Tiếng Việt | English

19/01/2016 - 14:14

Những chặng đường Tây Nguyên

Bài 2: Ngục Kon Tum - khắc ghi lịch sử

Trường Sơn hùng vĩ với những dãy núi cao bao bọc, che chở vùng đất Tây Nguyên bao đời nay. Nơi đây là nơi sinh sống của rất nhiều dân tộc anh em tạo nên nét đặc trưng riêng về văn hóa. Với diện tích rừng lớn bao gồm nhiều thảm sinh vật đa dạng, khí hậu rất riêng biệt tạo thế mạnh giúp Tây Nguyên phát triển về du lịch.

 

Đoàn viếng thăm Ngục Kon Tum để hiểu hơn về truyền thống đấu tranh anh hùng của dân tộc (Ảnh: Lê Cánh)

Dưới sự áp bức, bóc lột dã man, tàn bạo của kẻ thù nhưng với tinh thần yêu nước quật cường, không sợ hy sinh, các nhà cách mạng, tù chính trị của ta đã đứng lên chống lại bọn xâm lược. Chiến tranh đã qua đi nhưng những hình ảnh, tư liệu về cuộc chiến khốc liệt ấy như minh chứng cho sự độc ác của kẻ thù vẫn còn đó. Nó như bằng chứng thép tố cáo tội ác của quân xâm lược, đồng thời là bài học giáo dục về tinh thần yêu nước để người đời sau học tập và noi theo. Tại tỉnh Kon Tum khi nhắc về lịch sử chắc hẳn không ai có thể bỏ qua di tích Ngục Kon Tum.

Khu di tích Ngục Kon Tum tọa lạc tại đường Trương Quang Trọng, phường Quang Trung, thành phố Kon Tum được phục dựng và tôn tạo lại để tái hiện hình ảnh đấu tranh kiên cường của dân tộc.

Ngục Kon Tum (lao trong) được thực dân Pháp xây dựng từ năm 1905 đến năm 1917 thì hoàn thành, xây bên cạnh một mương nước lớn. Để dễ dàng kiểm soát, chúng cho đào rãnh dài 150m, rộng 100m, thiết kế nhà theo hình hộp (vuông) khép kín, diện tích khoảng 2,5ha, 4 góc ngục có 4 lô cốt xây nổi lên, canh phòng cẩn mật suốt ngày đêm, đặt nhà tù vào thế bao vây cô lập. Lúc đầu xây dựng chỉ để giam giữ những người dân bản địa chống đối với chúng mà dân bản địa ở đây lúc bấy giờ là người đồng bào Ê đê, Ba na,…

Đến năm 1930, sau khi cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh bùng nổ, thực dân Pháp mới đưa tù chính trị ở các tỉnh đồng bằng lên đây giam giữ, đặc biệt là ở Nghệ An, Hà Tĩnh nhằm cách ly và thủ tiêu tù chính trị của ta. Số lượng tù chính trị đưa lên lúc đó rất đông, tháng 12-1930, gần 600 đồng chí cộng với số tù thường phạm nên nhà tù này không đủ sức chứa; đầu năm 1931, thực dân Pháp tiếp tục xây thêm một nhà lao ngoài cũng trên khuôn viên này.

Về quy mô thì nhà tù Kon Tum không lớn, kiên cố như những nhà tù Côn Đảo, Hỏa Lò, Sơn La,… nhưng được coi là nhà tù giết người dã man và tàn khốc nhất năm 1930. Chỉ trong vòng 1 năm, thực dân Pháp đã giết hơn 500 đồng chí của ta, vì thế nhà tù Kon Tum được gọi là nhà ngục.

Chúng bắt tù chính trị đi lao động khổ sai làm Quốc lộ 14 nối với tỉnh Quảng Nam bây giờ. Để làm được con đường ấy, các đồng chí của ta đã đổ không biết bao nhiêu xương máu xuống đó, tháng 12-1930, thực dân Pháp bắt 295 đồng chí Ngục Kon Tum đi làm đường nhưng sau 6 tháng có hơn 210 đồng chí bỏ mạng nơi rừng thiêng, nước độc, số còn lại thì như những xác ma không hồn, da bọc xương, mùa mưa không làm được đường, chúng mới đưa các đồng chí về lại nhà tù.

Hai ngôi mộ nơi chôn 15 đồng chí vẫn còn tại Ngục Kon Tum như bằng chứng thép cho tội ác dã man của bọn thực dân Pháp. Chính xương máu của các đồng chí trong cuộc đấu tranh tại đây đã tác động mạnh mẽ, giác ngộ quần chúng nhân dân lúc bấy giờ. Đồng thời nêu cao tinh thần cách mạng bất khuất của dân tộc, qua đó nhắc nhở, giáo dục tinh thần yêu nước cho thế hệ sau này.

Năm 1998, Ngục Kon Tum được Bộ Văn hóa – Thông tin nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia./.

Thanh Mỹ 

Chia sẻ bài viết