Tiếng Việt | English

23/03/2020 - 11:31

Hạn, mặn gây xáo trộn cuộc sống người dân

Bài Cuối: Không lơ là trong phòng, chống hạn, mặn

Theo nhận định của Tổng cục Khí tượng - Thủy văn và Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, tình hình xâm nhập mặn mùa khô 2019-2020 ở mức sớm và nặng hơn so với trung bình nhiều năm. Tại Long An, hạn, mặn gây ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của người dân: Hơn 8.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt, hàng ngàn hécta cây trồng thiếu nước tưới, hàng trăm hécta lúa mất trắng. Bên cạnh đó, nắng hạn gây sạt lở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh.Trước tình hình trên, chính quyền và ngành chức năng tỉnh triển khai nhiều giải pháp ứng phó.

Theo đó, độ mặn hiện nay trên các sông, rạch của tỉnh đang lên theo kỳ triều cường. Ranh giới độ mặn 4g/l sẽ xâm nhập sâu vào nội đồng hơn 111km ở sông Vàm Cỏ Tây khu vực xã Thủy Đông, xã Thuận Nghĩa Hòa, huyện Thạnh Hóa; xâm nhập sâu hơn 97km ở sông Vàm Cỏ Đông khu vực xã Hựu Thạnh, huyện Đức Hòa. Ranh giới độ mặn 1g/l sẽ xâm nhập sâu vào nội đồng hơn 130km ở sông Vàm Cỏ Tây khu vực xã Thạnh Phú, huyện Thạnh Hóa; xâm nhập sâu hơn 119km ở sông Vàm Cỏ Đông khu vực xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa, xã Bình Hòa Bắc, huyện Đức Huệ. Dự báo, nắng nóng kéo dài kết hợp với gió mạnh và triều cường tháng 2 Âm lịch có khả năng đẩy độ mặn xâm nhập sâu, nhanh và mạnh vào các cửa sông và nội đồng. Mức độ rủi ro thiên tai do xâm nhập trên hệ thống các sông Long An sẽ ở cấp độ 2.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Thanh Truyền cho biết, trên cơ sở dự báo tình hình khí tượng - thủy văn mùa khô 2019-2020 của ngành chức năng Trung ương và địa phương, ngay trước mùa khô này, tỉnh xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch phòng, chống hạn, xâm nhập mặn, phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh trên địa bàn, hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại, ổn định sản xuất. Theo đó, thủy lợi được xác định là giải pháp quan trọng, hiệu quả nhất trong số các giải pháp ứng phó với hạn, mặn đến thời điểm hiện nay.

Lãnh đạo tỉnh và ngành chức năng, địa phương kiểm tra sạt lở ở huyện Tân Trụ

Theo Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy lợi tỉnh - Võ Kim Thuần, các địa phương vùng bị ảnh hưởng mặn ngay từ đầu vụ đã chủ động hoàn thành gia cố, đắp mới các đập ngăn mặn theo thời vụ để bảo vệ lúa vụ Đông Xuân 2019-2020 và tiếp tục phòng, chống hạn, mặn cho vụ Hè Thu 2020. Hiện nay, tình hình hạn, mặn đã gây ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của người dân. Việc cấp bách cần làm ngay trong lúc này là chính quyền các địa phương phải tập trung cấp nước uống, sinh hoạt cho người dân, không để dân thiếu nước sử dụng; khuyến cáo người dân tranh thủ tối đa diễn biến con nước lớn, ròng để tích trữ nước cứu ruộng vườn. Về lâu dài cần rà soát, điều chỉnh quy hoạch tổng thể vùng, từng tiểu vùng, ngành, nhất là quy hoạch sản xuất, hạ tầng thủy lợi, giao thông. Trong sản xuất nông nghiệp cần dịch chuyển lịch thời vụ để “né” hạn, mặn, sử dụng giống phù hợp điều kiện hạn, mặn và mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi hiệu quả kinh tế hơn cây lúa, kèm theo là các giải pháp kỹ thuật, tín dụng, gắn với thị trường tiêu thụ nông sản để bảo đảm sự thích nghi, chuyển đổi thành công.

Trước tình hình này, tỉnh tiếp tục chỉ đạo các huyện, thành phố tập trung theo dõi chặt chẽ tình hình khô hạn, xâm nhập mặn và chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó kịp thời theo phương châm “4 tại chỗ”, không lơ là, chủ quan. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân kiểm tra chất lượng nước trước khi bơm tưới, tích trữ sử dụng nguồn nước một cách khoa học, tiết kiệm và hợp lý, bảo vệ tốt, an toàn vụ Đông Xuân 2019-2020 và vụ Hè Thu 2020 để không ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng lúa, gạo.

Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng chỉ đạo đơn vị chức năng quan trắc môi trường đúng định kỳ, cập nhật thông tin về tình hình nguồn nước, hạn, xâm nhập mặn để chủ động ứng phó; theo dõi, kiểm tra chặt chẽ và tiếp tục đắp đập trên những tuyến kênh, rạch có khả năng xâm nhập mặn vào nội đồng, khuyến cáo nông dân không bơm tưới nước cho lúa có độ mặn trên 2‰, không xuống giống sớm vụ lúa Hè Thu 2020. Theo dõi tình hình thời tiết, thiên tai, xâm nhập mặn, tổ chức đo mặn trên các tuyến sông, tham mưu kịp thời các phương án, biện pháp chủ động phòng, chống, ứng phó thiên tai; tập trung công tác phòng, chống, ứng phó bão, áp thấp nhiệt đới, sạt lở, mưa lớn, giông, lốc xoáy, triều cường; tham mưu UBND tỉnh ban hành Chỉ thị công tác phòng, chống thiên tai năm 2020. Thường xuyên theo dõi, cập nhật, kiểm tra, đề xuất xử lý các khu vực xung yếu có nguy cơ sạt lở cao, mất an toàn để tham mưu kịp thời Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai (PCTT) và Tìm kiếm, cứu nạn tỉnh hướng xử lý khắc phục, bảo đảm an toàn cho cộng đồng dân cư; tổng hợp nhu cầu sử dụng Quỹ PCTT từ các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã và thành phố. Triển khai công tác lập Kế hoạch thu, nộp Quỹ PCTT năm 2020; trực PCTT thông tin kịp thời đến các cơ quan, đơn vị liên quan diễn biến của thiên tai, thời tiết nguy hiểm nhằm chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống, ứng phó kịp thời, hiệu quả. Quản lý, cập nhật thông tin website PCTT tỉnh.

Để bảo đảm nguồn nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp, UBND tỉnh kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Tiếp tục đầu tư các cống ngăn mặn còn lại dọc tuyến Quốc lộ 62, gồm 5 cống: Bà Định, Thủ Cồn, La Khoa, Bến Kè, Rạch Chùa - Trần Lệ Xuân để chủ động điều tiết, ngăn mặn trữ ngọt cho vùng dự án Bắc Đông thuộc 2 tỉnh Long An, Tiền Giang (BQL dự án Thủy lợi 10 đã và đang thi công 2 cống Bà Hai Màng và Ông Nhượng). Ghi kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025 gồm 13 công trình, tổng kinh phí khoảng 1.226,918 tỉ đồng, trong đó, ưu tiên 2 công trình với tổng kinh phí khoảng 420,82 tỉ đồng, gồm: Trạm bơm cấp nước ngọt chống hạn cho vùng dự án Nhựt Tảo - Tân Trụ, xây dựng hệ thống xi phông kết hợp trạm bơm chuyển nước ngọt từ đập Rạch Chanh đi ngầm dưới đáy sông Vàm Cỏ Tây qua xã Hướng Thọ Phú kết nối vào hệ thống thủy lợi Nhựt Tảo - Tân Trụ để trữ cho hệ thống kênh, rạch khép kín của phía Nam huyện Thủ Thừa và toàn bộ huyện Tân Trụ, kinh phí khoảng 150,818 tỉ đồng; cải tạo và nâng cấp kênh Hồng Ngự (đoạn qua địa bàn tỉnh Long An) với tổng chiều dài 15.800m, nhu cầu kinh phí khoảng 270 tỉ đồng./.

Huỳnh Phong - Bùi Tùng

Chia sẻ bài viết