Tiếng Việt | English

23/05/2017 - 21:09

Chấn chỉnh hoạt động nhạc sống, karaoke di động: Cuộc chiến chưa ngã ngũ

Bài 2: Phải quyết liệt vào cuộc

Sau Công văn 1105 do UBND tỉnh Long An ban hành ngày 01/4/2016 về việc tăng cường quản lý hoạt động văn hóa, kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng trên địa bàn tỉnh, đến ngày 29/11/2016, UBND tỉnh tiếp tục ban hành Quyết định 5015/QĐ-UBND về việc ban hành Quy định quản lý hoạt động nhạc sống. Quy định này có nhiều điểm mới, nêu rõ trách nhiệm từng cấp, từng ngành trong công tác quản lý loại hình này. Tuy nhiên, quyết định vẫn chưa phát huy hiệu quả tối đa khi đi vào thực tế...


Để quản lý hoạt động nhạc sống hiệu quả, ban vận động ấp, khu phố, chính quyền địa phương và ngành chức năng phải quyết liệt vào cuộc, triển khai thực hiện nghiêm Quyết định 5015/QĐ-UBND của UBND tỉnh

Đo độ ồn vẫn bất cập

Theo Thông tư 39/2010/TT-BTNMT, ngày 16/12/2010 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường, trong đó có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn quy định, đối với khu vực thông thường như chung cư, các nhà ở riêng lẻ cách biệt hoặc liền kề, khách sạn, nhà nghỉ, cơ quan hành chính nhà nước thì giới hạn tối đa cho phép về tiếng ồn từ 6 giờ - 21 giờ là 70dBA và từ 21 giờ - 6 giờ là 55dBA. Dù có quy định nhưng việc xác định độ ồn vẫn gặp khó khăn.

Theo Phó Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Vĩnh Hưng - Võ Duy Huy Vũ, sau khi thực hiện Quyết định 5015/QĐ-UBND, hoạt động nhạc sống trên địa bàn huyện ổn định hơn vì tất cả đều đăng ký kinh doanh, hoạt động đúng giờ và không gây mất an ninh, trật tự.

Tuy nhiên, người dân vẫn phản ánh về tiếng ồn ảnh hưởng đến sinh hoạt. Nếu đo, chắc chắn những điểm hát nhạc sống đều vi phạm tiếng ồn vì âm thanh quá lớn.

Huyện Vĩnh Hưng là đơn vị được trang bị 11 máy đo độ ồn từ tháng 4/2016 nhưng đến nay vẫn chưa được sử dụng trong các cuộc kiểm tra, xác định độ ồn ở những điểm hát nhạc sống. Nguyên nhân, việc sử dụng máy đo độ ồn cũng phải đúng pháp luật, có chuyên môn kỹ thuật nhưng cán bộ ở huyện không thể đảm đương. Điều này phụ thuộc vào trách nhiệm tập huấn, hướng dẫn của Sở Tài nguyên và Môi trường đối với các cơ quan chức năng ở địa phương về phương pháp kiểm tra và hình thức xử phạt hành vi vi phạm về tiếng ồn theo quy định Quyết định 5015/QĐ-UBND của UBND tỉnh ban hành và nêu rõ. “Tuy nhiên, đến nay, địa phương vẫn chưa được tập huấn nên máy đo độ ồn chưa phát huy hiệu quả” - ông Vũ nói thêm.

Tại huyện Đức Hòa, cử tri xã Đức Hòa Thượng từng phản ánh về việc hát nhạc sống quá ồn nhưng khi đến kiểm tra chủ yếu nhắc nhở chứ không xử phạt. “Xử phạt thì phải tiến hành đo để áp dụng theo quy định nhưng hiện nay, huyện chưa được trang bị máy đo độ ồn. Nếu có trang bị chắc cũng không hiệu quả như huyện Vĩnh Hưng vì khi đoàn kiểm tra, những người chơi nhạc sống sẽ điều chỉnh âm thanh” - Phó Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Đức Hòa - Phạm Thành Hưng cho biết.

Việc xác định tiếng ồn sẽ còn gian nan nếu ngành chức năng chưa thật sự vào cuộc như hiện nay.


Người dân phản ánh tiếng ồn ảnh hưởng đến sinh hoạt

Trưởng ấp, khu phố phải nâng cao trách nhiệm

Theo thống kê chưa đầy đủ, toàn tỉnh hiện có gần 1.400 dàn nhạc sống, karaoke di động, trong đó, số đăng ký kinh doanh hơn 50%. Quyết định 5015/QĐ-UBND của UBND tỉnh là “công cụ” pháp lý đưa hoạt động nhạc sống đi vào nền nếp khi có hướng dẫn cụ thể về đăng ký kinh doanh, giờ giấc hoạt động,... Nhưng, trước tình trạng loa kẹo kéo do cá nhân tự mua dùng trong gia đình hoặc một nhóm người góp tiền mua để sử dụng luân phiên như hiện nay lại đặt ra bài toán quản lý thế nào?

Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện Cần Giuộc - Trần Đính nói: “Những dàn nhạc sống có đăng ký kinh doanh thì còn có thể quản lý dựa vào các văn bản quy định về hoạt động của loại hình này. Còn bây giờ, nhiều người có điều kiện tự mua một cái loa mang về nhà, kết nối với điện thoại có Internet để hát thì khó quản lý, cũng không thể cấm vì họ không có đăng ký kinh doanh. Những trường hợp này chủ yếu tuyên truyền, nâng cao nhận thức của họ để ca hát có nền nếp”.

Những khu vực như huyện Đức Hòa, Châu Thành, TP.Tân An,... việc tự mua loa kẹo kéo để hát hiện nay khá phổ biến. Anh Trần Huy Phương - hộ kinh doanh nhạc sống ở huyện Đức Hòa cho biết: “Cách đây vài tháng, tôi đăng ký kinh doanh và cam kết hoạt động đúng giờ. Thông thường, khi có người thuê, tôi thường nói trước là chỉ hát một suất 4 tiếng nhưng không được chơi quá 22 giờ. Nhưng thời gian gần đây, dàn nhạc sống của tôi không đắt như lúc trước, chủ yếu phục vụ đám, tiệc vì bây giờ, nhiều nhà tự mua loa về hát nên không còn thuê dàn nhạc sống nữa. Cũng có trường hợp, người cho thuê loa kẹo kéo (số lượng 2 loa trở lên) với giá rẻ, từ vài chục ngàn đến 100.000 đồng/giờ nên được nhiều người ưa chuộng hơn dàn nhạc sống”.

Ở huyện Châu Thành, đời sống những người làm công tại các vườn thanh long bây giờ cũng rất “sang”. Căn chòi nhỏ của họ giữa vườn thanh long ở xã Thuận Mỹ tuy đơn sơ, nhỏ xíu nhưng bên trong lại được trang bị loa kẹo kéo để hát sau những giờ làm vườn. Theo lời những người làm vườn, loa âm thanh ấy do chủ nhà sắm cho người làm công vì thấy anh em đam mê ca hát. Mua loa kẹo kéo không tốn bao nhiêu tiền mà lại giữ chân được người làm công.

Trước thực trạng này, công tác quản lý sẽ như thế nào khi hoạt động hát hò ấy không mang tính kinh doanh mà chủ yếu sinh hoạt trong gia đình hoặc một nhóm ở khu dân cư, các khu nhà trọ công nhân. Thiết nghĩ, để chấn chỉnh loại hình loa kẹo kéo do cá nhân tự trang bị cũng không quá khó, chỉ cần các cấp, các ngành vào cuộc quyết liệt. Bởi, theo Quyết định 5015/QĐ-UBND của UBND tỉnh, đối tượng áp dụng trong quy định về việc quản lý nhạc sống trên địa bàn tỉnh là các tổ chức, cá nhân Việt Nam liên quan đến hoạt động nhạc sống trên địa bàn Long An. Đối tượng này không phân biệt có đăng ký kinh doanh hay không đăng ký.

Quyết định 5015/QĐ-UBND lần này cũng có điểm mới, nâng cao vai trò, trách nhiệm của ban vận động ấp, khu phố. Theo đó, “Ban vận động ấp, khu phố, nhất là đối với trưởng ấp, trưởng khu phố phải nâng cao vai trò, trách nhiệm của mình, thường xuyên theo dõi, tiếp nhận thông tin để có hình thức vận động, tuyên truyền, thuyết phục tổ chức, cá nhân, hộ gia đình ở địa phương thực hiện tốt nếp sống văn minh, gia đình văn hóa trong việc cưới, việc tang, lễ hội, nhất là việc tổ chức các hoạt động nhạc sống tại các đám tiệc, sinh hoạt vui chơi, giải trí. Ấp, khu phố nào thường xuyên xảy ra tình trạng vi phạm quy định trong hoạt động nhạc sống sẽ xem xét, đề nghị không công nhận tiếp danh hiệu ấp, khu phố văn hóa hằng năm”.

Quy định thì rõ ràng, cụ thể nhưng trong thực tế vẫn chưa phát huy hiệu quả. Cụ thể, ở một số nơi như Khu đô thị Lợi Bình Nhơn (ấp Cầu Tre, xã Lợi Bình Nhơn, TP.Tân An), hoạt động nhạc sống diễn ra chỉ cách nhà trưởng ấp vài chục mét nhưng chưa một lần thấy ai đến nhắc nhở về tiếng ồn. Phải chăng, những người “đứng mũi chịu sào”, gần dân nhất ở ấp, khu phố còn lơ là, chưa quan tâm đến việc chấn chỉnh hoạt động nhạc sống, karaoke di động?

Nhạc sống vẫn sẽ “dậy sóng”, ồn ào nếu trưởng ấp, khu phố, chính quyền địa phương và ngành chức năng không quyết liệt vào cuộc như đúng trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị mà quy định của UBND tỉnh về quản lý hoạt động nhạc sống trên địa bàn tỉnh đã ban hành, nêu rõ.

Điều 17, Nghị định số 179/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường:
1. Phạt tiền từ 1-5 triệu đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn dưới 5dBA.
2. Phạt tiền từ 5-20 triệu đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 5dBA đến dưới 10dBA.
3. Phạt tiền từ 20-40 triệu đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 10dBA đến dưới 15dBA.
4. Phạt tiền từ 40-60 triệu đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 15dBA đến dưới 20dBA.
5. Phạt tiền từ 60-80 triệu đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 20dBA đến dưới 25dBA.
6. Phạt tiền từ 80-100 triệu đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 25dBA đến dưới 30dBA.
7. Phạt tiền từ 100-120 triệu đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 30dBA đến dưới 35dBA.
8. Phạt tiền từ 120-140 triệu đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 35dBA đến dưới 40dBA.
9. Phạt tiền từ 140-160 triệu đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn trên 40dBA./.

Khánh Ly

Chia sẻ bài viết