Tiếng Việt | English

13/01/2016 - 09:13

Dọc đường biên giới Tân Hưng (Long An)

Bài 5: Chuyện tình bên dòng Cái Cỏ

Đang ở thành phố có việc làm ổn định với lương cao, chàng kỹ sư trẻ bỏ phố về quê lấy vợ là cô gái tật nguyền ở tận biên giới Tân Hưng, tỉnh Long An.

Anh Đặng cho biết "cứ nuôi bò 3 tháng là anh bán một lần để kiếm lời"

Bên dòng Cái Cỏ, xã Hưng Điền, huyện Tân Hưng có một câu chuyện tình tựa như cổ tích. Gần 5 năm qua, người thanh niên ấy xuống đây ở rể chăm vợ bại liệt 2 chân và mẹ vợ già mù lòa 2 mắt.

Khi đã yêu

Quê ở Trà Vinh nhưng do hoàn cảnh gia đình khó khăn, từ năm 1992 khi mới 5 tuổi, cô bé Nguyễn Thị Tuyết Mai theo gia đình đến ấp Cây Me, xã Hưng Điền, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An lập nghiệp. Ngày về vùng đất mới, đại gia đình cô bé Mai dắt díu nhau đến dựng chòi ở tạm trên miếng đất nhỏ nằm nép bên bờ sông Cái Cỏ do một người dân bản địa tốt bụng cho mượn. Hằng ngày, cả gia đình Mai làm mướn kiếm sống qua ngày. Dù bữa đói, bữa no nhưng trong căn lều nhỏ vẫn luôn rôm rả tiếng cười.

Thế nhưng, cuộc đời chẳng thể ngờ, bởi trong lúc đang bươn chải với từng bữa ăn thì vào một ngày mưa gió năm 2000, bà Nguyễn Thị Tám, mẹ Mai lâm bệnh. Cũng vì nghèo không có tiền chạy chữa nên cả 2 mắt bà đều bị mù.

Đến năm 2006, Tuyết Mai thường bị tê toàn thân rồi chân cứ bị liệt dần không còn khả năng đi, đứng. Người nhà đưa Mai đi khám ở một bệnh viện TP.HCM, bác sĩ bảo Mai bị xuất huyết tủy. Vì nghèo, không có điều kiện chữa trị nên gia đình phải đưa Mai trở về cái chòi bên mé sông chờ phép nhiệm màu. “Khi đó, tôi mới 19 tuổi. Chân cứ teo tóp dần. Quá buồn chán nên ngày nào tôi cũng nằm khóc”, chị Mai nhớ lại.

Số phận nghiệt ngã vẫn chưa buông tha gia đình Mai. Khoảng 1 năm sau, người cha, chỗ dựa duy nhất còn lại của gia đình bị bệnh rồi qua đời, gia đình Mai cứ sống lay lắt trên miếng đất mượn tạm bên mé sông Cái Cỏ. Dần dà, 4 anh chị em khác cũng có gia đình riêng và rời khỏi chòi lá ọp ẹp.

Anh chị em lấy chồng, cưới vợ hết, cái chòi trở nên hiu quạnh khi chỉ còn lại cô gái tật nguyền và người mẹ mù lòa. Dù anh em có gia đình riêng nhưng vì nghèo khó nên không giúp được nhiều cho Mai và bà Tám.
Cách đó hàng trăm cây số, anh Nguyễn Văn Đặng (SN 1987 – cùng tuổi với chị Mai), ngụ quận Tân Bình, TP.HCM khi ấy là kỹ sư bảo trì cho một Cty ở Bình Dương với mức lương cả chục triệu đồng mỗi tháng, biết được hoàn cảnh của Mai qua một người bạn. “Tôi còn nhớ trong năm 2009, một người bạn xuống Hưng Điền nghe được câu chuyện xúc động của Mai nên về kể lại với tôi. Nghe xong tôi nung nấu quyết định xuống thăm gia đình Mai”, anh Đặng nhớ lại.

Thế rồi không lâu sau, Đặng lặn lội gần 200km đi từ TP.HCM đến Hưng Điền. Rồi nhiều lần sau, Đặng lại bỏ việc xuống thăm, động viên Mai với sự đồng cảm sâu sắc. Tuổi thơ của Đặng cũng không trọn vẹn niềm vui vì bị mẹ bỏ rơi lúc anh còn nhỏ. Sau những chuyến đi đó, vào một ngày cuối năm 2009, Đặng về nhà xin phép bà nội cho lấy Mai làm vợ. Nghe hết câu chuyện, lại biết tâm tính thằng cháu nên bà không cản mà chỉ nhắc “đã thương thì thương cho trót, chứ đừng bỏ giữa chừng làm khổ người ta là có tội”.

Mấy ngày sau, Đặng xuống Hưng Điền gặp bà Tám xin hỏi cưới Mai. Nghe chuyện kỹ sư cao to gần mét tám, đẹp trai khỏe mạnh bỏ phố về hỏi cưới cô gái tật nguyền bị liệt 2 chân nghèo “rớt mồng tơi”, người dân ở vùng biên cứ bán tin, bán nghi. Không chỉ hàng xóm mà ngay cả bà Tám và chính bản thân Mai khi đó cũng không dám tin. Khi biết Đặng đặt vấn đề một cách nghiêm túc, Mai và bà Tám khuyên Đặng về thành phố… Nhưng trước sự kiên trì và tình cảm chân thật của Đặng, Mai gật đầu đồng ý.

Hằng ngày, anh Đặng vẫn chăm sóc chị Mai rất chu đáo

Nhân ngày giỗ của ba Mai vào năm 2010, gia đình làm mâm cơm và kính báo với tổ tiên, ông bà cho đôi trẻ thành vợ, thành chồng. Chuyện tình yêu cổ tích cảm động này của đôi vợ chồng làm cả vùng quê nghèo ở ấp Cây Me, xã Hưng Điền xúc động.

Sau ngày hôm đó, Đặng bỏ việc ở thành phố hoa lệ về ở hẳn tại ấp Cây Me để chăm sóc người vợ tật nguyền và mẹ vợ mù lòa. Tổ ấm của 3 con người vẫn là túp lều nhỏ ngày nào bên sông Cái Cỏ, tuy nhiên đã có bàn tay Đặng lợp, sửa lại không còn dột nát như trước.

Mong có sức khỏe để lo cho vợ và mẹ

Khi Đặng mới về, nhiều người cũng nghi ngại sợ anh sẽ dứt áo ra đi bỏ lại nỗi đau cho cô gái trẻ. Nhưng qua thời gian, chàng rể phố vẫn chăm sóc vợ liệt 2 chân và mẹ vợ mù lòa chu đáo.

Câu chuyện cảm động và hoàn cảnh của gia đình anh Đặng, chị Mai được đồn xa. Đại diện Cty TNHH Ba Lá Xanh về tận nơi gặp gỡ và quyết định xây tặng anh chị một ngôi nhà nhỏ. Chưa kịp mừng, anh chị lại lo vì lấy đất đâu mà xây nhà. Lúc ấy, ông Lâm Văn Măng - người bấy lâu nay cho gia đình chị Mai mượn đất dựng lều ở tạm quyết định cho hẳn thửa đất trên cho gia đình chị Mai. Tháng 11-2014, căn nhà 40m2 được khởi công xây dựng. Trước tết năm 2015, căn nhà được hoàn thành trong niềm vui của mọi người.

Trong ngày mừng nhà mới, bà con hàng xóm và chính quyền địa phương, đại diện Cty đến chung vui. Người tặng anh chị cái quạt điện, người tặng gạo, nhu yếu phẩm, chén, đĩa. Xã Hưng Điền còn trích quỹ hỗ trợ cho anh, chị thêm 10 triệu đồng để lát gạch, tô tường. “Tết này nữa là 2 cái tết gia đình ở trong căn nhà mới. Nhưng tết năm nay nhà đẹp hơn vì được lát gạch”, anh Đặng vui mừng khoe.

Cũng nhờ mạnh thường quân giúp đỡ, vợ chồng anh Đặng “tậu” được một cặp bò, ngoài ra, anh còn nuôi thuê 2 con bò. Kể từ ngày nuôi bò, anh được gia đình ông Lâm Văn Măng cho mượn tiếp một thửa đất để trồng cỏ. Riêng bò anh nuôi thuê, khi bán sẽ chia đôi, anh một nửa còn chủ bò một nửa. Sau khi bán, anh lại mua cặp bò khác về nuôi.

Hôm chúng tôi đến thăm gia đình, cũng là ngày sắp hết năm cũ nhưng ở nhà chỉ có chị Mai và bà Tám còn anh Đặng đang cắt cỏ cho bò. Nghe tiếng vợ kêu có người quen ghé thăm, anh Đặng vội vác bó cỏ lên vai nhanh chân vào nhà.

Anh Đặng kể: “Từ tết 2015 đến nay, tôi đã bán được 6 con bò. Ngoài số tiền lời từ nuôi bò, tôi còn đi bắt cá, bắt ếch, làm thuê kiếm tiền thêm để trang trải chi phí sinh hoạt của gia đình. Nhưng năm nay do lũ nhỏ nên không bắt được nhiều cá, vì thế, tôi chỉ chú tâm vào đi làm thuê và nuôi bò”.

Anh Đặng giờ vẫn hằng ngày cắt cỏ nuôi bò

Ngồi bên, chị Mai góp chuyện thêm: “Suốt ngày, ảnh ít có đi đâu mà chỉ chăm lo cho gia đình, rồi lại quần quật làm việc kiếm tiền để trang trải cuộc sống gia đình và chăm sóc bò. Nhiều đêm, ảnh ngủ không sâu vì sợ bò bị trộm lấy mất”.

Nhẩm đếm lại thời gian, thế mà đã gần 5 năm trôi qua kể từ ngày anh Đặng về làm rể ở bên dòng Cái Cỏ, tình yêu của anh dành cho chị Mai vẫn chưa hề phai nhạt. Cũng trong quãng thời gian này, không thể nhớ nổi bao nhiều lần Mai lên cơn đau vì căn bệnh quái ác. Mỗi lần như thế, Đặng lại chạy ngược, chạy xuôi làm mướn đủ việc để kiếm vài trăm ngàn đồng đưa vợ vào bệnh viện.

Ông Trương Đông Hồ - Chủ tịch UBND xã Hưng Điền cho biết: “Hiện cuộc sống gia đình chị Mai, anh Đặng đã ổn nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn và là hộ nghèo của xã. Vì thế, chúng tôi vẫn thường xuyên quan tâm, động viên gia đình, xã cố gắng tìm nguồn để tặng quà cho gia đình mỗi khi tết đến”.

Rời ấp Cây Me, xã Hưng Điền ra về cũng là lúc mặt trời đã trườn dưới ngọn tràm. Đi trên con đường biên giới cặp kênh Cái Cỏ, tôi cứ miên man nghĩ đến chuyện tình đẹp tựa như cổ tích của chị Mai, anh Đặng. Tôi lại càng ấn tượng với câu nói của anh Đặng trước lúc chia tay: “Mình chỉ cầu mong có sức khỏe thật tốt để lo cho vợ tật nguyền và mẹ già mù lòa. Với tôi, tình yêu dành cho Mai là xuất phát từ con tim và sự đồng cảm”./.

Lê Đức

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích