Tiếng Việt | English

14/08/2019 - 14:30

Hành trình “Vì Trường Sa thân yêu – Vì tuyến đầu Tổ quốc”

Bài 5: Đảo Núi Le vượt lên mọi khó khăn hoàn thành nhiệm vụ

10 ngày trên biển, được đặt chân lên những hòn đảo thuộc quần đảo Trường Sa, gặp gỡ những người lính Trường Sa, Nhà giàn DK1 tuy không phải thời gian quá dài nhưng trong lòng chúng tôi - 20 thành viên của đoàn công tác tỉnh Long An mãi mãi là những kỷ niệm đẹp nhất của đời người để mỗi khi nhắc lại vẫn trào dâng một niềm cảm xúc thiêng liêng. Từ đây, trong trái tim của chúng tôi sẽ có hương vị mặn mòi của biển cả, của Trường Sa!

Điểm đảo Núi Le B

Điểm đảo Núi Le B

Mặc dù điều kiện thời tiết khắc nghiệt, khó khăn, thiếu thốn nhưng cán bộ, chiến sĩ (CBCS) cụm đảo Núi Le luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Vượt lên mọi khó khăn

Rời đảo Tiên Nữ, đoàn chúng tôi lại thẳng hướng Đông để đến với điểm đảo Núi Le B - 1 trong 2 điểm đảo thuộc cụm đảo Núi Le.

Giữa biển khơi, điểm đảo Núi Le B sừng sững, hiên ngang giữa sóng nước để khẳng định chủ quyền biển, đảo Tổ quốc. Một chiến sĩ từng làm nhiệm vụ tại đảo đã viết: Núi Le đá chẳng một chòm/ Cây không một bóng, sóng lừng lướt qua để thấy được những khó khăn, vất vả mà CBCS đang làm nhiệm vụ nơi đây hàng ngày phải đối mặt.

Cụm đảo Núi Le cách bán đảo Cam Ranh 334 hải lý, nằm ở vị trí 8o42’36” vĩ độ Bắc, 114o11’6” độ kinh Đông, cách đảo Tốc Tan 6 hải lý về phía Đông. Đảo nằm theo hướng Bắc - Nam, chiều dài của đảo khoảng 10km, chiều rộng 5km. Đảo Núi Le có thềm san hô tương đối khép kín, phía trong bãi san hô có hồ với chiều dài trên 8km, chiều rộng khoảng 3,5km.

Khi thủy triều xuống thấp rải rác có những hòn đá nhô lên khỏi mặt nước. Thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng, giông gió thất thường, lượng mưa phân bổ không đều, mùa khô từ tháng 2 đến tháng 4 không có mưa; mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10 ngày nào cũng có mưa, có ngày lượng mưa lên đến hơn 200mm.

Thực hiện nhiệm vụ, ngày 28/02/1988, tàu HQ633 đã đưa lực lượng công binh và vật liệu ra xây dựng nhà cao chân tại đảo. Sau gần 1 tháng, ngày 23/3/1988, việc xây dựng nhà cao chân hoàn tất để bàn giao cho CBCS bảo vệ đảo, sau đó, ta tiếp tục tiến hành xây dựng nhà cấp 2.

Đến năm 1997, Quân chủng Hải quân triển khai xây dựng nhà lâu bền ở điểm Núi Le A và năm 2001 xây dựng nhà lâu bền ở điểm Núi Le B. Cách điểm đảo Núi Le B chừng 4km là điểm đảo Núi Le A.

Theo Thiếu tá Huỳnh Văn Sỹ - Chỉ huy trưởng đảo Núi Le, cụm đảo Núi Le là đảo chìm nằm ở phía Nam của quần đảo Trường Sa, điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Khác với các đảo nổi, ở đây, nguồn nước phục vụ sinh hoạt chủ yếu được khai thác từ nước mưa, với hệ thống bể chứa được trang bị, đảo chủ động tích trữ nước bảo đảm phục vụ đủ sinh hoạt.

Nhằm tăng gia sản xuất, CBCS phải vận chuyển từ đất liền ra từng bao đất nhỏ, từng nắm hạt giống để có được những vườn rau luôn xanh tươi phục vụ bữa cơm hàng ngày. Tận dụng nguồn thức ăn thừa trong sinh hoạt, CBCS trên cụm đảo Núi Le còn chăn nuôi để cung cấp thêm thực phẩm đưa vào bữa ăn hàng ngày.

Điểm tựa để ngư dân vươn khơi bám biển

Mặc dù khó khăn, vất vả nhưng những năm qua, CBCS cụm đảo Núi Le luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Theo Thượng úy Nguyễn Đức Thắng - Chỉ huy điểm đảo Núi Le B, năm 2018, đơn vị luôn bảo đảm duy trì nghiêm các chế độ trực, phối hợp chặt chẽ các đơn vị trong khu vực kịp thời quan sát, phát hiện các mục tiêu trên không, trên biển và báo cáo theo đúng quy định. Bên cạnh đó, đơn vị còn thường xuyên tổ chức cho CBCS luyện tập các phương án chiến đấu, nâng cao sức mạnh chiến đấu của lực lượng trên đảo, đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ khi có tình huống tác chiến xảy ra, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Ngoài nhiệm vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, những năm qua, cụm đảo Núi Le còn thực hiện tốt công tác cứu hộ, cứu nạn và là điểm tựa để ngư dân vươn khơi bám biển. Trong đó, đảo đã hướng dẫn, giúp đỡ hàng trăm lượt tàu cá của ngư dân các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Thuận, Bình Định, Phú Yên,... ra đánh bắt hải sản trong khu vực cũng như hỗ trợ ngư dân neo đậu tàu cá vào lòng hồ để tránh trú mỗi khi biển động.

Cán bộ, chiến sĩ đảo Núi Le luôn chắc tay súng bảo vệ vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc và hoạt động đánh bắt hải sản của ngư dân

Cán bộ, chiến sĩ đảo Núi Le luôn chắc tay súng bảo vệ vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc và hoạt động đánh bắt hải sản của ngư dân

Năm 2018, CBCS cụm đảo Núi Le đã tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho 77 lượt ngư dân, giúp đỡ ngư dân trên 4.000 lít nước ngọt. Những việc làm tuy nhỏ bé, bình dị nhưng rất đỗi cao cả của CBCS cụm đảo Núi Le nói riêng cũng như CBCS trên quần đảo Trường Sa nói chung góp phần tô thắm hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ, hình ảnh chiến sĩ Hải quân trong lòng nhân dân, giúp nhân dân ấm lòng hơn, tin tưởng hơn, ngày đêm an tâm bám biển, bám ngư trường, phối hợp lực lượng vũ trang xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân trên biển, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vùng trời, vùng biển của Tổ quốc.

Rời cụm đảo Núi Le để tiếp tục hành trình, những con sóng trắng vẫn gối đầu vào 2 bãi Thạnh An 1 và Thạnh An 2, nơi được kỳ vọng sẽ có những dự án nuôi trồng thủy sản bên đảo Núi Le. Và mỗi người chúng tôi cũng hy vọng một ngày không xa sẽ được trở lại cụm đảo Núi Le để chứng kiến những đổi thay nơi đây./.

(còn tiếp)

Bài 6: Đảo Thuyền Chài - Lá chắn bảo vệ sườn phía đông Tổ quốc

Kiên Định

Chia sẻ bài viết