Tiếng Việt | English

22/05/2020 - 14:25

Nuôi tôm như “đánh bạc với trời”

Bài cuối: Để nuôi tôm đạt hiệu quả

Chuyện tưởng như đùa, nhưng đó là những tâm sự từ đáy lòng của người nuôi tôm thẻ chân trắng hiện nay khi nuôi tôm ngày càng khó khăn. Nghề nuôi tôm thẻ chân trắng đã phát triển rất lâu, khi đó người có tiền mới đầu tư nuôi tôm. Nhiều người mong muốn nuôi tôm nhanh chóng đổi đời, thế nhưng tôm nuôi ngày càng phát sinh dịch bệnh và có chiều hướng lao dốc... khiến họ trắng tay.

Người nuôi tôm cần áp dụng đúng quy trình kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng

Nghề nuôi trồng thủy sản nói chung và nuôi tôm nước lợ nói riêng trên địa bàn tỉnh hiện nay gặp rất nhiều khó khăn, rủi ro do biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường. Cùng với đó, người nuôi tôm chịu thách thức ngày càng cao của thị trường.

Người nuôi quan tâm nhiều yếu tố

Hiện nay, người nuôi tôm gặp khó khăn do nhiều yếu tố: Tôm giống, thức ăn qua nhiều khâu trung gian tăng từ 20-30% so với giá gốc, tỷ lệ ao nuôi trúng chưa cao, việc kiểm tra các chất cấm, chất hạn chế dư lượng ở tất cả thị trường lớn ngày càng chặt chẽ từ tần suất kiểm tra đến cách kiểm tra,… Đó là những thách thức đòi hỏi người nuôi tôm phải vượt qua nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường.

Để giải quyết bài toán trên, nuôi tôm thành công và trở thành một nghề bền vững, người nuôi cần xem xét và thực hiện tốt các yếu tố: Con giống; dinh dưỡng cho tôm; chất lượng nước ao nuôi; quản lý dịch bệnh và các tác động khác từ bên ngoài.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh - Nguyễn Thanh Toàn cho biết: “Hiện nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên sức tiêu thụ tôm thương phẩm giảm mạnh, giá tôm thấp nhiều so với trước. Hiện tại, diện tích nuôi tôm thấp hơn so cùng kỳ năm trước, giá tôm sú, thẻ giảm mạnh nên đa số người nuôi tôm thu hoạch không đạt hiệu quả cao, lợi nhuận thấp, một số bị lỗ. Tuy hóa chất chống dịch có đủ nhưng người nuôi khai báo chống dịch không triệt để vì còn nghi ngại khi xử lý dịch bệnh sẽ tồn lưu hóa chất làm chai đất ao nuôi nên khi tôm chết thì âm thầm xả bỏ ra môi trường, không qua xử lý khiến mầm bệnh luôn tồn lưu làm tăng nguy cơ lây lan rộng trong vùng nuôi. Mặc dù đã tuyên truyền, khuyến cáo thường xuyên các quy định pháp luật trong lĩnh vực thủy sản, chấp hành kiểm dịch tôm giống theo đúng quy định nhưng vẫn còn tình trạng người nuôi tôm không chấp hành, vẫn mua con giống không có giấy chứng nhận kiểm dịch; mua tôm giống, thuốc thú y thủy sản, chế phẩm sinh học trực tiếp thông qua các tiếp thị của các công ty đến tận ao nuôi, việc này gây khó khăn cho công tác quản lý chất lượng, tiềm ẩn rủi ro thiệt hại cho người dân. Một số địa phương chưa quan tâm nhiều, chưa quyết liệt chỉ đạo trong công tác quản lý chất lượng tôm giống, vật tư phục vụ nuôi thủy sản, trong khi cơ quan quản lý cấp tỉnh (Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản) do địa bàn rộng, lực lượng mỏng nên không thể thường xuyên và quán xuyến hết công tác quản lý ở địa phương”.

Cũng theo ông Toàn, thời gian tới, để giảm thiểu các tác động tiêu cực cho sản xuất tôm, địa phương cần thông tin, tuyên truyền đến người nuôi một số giải pháp sau: Thường xuyên cập nhật diễn biến mực nước, mức độ mặn và xâm nhập mặn để chủ động có kế hoạch sản xuất phù hợp. Những khu vực nước quá mặn, các ao đang nuôi áp dụng giải pháp kỹ thuật: Mô hình nuôi ít thay nước; chăm sóc, quản lý tốt môi trường ao nuôi, đặc biệt là quản lý thức ăn; tăng cường sử dụng vi sinh cải thiện chất lượng nước, hạn chế việc thay nước thường xuyên.

Đối với khung mùa vụ nuôi tôm sú, tôm chân trắng: Thời gian thả giống bắt đầu từ ngày 03-01 (nhằm ngày 09-12-2019 Âm lịch) đến 16-9-2020 (nhằm ngày 29-7-2020 Âm lịch); thời gian nuôi tôm nước lợ bắt đầu từ ngày 03-01 (nhằm ngày 09-12-2019 Âm lịch) đến  30-11-2020 (nhằm ngày 16-10-2020 Âm lịch).

“Đối với tôm sú thả nuôi 2 vụ/năm, mật độ thả từ 15-25 con/m2; tôm chân trắng thả nuôi 2 vụ/năm, mật độ thả từ 60-80 con/m2 và chỉ được nuôi ở những vùng chủ động nguồn nước, có hệ thống quạt nước, ao lắng, người nuôi thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời, sử dụng thức ăn, thuốc, chế phẩm sinh học, con giống có nguồn gốc rõ ràng, riêng con giống phải được thuần dưỡng phù hợp với điều kiện môi trường nuôi của địa phương, đã được chứng nhận kiểm dịch của cơ quan thú y. Người nuôi không giấu dịch và phải khai báo kịp thời với địa phương, cơ quan thú y khi tôm nuôi bị chết hoặc có triệu chứng bất thường. Không xả nước ao nuôi bị bệnh và thủy sản bệnh chết ra môi trường khi chưa qua xử lý tiêu diệt mầm bệnh. Bên cạnh đó, thường xuyên theo dõi, thông tin quan trắc môi trường nước để chủ động lấy nước vào ao xử lý trước khi thả giống, lấy nước vào ao lắng; bổ sung vitamin, khoáng, giải độc gan và men đường ruột vào thức ăn để tăng cường sức đề kháng cho tôm nuôi” - ông Toàn nói thêm.

Để nuôi tôm đạt hiệu quả

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Đinh Thị Phương Khanh cho biết, nhằm bảo đảm duy trì diện tích và sản lượng tôm trong năm 2020, ngành nông nghiệp đã xây dựng khung lịch thời vụ và tổ chức các đợt quan trắc môi trường nước phục vụ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh để thông tin, khuyến cáo kịp thời đến các địa phương; chủ động thực hiện các giải pháp phát triển nuôi tôm nước lợ từ khâu tuyên truyền, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, quan trắc môi trường nước, phòng, chống dịch bệnh, thanh, kiểm tra vật tư đầu vào, quản lý chặt chẽ con giống và tổ hợp tác, hợp tác xã,... cho đến việc xây dựng chuỗi liên kết. Mục tiêu đặt ra là phát triển ổn định tôm nước lợ, hạn chế thiệt hại cho tôm nuôi; thường xuyên cập nhật, thử nghiệm và chuyển giao, giới thiệu cho người nuôi những kỹ thuật, mô hình nuôi tiến bộ, hiệu quả; hướng dẫn người nuôi về các giải pháp kỹ thuật, tổ chức sản xuất và theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, khí hậu, dịch bệnh...; tập trung phát triển ngành tôm theo hướng sản xuất sạch, ứng dụng công nghệ cao.

Mặt khác, sở yêu cầu Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản phối hợp địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra cơ sở sản xuất, ươm dưỡng tôm giống, cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường trong nuôi trồng thủy sản và xử lý nghiêm trường hợp vi phạm; tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra, cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ươm dưỡng giống tôm; giấy xác nhận đăng ký đối tượng thủy sản nuôi chủ lực, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện nuôi trồng thủy sản theo quy định; thẩm định, chứng nhận các cơ sở nuôi tôm nước lợ đủ điều kiện an toàn thực phẩm được phân công quản lý.

Đồng thời, phối hợp các địa phương trong công tác phòng, chống dịch bệnh thủy sản nuôi; tổ chức lấy mẫu giám sát, khoanh vùng, xử lý dịch bệnh không để lây lan; đẩy mạnh tuyên truyền cho tập thể, cá nhân các hộ nuôi tôm thực hiện “3 không”: Không giấu dịch bệnh, xả nước thải chưa qua xử lý và xả bỏ tôm chết, tôm bệnh ra môi trường; tổ chức kiểm soát hiệu quả các bệnh trên tôm nuôi; tăng cường kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển giống thủy sản; thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc thú y thủy sản và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm,...

“Bên cạnh đó, các địa phương chú trọng tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, khuyến khích nông dân ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng trong nuôi tôm” - bà Khanh nói thêm./.

Huỳnh Phong - Bùi Tùng - Kim Thoa

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích