Tiếng Việt | English

22/06/2017 - 09:45

Nuôi tôm công nghiệp, công nghệ cao: Hiệu quả nhưng khó thực hiện

Bài cuối: Đâu là lối ra?

Vấn đề khó nhất trong việc thực hiện mô hình nuôi tôm công nghiệp (CN), nuôi tôm công nghệ cao (CNC) chính là vốn đầu tư. Hầu hết hộ nông dân không đủ nguồn vốn để đầu tư nuôi tôm CN mà phải có sự hỗ trợ của Nhà nước về đầu tư hạ tầng, nguồn điện và có dự án hỗ trợ vốn vì hiện nay, nông dân không thể vay vốn để đầu tư. Khó khăn nữa đối với nông dân khi chuyển đổi mô hình nuôi tôm CN đó là diện tích nuôi tôm nhỏ, lẻ, rất khó cải tạo, bố trí diện tích ao lắng theo quy định nuôi tôm.


Nông dân chăm sóc tôm

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Cần Đước, tỉnh Long An nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra Chương trình phát triển nông nghiệp toàn diện, chất lượng cao và bền vững. Theo đó, con tôm được xác định là vật nuôi chủ lực của các xã vùng ngập mặn, do đó, Huyện ủy tập trung chỉ đạo chương trình nuôi thủy sản, trong đó ưu tiên phát triển mô hình nuôi tôm CN, nuôi tôm CNC nhằm giảm rủi ro, tăng hiệu quả nuôi tôm. Nhằm thực hiện chương trình, lãnh đạo huyện chỉ đạo ngành nông nghiệp nghiên cứu các mô hình phù hợp tổ chức cho thành viên ban chỉ đạo chương trình nuôi tôm các xã tham quan thực tế, khảo sát, quy hoạch các vùng nuôi tôm CN để đầu tư kết cấu hạ tầng; tuyên truyền, vận động những hộ có điều kiện chuyển đổi phương thức nuôi tôm; thành lập các tổ hợp tác, hỗ trợ nhau đầu tư sản xuất.

Hiện tại, mô hình nuôi tôm CNC do Sở Khoa học và Công nghệ đầu tư tại Cần Đước xác định địa điểm, diện tích, thỏa thuận cơ chế quản lý, kinh phí triển khai mô hình giữa Sở Khoa học và Công nghệ và ngành nông nghiệp huyện. Điểm thử nghiệm nuôi tôm CNC tại xã Tân Ân hoàn thành, đưa vào nuôi thử nghiệm. Tại xã Tân Chánh, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp UBND xã thành lập Tổ hợp tác Nuôi tôm CNC, hoàn tất việc xác định địa điểm, diện tích, hoàn thành thiết kế, tiến hành xây dựng cơ bản.

Thông qua mô hình thí điểm nuôi tôm CNC để ngành nông nghiệp huyện xây dựng quy trình, đồng thời sử dụng kết quả mô hình nhằm tuyên truyền, vận động nông dân từng bước chuyển đổi mô hình. Bên cạnh đó, lãnh đạo địa phương cũng khuyến khích những hộ dân có điều kiện, đầu tư mô hình nuôi tôm CNC; tăng cường việc tổ chức tham quan, giới thiệu các mô hình nuôi tôm ứng dụng CNC trên hệ thống đài, trạm truyền thanh địa phương để nông dân chọn lựa mô hình thích hợp ứng dụng vào quá trình nuôi tôm đạt kết quả cao.

Lãnh đạo các xã vùng nuôi tôm cần tăng cường công tác chuyển giao khoa học - kỹ thuật nuôi tôm theo mô hình CN, CNC; tập trung tuyên truyền, vận động những hộ nông dân có điều kiện chuyển đổi hình thức nuôi tôm; đồng thời khảo sát, quy hoạch các vùng nuôi tôm theo địa bàn các ấp, khu vực; vận động nông dân tham gia mở rộng hệ thống giao thông nông thôn, đầu tư hệ thống điện hạ thế phục vụ sản xuất; hướng dẫn nông dân tham gia các tổ hợp tác, xây dựng dự án vay vốn, từng bước chuyển đổi mô hình nuôi tôm, tránh tình trạng nôn nóng, đầu tư không hiệu quả gây thiệt hại cho nông dân, ảnh hưởng lớn đến chủ trương chung trong việc tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, xây dựng chương trình phát triển nông nghiệp toàn diện, chất lượng cao và bền vững./.

Kim Khánh

Chia sẻ bài viết