Tiếng Việt | English

13/09/2017 - 11:07

Kỷ niệm 50 năm Ngày tỉnh Long An được phong tặng danh hiệu “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc” (17/9/1967 - 17/9/2017)

Bài 2: Truyền thống đấu tranh và đánh giặc kiên cường

Là vùng đất giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, truyền thống ấy của nhân dân Long An đã phát huy mạnh mẽ, nhân lên gấp bội và đạt đến đỉnh cao trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, dù phải đối đầu với quân xâm lược nhà nghề mạnh hàng đầu thế giới.


Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Huỳnh Văn Đảnh (thứ tư, phải qua) - Trưởng đoàn Đoàn anh hùng dũng sĩ miền Nam, ra thăm miền Bắc và gặp Bác Hồ, năm 1966

Từ “dân ấp, dân lân” đến “Việt Bắc miền Nam”

Thực dân Pháp xâm lược, thành Gia Định rồi Đại đồn Chí Hòa cũng thất thủ, giặc Pháp tràn về phía Tây, Long An xưa bỗng chốc trở thành chiến trường ác liệt. Phát huy tinh thần kiên cường, bất khuất của cha ông, ngay từ buổi đầu chống giặc, vùng đất này trở thành nơi hội tụ các phong trào đấu tranh yêu nước, mà nhiệm vụ đánh giặc, cứu nước đặt lên vai những người “dân ấp, dân lân mến nghĩa làm dân chiêu mộ” dưới lá cờ của Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Trung Trực, Nguyễn Thông, Phan Văn Đạt, Lê Cao Dõng, Trịnh Quang Nghị, Trà Quí Bình, Bùi Quang Diệu, Võ Duy Dương, Thủ Khoa Huân và nhiều anh hùng nghĩa sĩ khác, mà chùa Tôn Thạnh (Cần Giuộc), Vàm Nhựt Tảo (Tân Trụ), Khu lưu niệm Nguyễn Thông (Châu Thành), Gò Giồng Dung - Đồng Tháp Mười (Tân Thạnh),... gắn liền với các tên tuổi ấy.

Pháp đặt ách thống trị lên toàn cõi Nam kỳ, vùng đất này vẫn tỏ rõ tinh thần bất khuất bằng cuộc khởi nghĩa Mười tám thôn vườn trầu (09/02/1885), mà Phó Lãnh binh Nguyễn Văn Quá (Mỹ Hạnh Bắc, Đức Hòa) cùng Lãnh binh Phan Văn Hớn là thủ lĩnh của cuộc nổi dậy đến nay dân gian còn truyền tụng:

Mùa xuân có pháp có nêu
Có đầu đốc phủ (Ca) bêu trên cột đèn.

Đảng ra đời lãnh đạo đấu tranh, Long An sớm có những chi bộ đầu tiên ngay từ năm 1930, gắn liền với tên tuổi của các nhà cách mạng tiền bối, như: Võ Văn Tần với Chi bộ làng Đức Hòa (06/3/1930), Hồ Văn Long với Chi bộ làng Phước Lâm (Cần Giuộc, 01/5/1930), Lê Văn Lương với Chi bộ làng Phước Vân (Cần Đước, 04/6/1930), Lê Quang Sung, Nguyễn Thị Nhỏ,... với Tỉnh ủy Chợ Lớn (Long Hiệp, Bến Lức, 11/1930),...

Trong cao trào 1930-1931, diễn ra nhiều cuộc đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ mà cuộc biểu tình của hàng ngàn nông dân tại di tích Ngã tư Đức Hòa dưới sự lãnh đạo của người chiến sĩ cộng sản kiên trung Châu Văn Liêm, ngày 04/6/1930 trở thành cuộc biểu dương lực lượng lớn nhất lúc bấy giờ.

Tháng 11/1940, 94/128 làng ở Tân An - Chợ Lớn khởi nghĩa, đánh đồn bót, đốt phá nhà việc, ngăn lộ, phá cầu, trừng trị ác ôn, tay sai,... ở Đức Hòa, Cần Giuộc, Trung Quận, Mộc Hóa, Thủ Thừa,... gây tiếng vang lớn khắp Nam kỳ. Nhiều tấm gương anh hùng, bất khuất, dũng cảm, kiên cường, hy sinh oanh liệt trước pháp trường: Nguyễn Thị Bảy, Nguyễn Văn Nhâm, Lê Văn Lao, Võ Văn Siêng (con đồng chí Võ Văn Tần), Nguyễn Văn Dường, Lê Công Phép,... gắn liền với những địa danh lịch sử: Giồng Cám, Ngã tư Đức Hòa, Sân banh Cần Giuộc,... góp phần làm nên “khúc bi tráng” Khởi nghĩa Nam kỳ, “Đó là những tiếng súng báo hiệu cho cuộc khởi nghĩa toàn quốc, là bước đấu tranh bằng võ lực của các dân tộc Đông Dương”.

Cùng cả nước khởi nghĩa cướp chính quyền, “Tân An đi đầu trong cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám ở Nam bộ” (21/8/1945), gắn liền với tên tuổi của Trần Văn Giàu, Nguyễn Văn Trọng, Lê Minh Xuân,... với những chứng tích: Nhà thuốc Minh Xuân Đường, Nhà Tổng Thận (Tân An) đi vào lịch sử.

Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, Long An có những căn cứ địa lừng danh: Rừng tràm Bà Vụ (Bến Lức), Đám lá tối trời (Tân Trụ), Rừng Sác (Cần Giuộc), Đông Thành (Đức Huệ),... đặc biệt là căn cứ Đồng Tháp Mười - “Việt Bắc miền Nam”, nơi đặt các cơ quan lãnh đạo và lực lượng vũ trang,... cấp Xứ, cấp Khu và nhiều địa phương, có mặt các đồng chí lãnh đạo cao cấp, đặc biệt là đồng chí Lê Duẩn, Bí thư Xứ ủy,... trong những năm 1946-1949, lãnh đạo cuộc kháng chiến ở Nam bộ.

Dù với vũ khí thô sơ nhưng với lòng yêu nước, căm thù giặc sâu sắc, nhân dân Long An làm nên những chiến công hiển hách, ghi dấu những tháng năm hào hùng ấy, như trận Mỹ Bình (Tân Trụ, 1946), Nhà Dài (Cần Đước, 1946), Giồng Dinh (Đức Huệ, 1947), cầu Bến Lức (năm 1952), Kinh Bùi (Tân Thạnh, năm 1953), Hiệp Thạnh - miễu Bà Cố (Châu Thành, 1954),... đặc biệt là trận Mộc Hóa (1948) đi vào thơ, nhạc và điện ảnh cách mạng,... là một trong những chiến công tiêu biểu nhất, góp phần vào thắng lợi của 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Anh dũng chống Mỹ

Sau năm 1954, Long An là địa bàn trọng điểm của chương trình “tố cộng”, bình định, xây dựng khu “dinh điền” thâm độc của địch, mà khu trù mật Quéo Ba (Đức Huệ) là một kiểu mẫu Ngô Đình Diệm thực hiện ở miền Nam. Cuộc đồng khởi được châm ngòi đêm 25/01/1960 ở Long An bằng trận đánh đồn Đức Lập (Đức Hòa) và trận Gò Gòn ngày 03/02/1960 ở Kiến Tường với khí thế sôi nổi và mạnh mẽ.

Sau 3 đợt khởi nghĩa, đến tháng 12/1960, Long An giải phóng hoàn toàn 29 xã và làm chủ nhiều nơi, Kiến Tường giải phóng 11/23 xã, làm tan rã bộ máy chính quyền cơ sở ở nông thôn. Ủy ban Mặt trận Dân tộc Giải phóng tỉnh Long An (30/12/1961) và Ủy ban Mặt trận Dân tộc Giải phóng tỉnh Kiến Tường (02/1961) được thành lập, trở thành ngọn cờ tập hợp rộng rãi mọi lực lượng yêu nước ở địa phương để đoàn kết, thống nhất dưới ngọn cờ chung của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam bước vào thời kỳ mới, đánh đổ chế độ Mỹ - Diệm.

Sau đồng khởi, Long An - Kiến Tường là địa bàn trọng điểm của chiến tranh đặc biệt của địch với chương trình lập “ấp chiến lược”. Bằng 3 mũi giáp công, mà tiêu biểu là cuộc đấu tranh chính trị của 10.000 người ở Đức Hòa (ngày 10/3/1961), 20.000 người ở Cần Giuộc (ngày 01/9/1961), đặc biệt là mũi quân sự mà tiêu biểu là trận tập kích Trung tâm huấn luyện biệt kích Hiệp Hòa (23/11/1963), không những là trận bắt được cố vấn Mỹ đầu tiên trên chiến trường miền Nam mà còn mở màn cho cao trào phá ấp chiến lược, đến cuối năm 1963, phá rã trên 80% ấp chiến lược trên toàn tỉnh, bẻ gãy cơ bản kế hoạch Xtalây - Taylo của địch ở Long An - Kiến Tường.

Phát huy thắng lợi của 3 mũi giáp công, phong trào toàn dân đánh giặc lên cao, quân, dân Long An - Kiến Tường tiếp tục làm thất bại âm mưu mới của địch. Lực lượng vũ trang địa phương từng bước trưởng thành mà sự ra đời của Tiểu đoàn 1 (3 lần được phong anh hùng) với Tiểu đoàn trưởng đầu tiên là đồng chí Nguyễn Văn Chiểu cùng với lực lượng vũ trang của Khu 8 (như Tiểu đoàn 261, 263) hỗ trợ phong trào đấu tranh chính trị, binh vận và quân sự trong toàn tỉnh vươn lên làm nên những chiến công mới, tiêu biểu: Trận tập kích căn cứ Gò Đen (08/4/1964), trận tiêu diệt Chi khu Quéo Ba - Đức Huệ (18/10/1964), trận Cù Tròn ở Châu Thành (1964), trận Cầu Tàu (1965), trận Đức Lập 1, 2, 3 (1965) ở Đức Hòa, trận Xóm Trường (1965) ở Cần Đước, trận Gò Ông Lẹt (11/1965) ở Vĩnh Hưng,... và những trận đánh trên sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây của đặc công thủy tỉnh, nhấn chìm hàng chục tàu chiến của địch, phá sập hàng chục cầu, đường,... đánh quỵ

Sư đoàn 25 ngụy, làm phá sản kế hoạch bình định trọng điểm của địch trong những năm 1964-1965, giải phóng cơ bản tỉnh với 57 xã, trong đó có 1 huyện được giải phóng hoàn toàn (Đức Huệ), giành quyền làm chủ 52 xã (cả Kiến Tường), địch chỉ còn giữ thị trấn, thị xã và các trục giao thông chính.

Sang thời kỳ chống chiến tranh cục bộ, quân Mỹ sớm có mặt ở Long An với Lữ đoàn 173, Sư đoàn 25 “Tia chớp nhiệt đới” ở chiến trường Bắc lộ 4 và Sư đoàn 9 bộ binh với loạt căn cứ được thiết lập ở Nam lộ 4 mà điển hình là Căn cứ Mỹ Rạch Kiến (Cần Đước). Dù phải đối đầu với đội quân xâm lược nhà nghề, hiện đại và thiện chiến, phong trào toàn dân đánh Mỹ ở Long An - Kiến Tường vẫn phát triển và diễn ra sôi nổi, thu hút sự tham gia đông đảo của các tầng lớp nhân dân, từ phụ nữ đến trẻ em và người già. Nhiều tập thể du kích vừa sản xuất, vừa rào làng chiến đấu, làm nòng cốt cho nhân dân đánh địch bằng muôn ngàn kiểu cách, từ bàn chông đinh, chông tre, đạp lôi, trận địa giả đến cắm bảng “tử địa”, ong vò vẽ,...

Từ những tập thể chiến đấu dũng cảm tiêu biểu như Đội Nữ pháo binh Long An, Kiến Tường đến những anh nông dân trở thành “chuyên gia” chế tạo vũ khí từ bom đạn lép của địch, như “kỹ sư” Lớn (Nguyễn Văn Lớn) ở Đức Huệ. Có những em bé “chơi thân” với Mỹ nhưng biết cách ném cát vào mắt địch để lấy súng đưa về cho du kích, bộ đội,...

Nhiều anh hùng tiêu biểu xuất hiện trong thời gian này: Huỳnh Văn Đảnh, Nguyễn Thị Hạnh, Huỳnh Văn Tạo, Nguyễn Văn Thể, Huỳnh Việt Thanh, Trương Công Xưởng,... Nhiều tấm gương thiếu niên anh hùng được cả nước biết đến như Võ Tấn Đồ,... Có những chiến sĩ an ninh, biệt động, binh vận luồn sâu trong lòng địch như anh hùng Nguyễn Thị Ba,... Đó là chưa kể biết bao dũng sĩ diệt Mỹ, dũng sĩ diệt cơ giới, dũng sĩ bắn máy bay,... Biết bao bậc phụ lão đêm đêm đào hầm nuôi giấu cán bộ cách mạng, ngày đi đấu tranh chính trị, cản đầu xe tăng địch. Những Bà mẹ Việt Nam Anh hùng hy sinh những người thân yêu nhất của mình vì sự trường tồn của dân tộc,...Tất cả làm nên thế trận chiến tranh nhân dân rộng khắp, phong phú và đa dạng, mà “Vành đai diệt Mỹ Rạch Kiến” là điển hình.

Thế trận chiến tranh nhân dân ấy cùng với những chiến công đánh Mỹ trên khắp 2 vùng Nam Bắc của tỉnh như trận chống càn 18 ngày đêm (10/1966) và 45 ngày đêm (01/6 đến 20/7/1967) ở Cần Giuộc, trận đánh biệt kích Mỹ ở kênh Dương Văn Dương (4/1966) ở Kiến Tường,... góp phần đánh bại 2 đợt phản công chiến lược mùa khô của Mỹ trên chiến trường Long An, 1966-1967.

Truyền thống và thành tích ấy trong những năm đánh Mỹ làm nên danh hiệu “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”, trở thành nguồn động viên lớn lao để dân, quân Long An tiếp tục phát huy trong chặng đường về sau, hoàn thành nhiệm vụ trong cuộc Tổng tiến công Xuân Mậu Thân (1968) và mùa Xuân 1975, góp phần hoàn thành công cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước./.

(Còn tiếp)
Nguyễn Tấn Quốc 

Bài 3: Vinh danh trong quá khứ, động lực cho tương lai

 

Chia sẻ bài viết