Tiếng Việt | English

19/03/2020 - 11:34

Hạn, mặn gây xáo trộn cuộc sống người dân

Bài 3: Người dân thiếu nước sinh hoạt

Theo nhận định của Tổng cục Khí tượng - Thủy văn và Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, tình hình xâm nhập mặn mùa khô 2019-2020 ở mức sớm và nặng hơn so với trung bình nhiều năm. Tại Long An, hạn, mặn gây ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của người dân: Hơn 8.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt, hàng ngàn hécta cây trồng thiếu nước tưới, hàng trăm hécta lúa mất trắng. Bên cạnh đó, nắng hạn gây sạt lở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh.Trước tình hình trên, chính quyền và ngành chức năng tỉnh triển khai nhiều giải pháp ứng phó.

Thống kê của ngành nông nghiệp, hạn, mặn đã và đang làm cho hơn 8.000 hộ dân ở huyện Cần Giuộc, Cần Đước và Tân Trụ thiếu nước ngọt sinh hoạt trầm trọng. Để có nước ngọt sinh hoạt, người dân phải chấp nhận đổi nước ngọt từ các giếng tầng nông với giá trên 100.000 đồng/m3. Giá nước tăng cao nhưng có tiền cũng không đổi được do nhà xa trục lộ chính, xe chở nước ngọt không đến được.

Người dân thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô

Người dân thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô

Theo bà Nguyễn Thị Thu Thủy, ngụ xã Tân Tập, huyện Cần Giuộc: “Từ sau tết đến nay, người dân ở ấp Tân Đông phải sống trong cảnh thiếu nước ngọt trầm trọng do hạn, mặn bủa vây. Hiện tại, 6 bể chứa nước ngọt khoảng 12m3 của gia đình đã cạn trơ đáy. Nhà cách trục giao thông nông thôn khoảng 100m, hết nước ngọt sử dụng cả tuần mà kêu không có xe chở nước ngọt đến đổi. Nước ngọt đang rất khan hiếm, giá cao gấp 10-15 lần so với nước máy. Bình quân mỗi khối nước ngọt có giá 125.000 đồng nhưng vẫn không có xe chuyển nước về để đổi. Ở cái vùng đồng khô, nước mặn này có tiền cũng không mua được nước ngọt để sử dụng, phải năn nỉ mấy chủ xe chở nước ngọt và chấp nhận đổi giá cao thì họ mới chở đến. Chúng tôi rất mong chính quyền địa phương sớm có giải pháp chuyển nước ngọt về cứu khát cho dân”. Còn ông Lê Văn Thinh, ngụ cùng địa phương, nói: “Nhà ở xa trục lộ chính, xe chở nước ngọt không vào tới nên cuối tuần, con, cháu hội tụ về là phải lấy xe gắn máy chạy tới những khu vực có giếng nước tầng nông đổi với giá 2.000 đồng/thùng 20 lít chở về sinh hoạt. Còn nước để nấu ăn thì mua nước lọc với giá 13.000 đồng/bình 20 lít”.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Tân Tập - Nguyễn Thanh Tú, trên địa bàn xã hiện còn hơn 500 hộ dân thiếu nước ngọt sinh hoạt. Hiện tại, nguồn nước của Công ty Cấp nước Bằng Tâm cung cấp cho nhiều xã nên không đủ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân.Để có nước sinh hoạt, người dân phải trực canh giờ để lấy nước dự trữ mới có đủ sử dụng trong ngày.Hiện tại, huyện đã lên kế hoạch vận chuyển nước từ nơi khác về bơm vào những điểm tập trung để các hộ dân đến lấy về sử dụng.

Người dân thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô

Chủ tịch UBND huyện Cần Giuộc - Nguyễn Tuấn Thanh cho biết: “Vùng hạ huyện Cần Giuộc không có nguồn nước ngầm nên bước vào mùa hạn, mặn là xảy ra tình trạng thiếu nước ngọt sinh hoạt trầm trọng. Để khắc phục tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho người dân vào mùa khô, năm 2019, tỉnh đã bố trí vốn xây dựng 7 trạm bơm tăng áp và hệ thống đường ống cung cấp nước sinh hoạt cho người dân trên địa bàn huyện. Hiện tại, các công trình đã cơ bản phục vụ được các xã Long Hậu, Phước Lại, một phần xã Phước Vĩnh Tây và Phước Vĩnh Đông có nước sạch sử dụng từ nguồn của Công ty Cấp nước Nhà Bè (TP.HCM) chuyển về. Tuy nhiên, lượng nước sạch của công ty chỉ đáp ứng được 2/3 so với nhu cầu khu vực này là 4.500m3 /ngày, đêm. Đối với khu vực các xã: Long Phụng, Đông Thạnh, Phước Vĩnh Tây, Tân Tập và một phần Phước Vĩnh Đông đã được tỉnh đầu tư 4 trạm bơm tăng áp và đường ống nhưng chưa có nguồn nước cung cấp. Toàn bộ khu vực này chỉ có Công ty Cấp nước Bằng Tâm và một giếng nước tư nhân nên chỉ cung cấp được 1/3 so với nhu cầu là 3.500m3 ngày/đêm. Đối với khu vực do Công ty Cấp nước Bằng Tâm cung cấp, tỉnh đã làm việc với Nhà máy Nước Nhị Thành - DNP Long An đặt tại huyện Thủ Thừa với phương án lắp đặt đường ống dẫn nước ngọt về vùng hạ huyện Cần Giuộc. Theo kế hoạch, đến ngày 30/4/2020, DNP Long An sẽ hoàn thành đường ống về đến Quốc lộ 50 để đấu nối với đường ống của Công ty Cấp nước Bằng Tâm với khoảng 2.000m3/ngày, đêm thì sẽ đáp ứng được nhu cầu nước ngọt cho dân sử dụng.

Tại huyện Tân Trụ, có trên 3.100 hộ dân ở các xã: Tân Phước Tây, Nhựt Ninh, Bình Trinh Đông thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Anh Nguyễn Hòa Thuận, ngụ xã Tân Phước Tây, nói: “Bây giờ, hầu hết các dòng kênh, con rạch trên địa bàn đều đã trơ đáy, có nơi khô từ cả tháng trước, mỗi lần xài phải chở nước mặn từ sông xa 2-3 cây số về nhà. Còn nước sạch chỉ dùng nấu ăn và xài hà tiện cho nhiều ngày chứ giờ mua giá cao lắm. Năm nay, hạn, mặn quá sớm, người dân không có đủ thùng, lu chứa nước dự trữ để sử dụng. Nếu khô như thế này, người dân phải chạy mua nước như những năm trước với giá gần 100.000 đồng/m3”.

Người dân thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô

Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Trụ - Trịnh Phước Trung cho biết: “Thời gian qua, người dân địa bàn 3 xã trên sử dụng nguồn nước máy dẫn về. Tuy nhiên, do áp lực nước từ nhà máy không đủ đẩy nước về vùng này nên đã xảy ra tình trạng thiếu nước cục bộ. Do đang mùa nắng nóng, ảnh hưởng của xâm nhập mặn nên nhu cầu sử dụng nước tăng cao. Vì không có nước nên đời sống của các hộ dân gặp rất nhiều khó khăn”.

Hiện nay, trong thời gian chờ đợi nguồn nước từ các công ty chuyển về cứu khát cho người dân vùng hạ Cần Giuộc, Tân Trụ, Cần Đước,… Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đang điều các xe bồn chở nước từ nhà máy nước của TP.Tân An chuyển về cấp miễn phí cho người dân sử dụng. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã dự trù tổng kinh phí hỗ trợ nước sinh hoạt khẩn cấp cho vùng bị ảnh hưởng với kinh phí hơn 1,3 tỉ đồng. Dự kiến khối lượng nước hỗ trợ khoảng 10.000m3 và 160 bồn nước cho các hộ nghèo, cận nghèo, khó khăn trong vùng ảnh hưởng./.

(còn tiếp)

Bài 4: Gây sạt lở nhiều nơi

Huỳnh Phong - Bùi Tùng

Chia sẻ bài viết