Tiếng Việt | English

23/06/2016 - 08:59

Cây mía đang bị... ra rìa

Bài 3: Không khuyến khích phát triển chanh rầm rộ

Nếu như diện tích mía ở huyện Bến Lức, tỉnh Long An giảm thì diện tích chanh liên tục tăng. Có những xã, cây chanh chiếm lĩnh và trở thành cây trồng chủ lực. Tuy nhiên, xung quanh việc chanh phát triển rầm rộ đang tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Theo thống kê, hiện toàn huyện Bến Lức có gần 4.000ha chanh. Nếu như năm 2011, huyện chỉ có khoảng 2.000ha chanh, thì sau 5 năm, diện tích chanh phát triển gấp đôi. Điều đó cho thấy, cây chanh đang ngày càng "bén rễ", phát triển mạnh trên địa bàn huyện.


Cây chanh đang ngày càng phát triển mạnh ở Bến Lức

Với đà này, Bến Lức hình thành vùng chuyên canh chanh và ngành chức năng cũng tích cực tìm nhiều giải pháp giúp cây chanh phát triển bền vững, nhưng qua tìm hiểu của phóng viên, hiện nay, việc phát triển nhanh diện tích chanh đang tiềm ẩn nhiều rủi ro. Điều lo lắng nhất chính là đầu ra cho cây chanh. Hiện nay, chỉ có khoảng 500ha chanh ở Thạnh Hòa được công ty ở Cần Thơ bao tiêu sản phẩm (chanh không hạt). Để được bao tiêu, phần diện tích chanh này phải sản xuất theo mô hình VietGAP. Còn lại hơn 3.500ha đều bán cho tiểu thương, các đại lý. Theo một thương lái ở ấp 2, xã Thạnh Hòa, gia đình ông thu mua bình quân 5-10 tấn/ngày và đưa sang Campuchia tiêu thụ nhưng còn bấp bênh, chưa bền vững và ngày càng chịu sự cạnh tranh cao.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Bình Đức - Nguyễn Văn Tài, mía đang ngày càng thu hẹp diện tích, còn chanh ngày càng “bung ra”, nhưng xã không khuyến khích người dân ồ ạt bỏ mía, trồng chanh mà khuyến cáo nông dân thận trọng, cân nhắc, không nên "thấy người ăn khoai cũng vác mai đi đào”, vì như thế, nguy cơ rủi ro rất cao.

“1ha chanh đầu tư từ 150-200 triệu đồng, 2-3 năm mới cho thu hoạch; trong khi đó, chi phí đầu tư đầu tư sản xuất 1ha mía ít hơn nhiều, lại thu hoạch ngay trong năm. Hiện nay, cây chanh ở địa bàn vẫn chưa ổn định, có năm giá cao ngất ngưởng nhưng có năm giá lại xuống cực thấp. Ngoài ra, chưa có nhiều hợp tác xã, tổ hợp tác thu mua chanh mà chủ yếu mạnh ai nấy bán, nhiều khi việc tiêu thụ tùy thuộc vào thương lái. Điều đó có nghĩa, việc trồng chanh rất dễ dẫn đến “5 ăn, 5 thua” - ông Tài nhận định.

Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bến Lức - Ngô Văn Bình cho biết, đúng là ngành chuyên môn cũng như huyện không khuyến khích người dân ồ ạt phá mía, trồng chanh. Theo quy hoạch đến năm 2020, toàn huyện có khoảng 6.000ha chanh, thế nhưng, với đà này thì diện tích chanh có khả năng sẽ tăng nhiều hơn.

“Biết trồng chanh tiềm ẩn nhiều rủi ro nhưng chúng tôi cũng khó khuyến cáo người dân không nên ồ ạt trồng. Bởi với thực tế, chúng tôi không biết định hướng người dân trồng cây gì cho hiệu quả kinh tế cao, bền vững, vì thế, về phía người dân, thấy cây gì cho hiệu quả thì họ trồng và chanh cũng đang nằm trong quy luật đó. Về phía ngành chức năng ở huyện, thời gian qua phối hợp các ngành để tập huấn, chuyển giao khoa học-kỹ thuật cho người trồng chanh” - ông Bình cho biết thêm.

Trước tình hình này, người trồng chanh mong muốn, ngành chức năng từ huyện đến tỉnh cần kịp thời giúp người dân tìm kiếm đầu ra ổn định cho cây chanh. Bên cạnh đó, cần xem xét kêu gọi đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất các sản phẩm từ chanh tại địa phương cũng như nhân rộng các tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất chanh. Có như vậy mới giúp cây canh phát triển bền vững và cho hiệu quả kinh tế cao. Đó cũng là những giải pháp tránh tình trạng được mùa - rớt giá, rớt giá lại được mùa hoặc chặt - trồng rồi lại trồng - chặt./.

Lê Đức

(còn tiếp)

Chia sẻ bài viết