Tiếng Việt | English

08/11/2017 - 08:46

Xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia: Còn nhiều khó khăn

Bài 2: "Rớt" chuẩn do không được đầu tư cơ sở vật chất

Việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia (CQG) góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, tạo môi trường sư phạm thuận lợi cho học sinh (HS). Tuy nhiên, nhiều trường đang trong lộ trình xây dựng trường chuẩn hoặc để được tái công nhận sau 5 năm vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức: Thiếu quỹ đất, áp lực sĩ số HS, thiếu kinh phí,...


Trường Tiểu học Nguyễn Văn Dương bị áp lực về sĩ số học sinh

Áp lực sĩ số học sinh

Tại địa bàn có khu, cụm công nghiệp, các trường học chịu nhiều áp lực về sĩ số HS, đặc biệt là cấp mầm non và tiểu học do con em của dân nhập cư - phần lớn là công nhân, trong độ tuổi đến trường ngày càng tăng. Mỗi năm học, có trường phải tiếp nhận hơn 100 HS tạm trú.

Trường Tiểu học Nguyễn Văn Dương, xã Đức Hòa Đông, huyện Đức Hòa là một trong những trường phải “gánh” con em lao động nhập cư. Năm học 2017-2018, trường tiếp nhận mới 289 HS, trong đó có đến 156 HS tạm trú gồm: 111 HS khối lớp 1 và hơn 54 HS ở các khối lớp còn lại chuyển đến trường. Sĩ số HS tăng khiến một số tiêu chí không thể giữ vững như không đạt 10m2/HS, số HS/lớp vượt chuẩn, thiếu phòng học, phòng chức năng, thiếu GV,...

Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Dương - Lê Văn Đức chia sẻ: “Số phòng học thì vẫn vậy nhưng cứ mỗi năm, trường tăng hơn 100 HS, cơ sở vật chất không đáp ứng đủ nhu cầu. Hiện, trường phải tận dụng nhiều phòng chức năng để dạy. Năm học này, trường thiếu 5 GV nên phải huy động Ban Giám hiệu tham gia giảng dạy nhằm giải quyết khó khăn trước mắt".

Phó Chủ tịch UBND xã Đức Hòa Đông- Lê Thị Ngọc Bích cho biết: "Hiện, xã tiếp nhận trên 10.000 dân nhập cư. HS là con em lao động nhập cư ngày càng tăng gây áp lực cho các trường học trên địa bàn, đặc biệt là bậc mầm non và tiểu học. Xã hiện có 2 trường tư thục mầm non và 14 nhóm, lớp mầm non, góp phần giải quyết "bài toán khó" cho trường mầm non công lập tại địa phương. Riêng cấp tiểu học thì nhiều áp lực khi sĩ số HS ngày càng tăng ở mỗi năm học".

Thiếu cơ sở vật chất

Xây dựng thành công trường CQG và giữ vững được danh hiệu trường chuẩn là “chìa khóa” để nâng cao chất lượng giáo dục. Song, sau thời gian được công nhận trường CQG, nhiều trường bị “rớt” chuẩn. Cụ thể, huyện Tân Hưng có đến 4 trường “rớt” chuẩn.

Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tân Hưng - Nguyễn Công Luận cho biết: “Hiện nay, huyện có 17/35 trường đạt CQG (chiếm 48,57%). Các trường: Tiểu học thị trấn Tân Hưng, Tiểu học Hưng Điền B, Mầm non thị trấn Tân Hưng và THCS thị trấn Tân Hưng không được tái công nhận. Nguyên nhân “rớt” chuẩn do không có kinh phí tiếp tục đầu tư và nâng cấp cơ sở vật chất trong khi sĩ số HS ngày càng tăng. Mặt khác, nguồn kinh phí đầu tư cho giáo dục chủ yếu tập trung vào những trường chưa đạt chuẩn tại các xã đang trong lộ trình xây dựng nông thôn mới”.

Năm 2009, Trường Mầm non thị trấn Tân Hưng được công nhận đạt CQG mức độ 1. Đây chính là niềm tự hào nhưng cũng là nỗi lo bởi hiện nay, cơ sở vật chất xuống cấp, thiếu phòng học, thiếu phòng chức năng, nhà vệ sinh quá tải, bếp ăn nhỏ hẹp, sân trường lồi lõm,... Mặc dù, Ban Giám hiệu và lãnh đạo huyện nhiều lần kiến nghị ngành chức năng nhưng đến nay, trường vẫn chưa được đầu tư sửa chữa. Với những nguyên nhân đó, Trường Mầm non thị trấn Tân Hưng bị “rớt” chuẩn.

Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non thị trấn Tân Hưng - Trịnh Thị Thủy cho biết: “Trường có 371 trẻ với 12 lớp học. Để đáp ứng nhu cầu, trường phải sử dụng 2 phòng chức năng làm phòng học. Hiện nay, sĩ số trẻ ở các lớp vẫn vượt quy định trường chuẩn. Nhiều phụ huynh có nhu cầu gửi trẻ nhưng trường không có khả năng tiếp nhận”.

Khó khăn trong đền bù, giải tỏa

Theo lộ trình, Trường Tiểu học Tân Chánh 1, xã Tân Chánh, huyện Cần Đước đạt CQG vào năm 2018. Hiện, trường gặp nhiều khó khăn, nhất là về quỹ đất. Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Chánh 1 - Phan Văn Tâm chia sẻ: “Diện tích đất của trường còn thiếu 7.120m2, trong đó, 3.800m2 huyện cấp kinh phí đầu tư nhưng việc giải phóng mặt bằng chưa thực hiện được. Riêng 3.320m2 đất trước cổng trường còn nhếch nhác, mất mỹ quan. Trường nhiều lần cùng chính quyền địa phương thỏa thuận giá đền bù, giải tỏa với chủ đất nhưng vẫn chưa đạt kết quả”.

Một phụ huynh có con học tại Trường Tiểu học Tân Chánh 1, bức xúc: “Ao rau muống trước cửa cổng trường rất nhếch nhác, nước đọng sinh ra nhiều muỗi ảnh hưởng đến sức khỏe HS”.

Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cần Đước - Đặng Minh Tấn thông tin: “Phấn đấu đến năm 2020, huyện có thêm 10 trường đạt CQG, nâng tổng số lên 33/58 trường đạt chuẩn. Đa số các trường đang trong quá trình xây dựng trường đạt CQG của huyện đều gặp khó khăn về việc gia tăng dân số cơ học gây áp lực trong công tác quy hoạch mạng lưới trường lớp, cơ sở vật chất xuống cấp,... Một số trường tiểu học và THCS tại các xã Long Trạch, Long Định gặp khó khăn về quỹ đất, bởi chủ đất đòi giá đền bù cao gấp nhiều lần so với quy định của Nhà nước”.

Có thể nói, việc xây dựng thành công trường CQG là điều không dễ dàng. Thế nhưng, hiện nay, nhiều trường bị “rớt” chuẩn, ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học. Thiết nghĩ, các ngành chức năng cần có những định hướng, giải pháp nhằm khắc phục khó khăn, tạo môi trường sư phạm thuận lợi cho GV và HS./.

Ngọc Thạch- Kim Ngọc
(còn tiếp)

Chia sẻ bài viết