội đồng xét xử tại phiên tòa.

“Vấn đề quan trọng nhất là qua rút kinh nghiệm sau các phiên tòa, các đơn vị, địa phương tổ chức đã tự học tập, rút kinh nghiệm được những khiếm khuyết của mình đang mắc phải và khắc phục triệt để những vi phạm đã được chỉ ra. Qua đó, giúp giảm lượng án phải hủy, cải sửa, án vi phạm khác, nhất là những án cùng loại. Đồng thời, từ các phiên tòa rút kinh nghiệm còn góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho lực lượng cán bộ, KSV, thẩm phán 2 cấp trong quá trình xét xử. Ngoài ra, qua hơn 10 năm thực hiện phiên tòa rút kinh nghiệm còn tạo sự chuyển biến tích cực trong lực lượng cán bộ, KSV, thẩm phán, thư ký tòa án, hội thẩm nhân dân, lực lượng cảnh sát hỗ trợ tư pháp khi tham gia hoạt động xét xử về nhận thức pháp luật, kinh nghiệm, bản lĩnh trong xét xử, trong áp dụng pháp luật và các mối quan hệ tương tác. Riêng đối với lực lượng cán bộ KSV 2 cấp, từ những phiên tòa rút kinh nghiệm đã giúp KSV kiểm sát nhuần nhuyễn hơn vai trò công tố và kiểm sát xét xử, tích cực tham gia xét hỏi, xử lý hiệu quả các tình huống phát sinh để cùng hội đồng xét xử làm rõ nội dung các vụ án, vụ việc” - KSV Trung cấp Nguyễn Quốc Thới cho biết.

Theo VKSND tỉnh, sắp tới, VKSND tỉnh và TAND tỉnh sẽ thống nhất ban hành “Quy chế phối hợp tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm có sử dụng thiết bị công nghệ thông tin để trình chiếu tài liệu, chứng cứ tại phiên tòa” nhằm bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa VKSND tỉnh và TAND tỉnh trong tổ chức, chỉ đạo các phiên tòa rút kinh nghiệm theo tinh thần CCTP cũng như nâng cao chất lượng xét hỏi, tranh tụng tại phiên tòa của KSV, thẩm phán và công tác điều hành của thẩm phán - chủ tọa phiên tòa./.

Kiên Định

Chia sẻ bài viết