Tiếng Việt | English

25/03/2020 - 11:27

Cần nâng cao đời sống tinh thần cho công nhân lao động

Bài 2: Tạo sân chơi để nâng cao đời sống tinh thần cho công nhân, lao động (tiếp theo và hết)

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Long An có khoảng 300.000 công nhân, lao động (CNLĐ), trong đó có hơn 70% CNLĐ nhập cư. Sau giờ tan ca, CNLĐ chỉ "quanh quẩn" trong các khu nhà trọ, vì thiếu những hoạt động vui chơi, giải trí. Chính vì vậy, ngoài áp lực công việc, những CNLĐ, nhất là CNLĐ nhập cư còn chịu sức ép về sự khác biệt văn hóa, lối sống, đặc biệt là thiếu thốn tình cảm...

Hiện nay, việc phát triển phong trào văn hóa, thể thao trong CNLĐ ở các khu, cụm công nghiệp hiện nay còn gặp nhiều khó khăn. Cơ sở vật chất phục vụ hoạt động văn hóa, thể thao của CNLĐ còn thiếu thốn. Hầu hết các doanh nghiệp (DN) mới chỉ dừng lại ở mức hưởng ứng tham gia các phong trào văn hóa - văn nghệ, thể thao của Liên đoàn Lao động tỉnh, Công đoàn (CĐ) các Khu công nghiệp tỉnh tổ chức chứ chưa "chủ động đầu tư" xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao tại đơn vị mình.

Điều này đòi hỏi người cán bộ CĐ phải thật sự tâm huyết, mạnh dạn đề xuất lãnh đạo công ty tạo mọi điều kiện để CNLĐ tham gia các hoạt động văn hóa, tinh thần sau giờ làm việc.

Hoạt động thể thao, văn nghệ, hội thi thanh lịch,... được một vài doanh nghiệp quan tâm tổ chức cho công nhân, lao động LợI Bình Nhơn

Hoạt động thể thao, văn nghệ, hội thi thanh lịch,... được một vài doanh nghiệp quan tâm tổ chức cho công nhân, lao động LợI Bình Nhơn

Đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa 

Hiện nay, thực tế cho thấy, CNLĐ chỉ có 3 hình thức tiếp cận văn hóa tinh thần là xem tivi, sử dụng điện thoại thông minh truy cập Internet và đọc sách, báo. Với các hoạt động vui chơi, giải trí, thể dục - thể thao, hầu hết CNLĐ đều không có chỗ vui chơi. Đời sống tinh thần thiếu thốn khiến CNLĐ dễ rơi vào tệ nạn xã hội, bị kích động, lôi kéo. 

Chủ tịch CĐ cơ sở Công ty TNHH JiaHsin (Khu công nghiệp Cầu Tràm, huyện Cần Đước) - Lâm Cẩm Hà chia sẻ: 

"Việc thiếu các sân chơi thể thao, ít được tham gia các hoạt động văn hóa - văn nghệ đã khiến nhiều CNLĐ phải tự tìm nơi vui chơi, giải trí. Một số quán cà phê, quán karaoke, bida,… mọc lên gần các KCN đã đáp ứng phần nào nhu cầu giải trí của CN. Tuy nhiên, những nơi sinh hoạt văn hóa tư nhân này rất khó quản lý, dễ nảy sinh những mâu thuẫn, dẫn đến những vấn đề đáng tiếc có thể xảy ra như đánh nhau, vi phạm pháp luật, mắc các tệ nạn xã hội,... Chính vì vậy, để góp phần tạo sân chơi lành mạnh cho CNLĐ, CĐ cơ sở thường xuyên đề xuất công ty hỗ trợ tạo nhiều hoạt động giải trí cho CNLĐ”.

Ông Nguyễn Văn Hòa, chủ nhà trọ 7 Công (xã Đức Hòa Đông, huyện Đức Hòa), nói: "Tôi nghĩ, Nhà nước khi cấp phép cho các DN đầu tư hoạt động trên địa bàn cần đưa ra tiêu chí "buộc" họ phải dành quỹ đất, kinh phí để đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa phục vụ CNLĐ. Vì khi được quan tâm chăm lo cả về vật chất lẫn tinh thần tốt thì họ mới an tâm làm việc tốt được. Các khu vui chơi, giải trí phải nằm trong khu, cụm công nghiệp hoặc gần Cty. Bởi, CNLĐ không có thời gian đi xa, họ chỉ có thể tham gia sinh hoạt văn hóa trong khoảng thời gian ngắn và gần nơi ở trọ". 

Chủ tịch CĐ các Khu công nghiệp tỉnh - Bùi Thị Ngọc Trang chia sẻ: "Cùng với nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước, thì nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ CNLĐ phổ thông đã đóng góp không nhỏ cho sự phát triển của tỉnh. Họ xứng đáng có những sân chơi tinh thần phù hợp. Tuy nhiên, thực tế là đời sống tinh thần của lực lượng CNLĐ hiện còn thiếu thốn. Những sân chơi này hướng CN vào những mối quan hệ lành mạnh, giúp các bạn phát triển toàn diện về thể chất lẫn tinh thần, tránh cám dỗ vào tệ nạn xã hội".

 Hoạt động vui chơi, giải trí cho CN vào những ngày lễ ​

 Hoạt động vui chơi, giải trí cho CN vào những ngày lễ 

Phát huy vai trò công đoàn

Chủ tịch CĐ cơ sở Cty TNHH ShillaBags International - Lê Công Lập chia sẻ: "Để nâng cao đời sống tinh thần cho CNLĐ không chỉ là tạo ra những sân chơi. CNLĐ cũng cần tiếp cận thường xuyên, đầy đủ những thông tin về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Do đó, các cấp CĐ ngoài đề xuất Ban Giám đốc công ty tạo ra sân chơi cho CNLĐ cũng cần đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, giúp CNLĐ xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh. Cán bộ CĐ phải thật sự là "cầu nối" giúp chủ DN nhận thức rằng người lao động là tài sản quý của mình. Muốn bảo vệ "tài sản" thì cần đầu tư các thiết chế dành cho CNLĐ như ký túc xá, nhà trẻ, siêu thị và những sân chơi với mục đích nâng cao đời sống tinh thần...".

Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh - Nguyễn Văn Quí cho biết: "Để đáp ứng tốt nhu cầu hưởng thụ đời sống tinh thần cho CNLĐ, CĐ cơ sở cùng DN cần phối hợp chặt chẽ, tạo ra những sân chơi bổ ích, thiết thực cho CNLĐ, chẳng hạn tổ chức những giải bóng đá, cuộc thi tiếng hát CN, chương trình văn nghệ,… Ngoài ra, lãnh đạo huyện cũng thường xuyên làm việc với các DN trên địa bàn giao cho CĐ cơ sở tổ chức những hoạt động vui chơi, giải trí cho CN vào những ngày lễ lớn, nhất là các DN có vốn đầu tư nước ngoài. Các DN cần có phương án xây dựng nhà ở, nhà giữ trẻ cho CN trong các khu, cụm công nghiệp".

Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch - Nguyễn Thị Thủy cho biết: "Để thúc đẩy phong trào văn hóa, thể thao trong các khu, cụm công nghiệp, thời gian tới, bên cạnh vai trò tiên phong của CĐ, cần tăng cường công tác chỉ đạo của các cấp chính quyền từ tỉnh đến cơ sở trong việc phát huy mọi nguồn lực trong xã hội, đặc biệt là của các DN trong các khu, cụm công nghiệp nhằm nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho CNLĐ tương xứng với sự tăng trưởng chung của các DN".

Xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp nhằm khuyến khích các DN thuộc các khu, cụm công nghiệp đẩy mạnh hoạt động xây dựng đời sống văn hóa, tinh thần trong CNLĐ. Phát huy hơn nữa vai trò của đội ngũ cán bộ CĐ ở các DN, nâng cao kỹ năng tổ chức các hoạt động xây dựng đời sống văn hóa cho CNLĐ, xây dựng các mô hình điểm về tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, thể thao cho CN để nhân rộng là một trong các nhiệm vụ cần tập trung để nâng cao đời sống tinh thần cho CNLĐ hiện nay./.

Song Hồng

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích