Tiếng Việt | English

14/09/2017 - 11:53

Kỷ niệm 50 năm Ngày tỉnh Long An được phong tặng danh hiệu “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc” (17/9/1967 - 17/9/2017)

Bài 3: Vinh danh trong quá khứ, động lực cho tương lai

Tượng đài Long An “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc” nay trở nên rất đỗi quen thuộc không chỉ với người dân địa phương mà cả những ai đi qua “cửa ngõ đồng bằng”. Từ danh hiệu cao quý đến công trình văn hóa, đó là kết quả của quá trình nỗ lực trong việc khơi nguồn và phát huy giá trị truyền thống, tạo động lực phát triển trong giai đoạn mới.


Công viên Tượng đài Long An “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc” – Niềm tự hào của mỗi người dân Long An. Ảnh: Hữu Tuấn

Vinh danh trong kháng chiến chống Mỹ

Đến thời điểm năm 1967, dân, quân Long An tạo ra thế trận chiến tranh nhân dân và phong trào toàn dân đánh giặc phát triển cao độ, lập được nhiều thành tích xuất sắc trên chiến trường miền Nam. Trung tuần tháng 9/1967, Đại hội Anh hùng, chiến sĩ thi đua (AHCSTĐ) và dũng sĩ các lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) giải phóng miền Nam Việt Nam lần thứ II họp tại vùng giải phóng miền Đông Nam bộ, Long An vinh dự được Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam phong tặng danh hiệu “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”.

Cùng với danh hiệu này, ngày 17/9/1967, các đồng chí: Nguyễn Thị Hạnh, Nguyễn Văn Thể, Huỳnh Văn Tạo (Long An) và Huỳnh Việt Thanh (Kiến Tường) cũng được tuyên dương trong số 47 anh hùng LLVTND giải phóng toàn miền Nam được tuyên dương tại đại hội.

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện đến đại hội với những lời nhắn nhủ ân cần và niềm tin vào các đại biểu ưu tú của miền Nam, trong đó có đoạn:

(Kính nhờ Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ chuyển tới đại hội)

Nhân dịp các cô, các chú về dự Đại hội Anh hùng, chiến sĩ thi đua và dũng sĩ các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng miền Nam lần thứ II, Bác gửi các cô, các chú những cái hôn thân ái nhất và nhiệt liệt khen ngợi các cô, các chú lập được nhiều thành tích xuất sắc trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
… … …
Bác tin chắc rằng dưới ngọn cờ vẻ vang của Mặt trận Dân tộc Giải phóng, đồng bào và chiến sĩ miền Nam, với tinh thần anh dũng và kinh nghiệm phong phú của mình, sẽ giành được nhiều thắng lợi to lớn hơn nữa, đưa sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn.

Chào thân ái và quyết thắng!
Tháng 9 năm 1967
Bác Hồ

(Báo Nhân Dân, số 4934,
ngày 14/10/1967)

Tuy nhiên, đi dự đại hội chỉ có đồng chí Nguyễn Thị Hạnh, Nguyễn Văn Thể. Các đồng chí: Huỳnh Văn Tạo và Huỳnh Việt Thanh hy sinh vào ngày 08/6/1966 và 21/9/1966.

Trước đó, tại Đại hội AHCSTĐ và dũng sĩ các LLVTND giải phóng miền Nam Việt Nam lần thứ I (ngày 02 đến 06/5/1965), Long An có 2 anh hùng trong 23 anh hùng quân đội giải phóng được tuyên dương, là Huỳnh Văn Đảnh và Nguyễn Minh Tua.

Nguyễn Thị Hạnh (1937-1972) quê xã Mỹ Hạnh, huyện Đức Hòa, là chỉ huy du kích xuất sắc hoạt động trong lòng địch, điển hình trong phong trào phá ấp chiến lược những năm 1963-1964.

Huỳnh Văn Tạo (1946-1966) quê ở xã Đức Hòa, huyện Đức Hòa, là chiến sĩ xung kích dũng cảm, gan dạ của Tiểu đoàn 2 Long An, mới hơn 1 tuổi quân, đã đánh trên 20 trận với nhiều trận mưu trí, trong một lần, không ngại hy sinh, xung phong lên trước, khéo léo bò qua bãi mìn, dùng một bó chà rào kéo cho mìn, lựu đạn nổ để mở đường cho đồng đội xung phong tiêu diệt đồn địch.

Huỳnh Việt Thanh (1926-1966), Xã đội trưởng Hậu Thạnh (nay thuộc huyện Tân Thạnh), cán bộ chỉ huy du kích tài trí, hơn 10 năm chiến đấu, dù trong hoàn cảnh khó khăn luôn nêu cao tinh thần kiên cường, bám trụ, phát triển phong trào chiến tranh du kích, riêng 2 năm 1965-1966, chỉ huy đội du kích xã chiến đấu trên 100 trận, diệt 400 tên địch.

Huỳnh Văn Đảnh (1939-1971) quê ở xã Đức Tân, Chính trị viên Trung đội Bộ đội địa phương huyện Tân Trụ, một chỉ huy mưu trí, nhiều kinh nghiệm phát động quần chúng đấu tranh, nổi danh thiện xạ, bắn xuyên táo, từng là Trưởng đoàn Đoàn Anh hùng dũng sĩ miền Nam ra thăm miền Bắc và gặp Bác Hồ (năm 1966).

Nguyễn Minh Tua (SN 1939) quê xã Vĩnh Châu, huyện Vĩnh Hưng, Trung đội trưởng thuộc Tiểu đoàn 261 (Hi-rông), Khu 8, là chỉ huy mũi nhọn, chiến đấu ngoan cường, mưu trí, bị thương vẫn xông lên giết giặc, qua 5 năm ở quân đội, tính đến ngày được tuyên dương anh hùng, đã chiến đấu 24 trận, tự tay diệt 29 tên địch, bắt sống 14 tên, thu 12 súng các loại, bắn cháy 1 tàu chiến và 4 xe GMC.

Nguyễn Văn Thể quê xã Mỹ Thạnh Đông, huyện Đức Huệ, khi được tuyên dương anh hùng mới 20 tuổi, trong 2 năm 1965-1966, tham gia đánh 26 trận, góp phần cùng đơn vị diệt 1 tiểu đoàn, 13 đại đội, 12 trung đội địch, riêng anh diệt 34 tên (có 3 tên Mỹ), bắt sống 12 tên, thu 19 súng. Đó là những cá nhân xuất sắc trong phong trào toàn dân đánh giặc ở Long An cho đến thời điểm ấy.

Danh hiệu “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc” thực sự là niềm vinh dự và tự hào lớn lao của dân, quân Long An, bởi cùng với Quảng Nam “Trung dũng kiên cường, đi đầu diệt Mỹ” và Củ Chi “Đất thép thành đồng” là những địa phương được phong tặng danh hiệu cao quý trong đợt này do những thành tích xuất sắc đạt được giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ đang diễn ra ác liệt trên chiến trường toàn miền Nam. Đó chính là sự đúc kết từ truyền thống yêu nước, chống ngoại xâm và đấu tranh cách mạng của nhân dân Long An dưới sự lãnh đạo của Đảng, trở thành nguồn động viên lớn lao cho chặng đường về sau, góp phần vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Công trình văn hóa tiêu biểu của tỉnh

Tám chữ vàng với giá trị kết tinh của truyền thống và là động lực cho chặng đường mới, ý tưởng hình tượng hóa, xây dựng thành một công trình văn hóa, nghệ thuật tiêu biểu để tôn vinh truyền thống của dân, quân Long An được hình thành trong nghị quyết của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Sau thời gian triển khai Quyết định ngày 14/6/1997 của UBND tỉnh về tổ chức cuộc thi Sáng tác mẫu tượng đài và phương án kiến trúc Công viên Tượng đài Long An "Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”, phác thảo mẫu tượng đài của điêu khắc gia Phan Gia Hương (TP.HCM) và phương án kiến trúc công viên của Văn phòng Tư vấn thiết kế kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Long An được chọn xây dựng, với tổng diện tích quy hoạch 6,1ha, địa điểm xây dựng tại phường 5, TP.Tân An - vị trí rất quan trọng trong bố cục không gian kiến trúc ở lối vào chính của TP.Tân An, đồng thời là cửa ngõ về các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Ngày 10/3/2005, dự án được khởi công xây dựng; khánh thành và đưa vào sử dụng vào ngày 28/4/2010, nhân kỷ niệm 35 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Đó là một tổng thể gồm nhóm tượng người mẹ và chiến sĩ và quần thể tượng “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”. Nhóm tượng người mẹ và chiến sĩ ở phía trước, tạo hình tượng bi hùng của quá khứ, đồng thời nhắn nhủ đến hôm nay và mai sau thông điệp sống trong hòa bình, đừng quên những tháng năm gian khổ mà oanh liệt của những người đi trước.

Quần thể tượng “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc” được bố cục theo dáng rồng thiêng của truyền thống dân tộc đang vươn mình bay lên sau chiến thắng, biểu tượng của tinh thần hướng tới tương lai tươi đẹp trên nền tảng quá khứ oai hùng mà nhiều thế hệ nhân dân và chiến sĩ Long An tạo ra với hình ảnh của người chiến sĩ giải phóng và người mẹ Việt Nam được thể hiện trên thân rồng, đầu rồng cùng bay bổng trong chiến thắng khải hoàn. Bờm rồng được cách điệu bằng những khóm lá dừa vươn cao, che chở, ôm ấp con người của vùng đất Long An anh hùng; bệ rồng được thể hiện bằng con thuyền cách mạng với những lượn sóng thăng trầm mà Đảng là người cầm lái vượt qua bão táp, phong ba, đưa quân, dân Long An đến bến bờ chiến thắng. Hình tượng dân và quân được chạm sâu vào đá, ẩn hiện trong những dãy mây trùng điệp, nâng các nhân vật cùng con thuyền cách mạng bay lên trong không gian, hòa quyện giữa quá khứ và hiện tại.

Phối hợp hài hòa với quần thể tượng là hồ nước cùng với cây cảnh, đá và cỏ nhằm tạo không gian thư giãn cùng với 2 bức tranh hoành tráng bằng gốm màu hình cánh cung có nội dung về công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của dân, quân Long An, gợi mở những suy ngẫm về sự nghiệp đổi mới. Những trụ biểu hình rồng ở 2 bên lối vào tượng đài nhằm tạo vẻ uy nghi cho công trình và gợi nhớ về dòng giống Rồng Tiên của dân tộc Việt Nam. Không gian xung quanh khu vực tượng đài cũng thể hiện những ý tưởng về lịch sử địa phương với 2 dòng sông: Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây từng đi vào thơ ca và lịch sử, trong đó có chiến công “Hỏa hồng Nhựt Tảo” của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực.


Học sinh tham quan Công viên Tượng đài Long An "Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”. Ảnh: Phương Phương

Ngoài không gian và tượng đài, hiện nay nội thất công trình được bổ sung phần trưng bày lịch sử cách mạng địa phương và 8 chuyên đề có nội dung tái hiện những sự kiện, yếu tố đặc trưng của hình thái chiến tranh nhân dân ở địa phương, được thể hiện dưới dạng hộp hình: Nhân dân dùng xuồng đưa bộ đội vượt sông đánh giặc; Ba lần đánh đồn Đức Lập; Làng xã chiến đấu ở Long An; Sản xuất vũ khí tại công binh xưởng; Dân công hỏa tuyến Long An làm “cầu người” vận chuyển thương binh; Trạm quân y tại căn cứ Đám lá tối trời; Cán bộ, chiến sĩ và nhân dân sống, chiến đấu trong mùa nước lũ; Trận Hiệp Hòa ngày 23/11/1963 (trận đánh điển hình của 3 mũi giáp công: Quân sự, chính trị, binh vận).

Tám chữ vàng, từ danh hiệu biểu tượng cho tinh thần và giá trị truyền thống được cụ thể hóa bằng một công trình văn hóa phác họa những đặc trưng lịch sử vùng đất, con người Long An anh hùng là quá trình của tâm huyết, ý chí và nỗ lực của thế hệ cách mạng lão thành, lãnh đạo các cấp, các ngành và nhân dân trong việc tôn vinh giá trị truyền thống, tri ân các thế hệ đi trước hy sinh vì sự nghiệp cách mạng. Công trình không những giáo dục truyền thống mà còn là điểm đến quan trọng của tỉnh nhằm tham quan, vui chơi, giải trí, góp phần chỉnh trang bộ mặt đô thị TP.Tân An - trung tâm tỉnh đang trên đà phát triển, cùng với các công trình văn hóa trọng điểm khác tạo nên bộ mặt văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH ở địa phương. Đó là biểu hiện cụ thể trong việc khơi dậy những giá trị truyền thống, tạo động lực cho tương lai để, góp phần vào sự phát triển trong thời kỳ hội nhập.

Kỷ niệm 50 năm Ngày Long An được phong tặng danh hiệu “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”, tự hào bởi quá khứ chứng minh bằng lịch sử hào hùng, vì vậy, chúng ta có quyền tin rằng, tinh thần ấy được Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà tiếp tục phát huy lên tầm cao mới./.

Nguyễn Tấn Quốc

Chia sẻ bài viết