Tiếng Việt | English

07/03/2018 - 15:20

Mở rộng Quốc lộ 62 - Nhu cầu cấp thiết

Bài 2: Quốc lộ 62 đến lúc phải mở rộng

Trước yêu cầu phát triển của vùng cũng như hình thành mạng lưới giao thông kết nối giữa TP.HCM, cùng các tỉnh miền Đông với các tỉnh miền Tây Nam bộ, đến lúc, QL 62 phải được nâng cấp, mở rộng.

Quốc lộ 62 trở nên quá tải trước yêu cầu phát triển

“Cản trở” phát triển công nghiệp

Trong khi các huyện phía Nam của tỉnh thu hút nhiều doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp thì ở các huyện vùng ĐTM, đến thời điểm hiện tại, chỉ duy nhất Công ty TNHH Tainan Enterprises đầu tư, hoạt động tại khu công nghiệp trong Khu kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Bình Hiệp, thị xã Kiến Tường, còn các huyện: Thạnh Hóa, Tân Thạnh, Mộc Hóa, Vĩnh Hưng, Tân Hưng chỉ phát triển tiểu thủ công nghiệp hoặc sản xuất quy mô nhỏ, lẻ.

Theo Chủ tịch UBND thị xã Kiến Tường - Nguyễn Văn Vũ, mặc dù địa phương có Cửa khẩu Quốc tế Bình Hiệp thông thương qua Campuchia, quy hoạch phát triển khu kinh tế cửa khẩu và khu công nghiệp nhưng sau hơn 2 năm triển khai, đến nay, chỉ có một công ty chính thức đi vào hoạt động. Có nhiều đơn vị đến tìm hiểu để đầu tư vào khu công nghiệp nhưng sau khi khảo sát thì không quay lại.

Lý giải về việc này, ông Nguyễn Văn Vũ cho biết: “Để thu hút các doanh nghiệp, địa phương có nhiều cơ chế ưu đãi, tuy nhiên, một trong những lý do khiến các nhà đầu tư chưa “mặn mà” là vì hệ thống giao thông kết nối giữa thị xã Kiến Tường (QL62) với QLN2, QL1 còn hạn chế, đường nhỏ, hẹp, xuống cấp, cầu cũng không bảo đảm tải trọng nên các nhà đầu tư đến rồi lại đi. Hệ thống giao thông chưa phát triển đồng bộ nên muốn mời gọi đầu tư phát triển công nghiệp cũng khó. Không chỉ có Kiến Tường, các huyện: Thạnh Hóa, Tân Thạnh, Mộc Hóa, Tân Hưng, Vĩnh Hưng cũng nhiều lần kiến nghị tỉnh, Trung ương sớm có kế hoạch đầu tư, mở rộng QL62 nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện. Khi nào tuyến đường huyết mạch QL62 được đầu tư, mở rộng thì các địa phương vùng ĐTM mới có cơ hội thu hút đầu tư trên lĩnh vực công nghiệp”.

Chủ doanh nghiệp Xay xát lúa gạo Út Dũng, ấp 1, xã Tân Tây, huyện Thạnh Hóa - Dương Hoàng Tâm chia sẻ: “Mỗi ngày, có hàng chục lượt xe đến doanh nghiệp của tôi lấy hàng nhưng mỗi lần chỉ bố trí được 2-3 chiếc, còn lại xếp hàng đợi. Nếu các xe cùng vào lấy hàng một lượt thì khi trở ra chắc chắn sẽ kẹt xe do QL62 quá hẹp. Không chỉ có chính quyền, người dân mà doanh nghiệp chúng tôi cũng mong muốn, QL62 sớm được mở rộng để tạo cơ hội cho các doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất, từ đó có thêm những đóng góp cho sự phát triển của địa phương”.

Quốc lộ 62 đến lúc phải mở rộng

"Hệ thống giao thông chưa phát triển đồng bộ nên muốn mời gọi đầu tư phát triển công nghiệp cũng khó. Không chỉ có Kiến Tường, các huyện: Thạnh Hóa, Tân Thạnh, Mộc Hóa, Tân Hưng, Vĩnh Hưng cũng nhiều lần kiến nghị tỉnh, Trung ương sớm có kế hoạch đầu tư, mở rộng QL62 nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện. Khi nào tuyến đường huyết mạch QL62 được đầu tư, mở rộng thì các địa phương vùng ĐTM mới có cơ hội thu hút đầu tư trên lĩnh vực công nghiệp”.

Chủ tịch UBND thị xã Kiến Tường - Nguyễn Văn Vũ

Đến lúc phải mở rộng

QL62 được đưa vào khai thác, sử dụng từ năm 1999 với chiều dài 76km, nền đường rộng 9m và mặt đường thảm nhựa 6m. Hiện nay, tuyến đường này không đáp ứng yêu cầu phát triển. Vì vậy, việc đầu tư, mở rộng QL62 trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Theo Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) - Trần Thiện Trúc, những tuyến đường láng nhựa sau 5-7 năm sử dụng sẽ được trùng tu một lần nhằm bảo đảm chất lượng mặt đường, nhưng riêng QL62 từ khi đưa vào sử dụng đến nay chưa một lần được sửa chữa lớn, chủ yếu chỉ giặm vá, sửa chữa các đoạn hư hỏng nặng. Mặt khác, thời điểm năm 1999, các phương tiện giao thông lưu thông chưa nhiều nên tuyến đường này vẫn đáp ứng nhu cầu. Tuy nhiên, những năm gần đây, kinh tế phát triển, lưu lượng các loại xe lưu thông qua QL62 ngày càng tăng. Theo thống kê mới nhất của Công ty Cổ phần Công trình xây dựng giao thông 674 gửi Ban Quản lý Công trình giao thông Long An đầu năm 2018, tại Km47, QL62, số lượng ôtô lưu thông 1 ngày trung bình dao động từ 1.900-2.400 lượt cùng với khoảng trên 8.000 lượt xe gắn máy, xe thô sơ di chuyển khiến QL62 trở nên quá tải.

 “Trước yêu cầu mở rộng tuyến đường, Sở GTVT nhiều lần tham mưu UBND tỉnh kiến nghị Trung ương bố trí nguồn vốn nâng cấp, mở rộng tuyến đường, tuy nhiên đến nay, Trung ương vẫn chưa đầu tư cho tuyến đường này. Trước đây, Chính phủ thống nhất chủ trương đầu tư nhưng chưa kịp thực hiện thì lại vướng về hình thức đầu tư BOT nên việc đầu tư, mở rộng tuyến đường này vẫn giậm chân tại chỗ” - ông Trúc cho hay.

Ông Trần Thiện Trúc cho biết thêm: “Khi cầu Vàm Cống, cầu Cao Lãnh hoàn thành và đưa vào sử dụng sẽ bảo đảm kết nối giao thông giữa TP.HCM, cùng các tỉnh miền Đông với các tỉnh miền Tây Nam bộ thông qua QLN2. So với di chuyển theo QL1, lựa chọn lưu thông theo QL62, QLN2 sẽ rút ngắn từ 60-80km. Vì vậy, việc nâng cấp, mở rộng QL62 là một trong những yêu cầu cấp thiết nhằm tạo sự kết nối giao thông giữa TP.HCM với các tỉnh miền Tây, đồng thời giảm áp lực giao thông trên QL1”.

Phó Giám đốc Sở GTVT - Đặng Hoàng Tuấn cho biết: “Hiện nay, việc xin Trung ương đầu tư nâng cấp, mở rộng QL62 gặp nhiều khó khăn do nguồn vốn ngân sách, kế hoạch bố trí nguồn vốn trung hạn đã hết, Trung ương chưa thể cân đối được. Do đó, Sở GTVT tiếp tục tham mưu UBND tỉnh phương án xin Chính phủ hỗ trợ đầu tư từ nguồn vốn dự phòng, ước tính tổng giá trị đầu tư nâng cấp, mở rộng QL62 trên 1.000 tỉ đồng với dự tính mở rộng toàn tuyến, mặt đường rộng 12m theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng. Trước mắt, ngành chủ động tập trung duy tu, bảo dưỡng các đoạn hư hỏng với kinh phí gần 20 tỉ đồng/năm từ nguồn quỹ bảo trì đường bộ nhằm bảo đảm giao thông thông suốt và hạn chế tai nạn giao thông xảy ra trên tuyến đường này”./.

Kiên Định - Đại Lâm

Chia sẻ bài viết