Tiếng Việt | English

13/11/2019 - 18:00

Thanh niên Việt Nam - Campuchia: Thắm tình hữu nghị

Bài 2: Tự hào truyền thống đoàn kết chiến đấu

Tiếp nối truyền thống quan hệ tốt đẹp, tương trợ nhau giữa 2 nước, thời gian qua, thanh niên Việt Nam - Campuchia tăng cường hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác thanh niên; duy trì hiệu quả các hoạt động tình nguyện, giao lưu văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao;... Qua đó, góp phần vun đắp, giữ gìn, phát triển mối quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài giữa hai nước trong tình hình mới.

Sự hỗ trợ đắc lực của quân tình nguyện Việt Nam góp phần đưa đất nước Chùa Tháp thoát khỏi thảm họa diệt chủng Khmer Đỏ vào năm 1979, khép lại chương sử bi thương đầy máu và nước mắt. Ngày nay, nhắc về lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước, thanh niên (TN) Việt Nam - Campuchia luôn tự hào về truyền thống đoàn kết, chiến đấu anh dũng của các bậc tiền bối, từ đó, cùng nhau ra sức xây dựng biên giới hòa bình, phát triển.

Người chiến sĩ tỉnh nguyện quả cảm

Đối với thế hệ trẻ tỉnh Svay Rieng nói riêng, người dân Vương quốc Campuchia nói chung, những chiến sĩ tình nguyện Việt Nam là người hùng, góp phần rất lớn trong đấu tranh, giải phóng đất nước họ thoát khỏi thảm họa diệt chủng Khmer Đỏ. Ghi nhớ công ơn của chiến sĩ quả cảm trẻ tuổi, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (AHLLVTND), liệt sĩ Nguyễn Văn Ngộ (xã Mỹ Phú, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An), người dân phường Bo Ta Hao, TP.Svay Rieng đã xây dựng khu tượng và thắp hương tưởng nhớ mỗi ngày.

Bà Vy Nget (86 tuổi), ngụ phường Bo Ta Hao, TP.Svay Rieng, là người tự nguyện chăm sóc, hương khói khu tượng AHLLVTND Nguyễn Văn Ngộ chia sẻ: “Chúng tôi cảm ơn những người lính tình nguyện Việt Nam đã sang hỗ trợ, giúp đất nước thoát khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot. Chúng tôi luôn ghi nhớ công ơn liệt sĩ Nguyễn Văn Ngộ đã không ngại hiểm nguy, đưa thi thể người dân Campuchia bị chết trong bãi mìn và cứu một em bé bị thương cách đây 40 năm”.

Liệt sĩ Nguyễn Văn Ngộ (SN 1959) là đoàn viên, cấp bậc binh nhất, Trung đội phó Đại đội 2, Tiểu đoàn 502, Bộ Tư lệnh 779, Quân khu 7, từng tham gia chiến đấu 13 trận đánh trên đất Campuchia. “Năm 1979, 2 người dân Campuchia chết trong bãi mìn do lính Pol Pot gài đã 2 ngày chưa mang thi thể ra được, Trung đội phó Nguyễn Văn Ngộ xung phong vào bãi mìn mang thi thể đi an táng. Khi đến bãi mìn, thấy 1 cháu bé bị thương kêu khóc, ông cứu giúp và gỡ được 11 quả mìn tại đây. Đến quả thứ 12 thì mìn nổ, ông bị thương nặng và hy sinh khi tròn 20 tuổi” - bà Vy Nget nhớ lại.

Bà Vy Nget kể về chiến công của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Ngộ

Ngày 25/01/1983, liệt sĩ Nguyễn Văn Ngộ được truy tặng danh hiệu AHLLVTND. Ngày nay, Tượng đài AHLLVTND Nguyễn Văn Ngộ với hình tượng một chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam ẵm em bé Campuchia lao về phía trước được tôn tạo, nâng cấp tượng đài, sơn lại phần tượng, ốp đá hoa cương, mở rộng phần đế và nhiều hạng mục khác. Khu tượng nằm giữa trung tâm TP.Svay Rieng là biểu tượng của tình đoàn kết, hữu nghị giữa 2 tỉnh Long An - Svay Rieng nói riêng và 2 nước Việt Nam - Campuchia nói chung. “Mỗi lần có dịp ngang qua, cán bộ, hội viên TN Long An đều ghé viếng, thắp hương tưởng nhớ AHLLVTND Nguyễn Văn Ngộ và thăm gia đình bà Vy Nget có công chăm sóc, hương hỏa” - Chủ tịch Hội LHTNVN tỉnh Long An - Võ Trần Tuấn Thanh chia sẻ.

“Dù đã hy sinh cách đây 40 năm nhưng AHLLVTND Nguyễn Văn Ngộ vẫn luôn sống mãi với phum sóc, bản làng Svay Rieng về sự gan dạ, dũng cảm, hết lòng vì bạn bè quốc tế. Tượng đài của liệt sĩ Nguyễn Văn Ngộ là nơi để người dân Campuchia giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ về công lao đóng góp to lớn của quân tình nguyện Việt Nam, giúp hồi sinh đất nước Chùa Tháp hôm nay” - Phó Trưởng ban Công tác TN Đảng tỉnh Svay Rieng - Toch Polyva khẳng định.

Hy sinh xương máu giúp nước bạn hồi sinh

Ấn tượng khó quên đối với Phó Trưởng ban Công tác TN Tỉnh đoàn Long An - Trần Gia sau chuyến tham quan Tượng đài Thắng Thắng (quận Chroy Chongvar, thủ đô Phnom Penh) là những bài học quý báu về lịch sử, truyền thống cách mạng và tình đồng chí, đồng đội của bạn bè quốc tế trong những năm kháng chiến ác liệt.

Anh Zắck (TN ngành thông tin và truyền thông, Vương quốc Campuchia) nhắc lại, sau cuộc tổng tuyển cử do Liên Hiệp Quốc tổ chức năm 1993, Campuchia vẫn chưa được hòa bình trọn vẹn do lực lượng Khmer Đỏ cùng với sự hậu thuẫn của một số phe phái trong nước và nước ngoài. Trước bối cảnh này, Thủ tướng Hun Sen, các nhà lãnh đạo Đảng Nhân dân Campuchia đã nghiên cứu và đề ra chính sách Thắng Thắng nhằm làm tan rã bộ máy tổ chức chính trị, quân sự của Khmer Đỏ, đưa những người ủng hộ lực lượng này quay trở về với Chính phủ.

“Đất nước Chùa Tháp có được thành tựu to lớn trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, ngoại giao,... là nhờ sự nỗ lực của các nhà lãnh đạo tiền bối, toàn thể nhân dân một lòng tin tưởng và ủng hộ con đường chính nghĩa. Đặc biệt, trên chặng đường cứu nước đầy gian nan ấy, có sự giúp đỡ to lớn của các chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam đánh đổ chế độ diệt chủng Khmer Đỏ tàn bạo, giải phóng dân tộc Campuchia thoát khỏi thảm họa diệt vong” - ông Dy Vichea (phụ trách công tác TN của Vương quốc Campchia) khẳng định.

Tượng đài Thắng Thắng có chiều cao 54m, nằm trong quần thể khu tưởng niệm được xây dựng trên diện tích 8ha - một vị trí đắc địa đối diện Khu liên hợp thể thao Morodok Decho. Nơi đây, được khánh thành vào 29/12/2018, nhân kỷ niệm 20 năm kết thúc nội chiến và thực hiện thành công chính sách Thắng Thắng của Campuchia.

Cuộc chiến khốc liệt đã làm cho hàng vạn chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam phải bỏ lại một phần thân thể của mình hay mãi mãi nằm lại nơi đất bạn. Tất cả đều xứng đáng được lịch sử công nhận và người dân Campuchia khắc ghi. Tình đoàn kết, hữu nghị ấy luôn được các thế hệ hôm nay và mai sau gìn giữ và phát huy./.

(còn tiếp)

Phong Nhã

Bài cuối: Viết tiếp câu chuyện tình đoàn kết, hữu nghị

Chia sẻ bài viết