Tiếng Việt | English

19/07/2017 - 20:00

Bài ca “hạnh phúc” của người thương binh hỏng mắt

“Em lấy chồng đồng chí thương binh/Hỏng đôi mắt từ những ngày trận mạc...”.


Nhà thơ “hỏng đôi mắt từ những ngày trận mạc” Trương Quỳnh (bên phải)

Thành phố Đà Lạt một sớm sương mù lạnh giá. Tôi đứng trên con dốc sỏi màu huyết dụ ở khu Trại Hầm. Bất chợt ở dưới dốc, một người đàn ông mang kính đen, một tay huơ gậy bước liêu xiêu lên dốc; tay còn lại chỉ có rẻo áo buông thõng. Tôi vội xuống dốc dìu ông lên. “Trời lạnh, anh đi đâu mà vất vả vậy?”. “Ồ, có vất vả gì đâu? Con dốc này, ngày nào tôi cũng đi. Nhà tôi ở đầu dốc. Nhà cha mẹ tôi để lại ở cuối dốc. Tôi đi kháng chiến, gần 30 năm trở về, cha mẹ đều qua đời. 3 người anh trai tôi đi chống Pháp, hy sinh hết, chỉ có tôi sống sót về đây”.

Lên tới đầu dốc là đường nhựa. Ông dừng lại, kéo tay áo của cánh tay cụt lau mặt, đoạn chỉ gậy vào căn nhà ngói nhỏ: “Nhà tôi đấy! Mời anh vào chơi”. Tôi vào, ngồi trên bộ salon gỗ. Ông đi đến kệ sách dò dẫm, lấy ra một cuốn sách: “Đây là tập thơ tôi mới xuất bản, biếu anh xem chơi”, ông trao tôi tập thơ, đoạn huơ gậy đi xuống nhà dưới. Tập thơ có tên Hạnh phúc. Tôi mở ra và đọc: “Quê em ven dòng sông Đáy/ Tháng ngày xanh mát êm đềm/ Em có chồng đồng chí thương binh/ Hỏng đôi mắt từ những ngày trận mạc/ Tình yêu em như sông với nước/ Mãi mãi đầy, mãi mãi biếc trong/ Như phù sa dâng tươi mát lên đồng/ Như bếp lửa bập bùng đêm giá/ Những bãi cháy đồng khô cũng mịn màng hoa lá...”. Một chú bé bê mâm đặt lên bàn: “Con mời ông ạ!”. Ông vừa huơ gậy lên tới, thong thả ngồi đối diện với tôi: “Anh uống trà cho ấm bụng”.

Ông kêu cháu lấy cái đĩa DVD lắp vô máy và cho biết, đĩa này do Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Lâm Đồng thực hiện. Tôi chăm chú theo dõi màn hình. Mở đầu là một nữ diễn viên ngâm bài thơ Hạnh phúc trên đây của ông; và lời thuyết minh: Ông tên Trương Vĩnh Phúc, 15 tuổi thoát ly gia đình đi chống Pháp, ở đơn vị Quân báo. 5 năm sau, Vĩnh Phúc tham gia chiến dịch Phù Đổng, mở các mũi tấn công vào vùng Bắc Xoòng (Hạ Lào) nhằm chia cắt lực lượng chủ lực của Pháp đồn trú ở Điện Biên Phủ.

Ngày 06/02/1945, Trung đội trưởng Vĩnh Phúc chỉ huy một mũi tấn công kho đạn đại bác của địch. Sau khi đặt bộc phá vào kho đạn, chờ mãi không thấy nổ, anh lao vào xử lý. Một tiếng nổ long trời kèm theo hàng loạt tiếng nổ làm vỡ toang cả kho đạn đại bác của Pháp. Dứt tiếng nổ, đơn vị không thấy bóng dáng Trung đội trưởng của mình đâu. Cả trung đội ào vào tìm xác người chỉ huy trẻ tuổi dũng cảm của mình. Và họ moi từ dưới đống đổ nát, thân thể Vĩnh Phúc đầy thương tích.

Tại Viện Quân y 108, anh được các y, bác sĩ hết lòng cứu chữa, rồi được đưa về trại thương binh nặng Hà Nam. Một sáng nọ, anh mơ hồ nghe tiếng hát các bài ca chiến đấu hùng tráng và các điệu dân ca Bắc bộ êm đềm. Anh cố mở mắt nhìn về phía phát ra tiếng hát. Bên cửa sổ có ánh nắng rọi vào. Lúc này, đôi mắt anh chưa mù hẳn. Anh kịp thấy khuôn mặt cô gái xinh đẹp và mái tóc dài buông xõa xuống bờ vai. Anh thương binh giường bên nói với anh, đó là cô gái mang tên loài hoa Cúc, quê Hà Nam, vào nuôi 2 người anh trai bị thương ở trận Điện Biên Phủ về. Cô hát để các anh quên đi nỗi đau thương tích. Lúc đó, công tác hậu phương - quân đội thực hiện rất tốt, ai cũng thương yêu, quý trọng thương binh.

Thấy Vĩnh Phúc không có người thân, Cúc liền đến chăm sóc anh. Anh nói với cô: “Tôi bị thương, hỏng cả 2 mắt và mất một cánh tay, đâu dám ước mơ”... Cô kê miệng vào tai anh, nói nhỏ: “Em chỉ cần tình yêu của anh thôi. Hai đứa mình yêu nhau, đủ rồi”. Họ được trại đứng ra tổ chức đám cưới. Có được cô vợ trẻ hiền thục, đảm đang, anh thương binh hỏng mắt như có thêm sức mạnh diệu kỳ. Anh ra sức học chữ nổi hết bậc phổ thông rồi đến đại học. Anh còn bày cho thương binh của trại gom sắt vụn chế biến máy dập đồ nhựa, rồi góp vốn thành lập hợp tác xã đồ nhựa. Đây là hợp tác xã thương binh đầu tiên ở miền Bắc, làm ăn rất hiệu quả, được Bộ Thương binh - Xã hội lúc đó tuyên dương điển hình toàn miền Bắc.

“... Bởi đất này có cô Tấm đảm đang/ Mỗi sáng em dắt anh đi làm/ Mỗi chiều chưa kịp về, em đón/ Đường đời cũng có khúc lận đận/ Ngọn đèn soi mỗi bước anh đi/ Em chắp cho anh đôi cánh diệu kỳ/ Chiếc nón che mưa em đi vội vội/ Đôi vai gầy thoăn thoắt đường trơn/ Như con ong lặng lẽ lo toan”. Dù không còn đôi mắt nữa, anh vẫn cảm nhận được hình ảnh vợ mình. “Chưa hết việc nhà đã tất bật việc cơ quan/ Hai bổn phận, một tấm lòng nhân hậu”.

Thế rồi đất nước thống nhất, anh đưa vợ về quê anh sau gần 30 năm xa cách: “Nơi em đến vùng cao nguyên đất đỏ/ Ấy là nơi anh gắn bó tuổi thơ/ Xóm thợ nghèo sống lầm lũi trong mưa/ Con đường dốc những mái tôn xám ngắt/ Mưa chéo tạt lưng người đang lên dốc/ Những cuộc đời tất bật xóm trưa...”.

Quê chồng không còn ai thân thích sau cuộc bể dâu. Anh chị cùng mấy đứa con sống trong căn nhà cha mẹ để lại ở xóm thợ nghèo. Trong hoàn cảnh khó khăn ấy, hình ảnh người vợ thương binh vẫn tỏa sáng trên đời: “Rau cám cho heo, nắm rơm cho con gà nhảy ổ/ Em sẽ sàng dậy sớm thức khuya/ Cái nết tảo tần của mẹ cha xưa...”.

Với sự trợ lực của vợ, anh vận động xóm thợ thành lập hợp tác xã đồ gỗ và anh được bầu làm giám đốc. Anh thủ thỉ với vợ: “Cuộc sống này chưa hết gian nan/ Bữa cơm ta ăn còn đạm bạc/ Nhưng các con ta đã vào đại học/ Xóm thợ nghèo đã hợp tác làm ăn/ Anh thắp một tấm lòng, em khêu một ngọn bấc sáng trong/ Lặn lội cùng phong trào xóm thợ/ Trải qua nhiều thăng trầm sóng gió/ Xóm thợ nghèo đã có một cơ ngơi”…

Một cơ ngơi! Đó là niềm tự hào của vợ chồng người thương binh “tàn mà không phế”; luôn lạc quan phấn đấu cho đời. Và dù hỏng đôi mắt, tâm thức anh vẫn tỏa sáng tình yêu Tổ quốc. Anh trăn trở: “Đất nước trải qua nhiều giông tố/ Chưa hết bàng hoàng đổ vỡ chiến tranh/Vết thương đau băng bó chưa lành/ Máu lại đổ ngoài biên cương Tổ quốc/ Hết bão số 5 đến mưa dầm áp thấp/ Có dân tộc nào leo dốc triền miên/ Nỗi đau chung thấm thía cuộc đời riêng...”. Và anh xác tín: “Năm tháng trôi qua trong mỗi cuộc đời/ Khoảng tối trong tim lùi về dĩ vãng/ Hạnh phúc cho ai biết vượt qua dốc đứng/ Để với lên chùm quả chín ngọt ngào”. Hạnh phúc đơn sơ mà là hạnh phúc trong vinh quang!

Ông kêu cháu tắt máy, đoạn nói trong nghẹn ngào: “Bà nhà tôi mới mất cách nay chưa lâu”. Ông lặng đi, 2 hố mắt sâu chợt trào ra lệ. Bất giác, ông thì thầm: “Em đi rồi! Cảnh nhà quạnh lắm! Ghế đá ngoài sân trống vắng, lạnh lùng/ Đâu còn ai trò chuyện tri âm”... Bởi ông xem vợ là “Viên ngọc đời giữa trái tim anh!” (Viên ngọc đời); “Em đi rồi vườn xưa cỏ lấp/ Hoa vàng rã cánh trong mưa” (Mảnh vườn của em)...

Tập thơ Hạnh phúc của ông gồm 58 bài thì có gần 10 bài ông viết về bà, cho thấy ông yêu bà dường nào. Đọc tập thơ Hạnh phúc, ta thấy bàng bạc những mảng đời chinh chiến của ông trên mỗi chặng đường đất nước và cả trên đất bạn Lào với “Bà mẹ người Lào Lum/ Buộc chỉ tay cầu phúc/ Em gái Lào mời thuốc/ Vấn bằng lá chuối khô/ Như thể tự bao giờ/ Ấm áp tình Lào - Việt”... “Em gái Lào hay múa/ Khoác súng vào dân quân/ Sau những đêm gác rừng/ Lại đi tìm hoa núi/ Trồng trên từng nấm mộ/ Anh bộ đội Việt Nam”... (Khi rừng Lào khép lại) - Một hình ảnh Lào - Việt đẹp biết bao!

Cho đến bây giờ, đọc lại bài thơ Hạnh phúc trong tập thơ cùng tên của thương binh đặc biệt Trương Vĩnh Phúc, bút hiệu Trương Quỳnh, viết từ những năm 80 và 90 của thế kỷ XX, tôi vẫn còn tươi nguyên hình ảnh của ông vào buổi sáng hôm ấy. Chỉ một lần gặp nhau mà ấn tượng về nhà thơ mù ấy vẫn xanh tươi rạng rỡ trong tâm khảm tôi. Phải chăng, từ cuộc sống đẹp, tấm lòng đẹp tạo nên một người thơ đẹp như thế?

Ghi chép của Quang Hảo
Đà Lạt 1997, Long An 2017

Chia sẻ bài viết