Tiếng Việt | English

08/06/2015 - 08:00

Bài học từ một vụ án oan

Hơn 2 năm trước, tòa án nhân dân (TAND) huyện Cần Giuộc đã tiến hành bồi thường xong thiệt hại cho bà đoàn thị ba ở ấp Phước Kế, xã Phước Lâm, huyện Cần Giuộc. Nguyên nhân trước đó, bà ba đã bị tòa kết án oan 6 tháng tù giam. Qua vụ việc này, thẩm phán trực tiếp xét xử vụ án, cũng như 3 cơ quan tố tụng ở huyện phải rút kinh nghiệm để tránh xảy ra những vụ việc tương tự. Tuy nhiên, dư âm của vụ việc vẫn còn, bởi đến nay, vấn đề thành lập hội đồng để xác định mức hoàn trả của người thi hành công vụ có gây ra thiệt hại để bù vào số tiền ngân sách nhà nước đã ứng trả cho bà ba vẫn chưa thực hiện được.

Chánh án TAND huyện Cần Giuộc-Đặng Văn Những thông tin về vụ án oan của bà Đoàn Thị Ba

Chứng Cứ yếu nhưng vẫn bị giam 6 tháng

Theo hồ sơ, rạng sáng ngày 6-12-2010, nhà bà Phạm Thị Hạnh ở ấp Phước Kế bị trộm đột nhập lấy cắp số tài sản gồm: 1 bóp đựng số tiền 2,4 triệu đồng, 1 hộp đựng Album hình bên trong có 400 ngàn đồng, 2 đồng hồ đeo tay, 2 chiếc nhẫn vàng 24k (trọng lượng mỗi chiếc 5 phân), 1 sợi dây chuyền 1 chỉ 7 phân và 1 ly vàng 18k, 1 đôi bông tai vàng 18k trọng lượng 3 phân 6 ly, 1 nhẫn kiểu vàng 18k trọng lượng 3 phân 7 ly, 1 chiếc lắc vàng xi mạ, 1 bóp nam có 150 ngàn đồng và các giấy tờ tùy thân.

Sau khi phát hiện tài sản bị mất, bà Hạnh đến các tiệm vàng trên địa bàn để tìm kiếm. Đến khoảng 8 giờ cùng ngày, bà Hạnh đến tiệm vàng Kim Phượng ở xã Mỹ Lộc thì phát hiện bà Đoàn Thị Ba đang bán hai chiếc nhẫn của mình nên đã báo Công an xã Phước Lâm giải quyết. Qua làm việc, Công an xã Phước Lâm thu giữ 2 chiếc nhẫn và 1 đồng hồ đeo tay hiệu Rado màu trắng và số tiền 11 triệu 50 ngàn đồng. Đồng thời, kiểm tra giỏ xách bà Đoàn Thị Ba thì phát hiện bên trong có 1 sợi dây chuyền, 1 đôi bông tai, 1 nhẫn kiểu nên công an xã đã tiến hành thu giữ.

Qua quá trình điều tra, bà Đoàn Thị Ba không thừa nhận vào nhà bà Phạm Thị Hạnh để lấy cắp số tài sản trên, mà cho rằng, bà có số tài sản này là do nhặt được khi đang trên đường ra chợ Phước Kế vào sáng sớm cùng ngày.

Tại giám định giá tài sản ngày 1-3-2011 của Hội đồng định giá tài sản huyện Cần Giuộc xác định số tài sản gồm 1 chỉ vàng 24k; 2,44 chỉ vàng 18k và 1 đồng hồ đeo tay trị giá 10 triệu 240 ngàn đồng. Sau đó, bà Phạm Thị Hạnh đã nhận lại toàn bộ tài sản bị mất do Cơ quan Cảnh sát điều tra thu giữ được. 

Ngày 18-3-2011, bà Đoàn Thị Ba đã bị Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) huyện Cần Giuộc truy tố về tội “Trộm cắp tài sản” theo quy định tại khoản 1 điều 138 Bộ luật Hình sự. Sau đó, ngày 24-5-2011, TAND huyện Cần Giuộc mở phiên xét xử sơ thẩm và phân công thẩm phán N.T.K.L xét xử. Bản án hình sự sơ thẩm kết án bà Ba 6 tháng tù giam. Nhưng sau đó, bà Đoàn Thị Ba kháng cáo kêu oan.

Xin lỗi công khai và bồi thường hơn 38 triệu đồng

Tại bản án hình sự phúc thẩm ngày 1-9-2011, TAND tỉnh đã hủy bản án sơ thẩm với lý do điều tra chưa đầy đủ nên chưa đủ căn cứ kết luận bị cáo phạm tội “Trộm cắp tài sản”. Qua đó, giao hồ sơ về cho VKSND huyện Cần Giuộc điều tra lại. Nhưng do không bổ sung được gì nên ngày 12-3-2012, cơ quan này đã ra quyết định đình chỉ vụ án đối với bị cáo Đoàn Thị Ba.

Ngay sau đó, các cơ quan tố tụng huyện Cần Giuộc đã tiến hành họp và rút kinh nghiệm. Nhưng đến ngày 5-4-2012, bà Đoàn Thị Ba có đơn yêu cầu bồi thường oan sai vì đã làm ảnh hưởng đến quyền tự do, nhân phẩm, danh dự của bà (bị tạm giam 6 tháng).

Qua xem xét, trách nhiệm bồi thường vụ việc này thuộc về TAND huyện nên ngày 25-4-2012, tòa này đã thành lập Hội đồng bồi thường thiệt hại và xin lỗi công khai. Ngày 26-4-2012, qua thương lượng giữa TAND huyện với bà Đoàn Thị Ba, hai bên đã thống nhất số tiền bồi thường là hơn 38 triệu 370 ngàn đồng. Ngày 27-4-2012, TAND huyện đã ra quyết định bồi thường thiệt hại cho bà Đoàn Thị Ba và đến ngày 20-9-2012 đã tổ chức xin lỗi công khai và chi trả số tiền trên cho bà Ba.

Về vụ việc này, các cơ quan tố tụng của huyện này cũng đã nhìn nhận những thiếu sót. Theo Trung tá, Phó trưởng Công an huyện Cần Giuộc – Huỳnh Văn Chúc, trong vụ việc này, điều tra viên còn yếu kém trong đánh giá chứng cứ ban đầu.

Còn bà Nguyễn Thị Hồng Điệp – Viện trưởng VKSND huyện Cần Giuộc thì cho rằng: “Ở vụ việc này, các cơ quan tố tụng đã quá nóng vội, chủ quan khi quyết định khởi tố, truy tố bà Đoàn Thị Ba”. Ông Đặng Văn Những - Chánh án TAND huyện Cần Giuộc nhìn nhận: “Ở vụ việc này chứng cứ còn non, nhưng những người có liên quan lại sơ hở trong đánh giá chứng cứ. Tòa án cũng chỉ rõ cá nhân thẩm phán N.T.K. L (người xét xử phiên sơ thẩm) có lỗi trong việc kết án oan đối với bà Đoàn Thị Ba. Bên cạnh đó, còn những nguyên nhân khác như cơ quan điều tra khởi tố, VKSND cùng cấp truy tố trong khi điều tra chưa đầy đủ, căn cứ kết tội chưa vững chắc. Đáng lẽ ra với những chứng cứ còn non thì từ đầu giữa 3 cơ quan tố tụng phải có cuộc họp trao đổi án theo quy chế liên ngành”.

Được biết, về phía TAND huyện Cần Giuộc sau đó đã tổ chức nhiều cuộc họp kiểm điểm để rút kinh nghiệm. Các thẩm phán lấy đó làm bài học trong quá trình giải quyết, xét xử các vụ án khác, cũng như phải thường xuyên học hỏi chuyên môn nghiệp vụ để đáp ứng công việc.

“Việc xử lý đối với thẩm phán xét xử vụ án là N.T.K.L hiện mới chỉ dừng lại ở việc tổ chức họp đánh giá nguyên nhân dẫn đến xét xử oan, sai. Đồng thời, lấy ý kiến của tập thể cán bộ, công chức TAND huyện về vấn đề có xử lý kỷ luật và buộc thẩm phán này có trách nhiệm cá nhân bồi thường oan, sai hay không. Tuy nhiên, đến nay chưa thành lập Hội đồng để xác định mức hoàn trả của người thi hành công vụ có lỗi gây ra thiệt hại để bù vào số tiền ngân sách Nhà nước đã ứng trả cho bà Ba. Hướng tới sẽ xin hướng dẫn của cấp trên để thực hiện bước này càng sớm càng tốt” - Chánh án TAND huyện Cần Giuộc - Đặng Văn Những cho biết thêm.

Lê Đức

Chia sẻ bài viết