Tiếng Việt | English

14/08/2015 - 08:32

Bài trừ những hủ tục, biến tướng trong việc cưới, việc tang

Việc cưới, việc tang là sự kiện quan trọng trong đời người, ai cũng muốn tổ chức chu đáo, trang trọng. Tuy nhiên, hiện nay nhiều giá trị văn hóa truyền thống trong tổ chức những nghi lễ quan trọng này đang bị mai một, biến tướng. Do đó, trách nhiệm của con cháu chúng ta kế thừa những giá trị văn hóa của ông cha từ ngàn xưa để lại, phải ra sức giữ gìn và phát huy trong thời đại mới.

Sự biến tướng trong tổ chức việc cưới, việc tang diễn ra ngày càng nhiều. Tiệc cưới vốn để người thân, bạn bè chúc mừng đôi bạn trẻ xây dựng tổ ấm riêng. Tuy nhiên, không ít gia đình lợi dụng việc này để phô trương gia thế, gây nhiều tốn kém, lãng phí.

Việc tang cũng vậy, vốn là truyền thống tốt đẹp, thể hiện sự thành kính của người sống dành cho người mất. Lễ tang luôn gắn với sự trang nghiêm, bi ai, nhưng nhiều gia đình có tang lại tổ chức tiệc tùng linh đình, dàn nhạc lễ tấu những bản nhạc không phù hợp, gây mất ý nghĩa vốn có của nó. Đó là chưa kể đến việc quàn cữu dài ngày, tổ chức những màn biểu diễn xiếc, ảo thuật, múa lân,... gây không ít bức xúc trong dư luận.

Đành rằng, văn hóa có sự tiếp biến, nhưng chúng ta phải biết tiếp nhận những gì là tinh hoa của nhân loại, phù hợp truyền thống dân tộc. Như ngày xưa, tang phục có “ngũ phục” nhưng nay có sự giản tiện rất nhiều, đôi khi con cháu chỉ chít vành khăn trắng hay đeo miếng vải đen trước ngực nhưng vẫn được cộng đồng chấp nhận, bởi điều ấy phù hợp với thời đại.

Còn những trò khóc thuê, biểu diễn xiếc,... trong đám tang thì bị lên án, bởi nó trái với thuần phong mỹ tục. Hay trong tiệc cưới trước đây, mọi người đến cùng phụ giúp công việc, chuyện trò vui vẻ; nay thì phải chịu cảnh đinh tai nhức óc của dàn nhạc sống, nhiều người lớn tuổi phải bỏ tiệc giữa chừng vì... lên cơn đau tim.

Vấn đề đặt ra ở đây chính là tỷ lệ hộ gia đình, ấp, khu phố, xã, phường, thị trấn đạt chuẩn văn hóa ngày càng tăng cao nhưng những cái không thuộc về văn hóa ấy lại xuất hiện ngày càng nhiều. Thậm chí, nó còn diễn ra ở những gia đình cán bộ, đảng viên. Vậy trách nhiệm của các địa phương, ngành chủ quản, ý thức cộng đồng ở đâu?

Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc là trách nhiệm của các thế hệ hôm nay và mai sau. Khi chúng ta đang nỗ lực thực hiện Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” (Nghị quyết số 33-NQ/TƯ), thì những yêu cầu ấy càng được đặt ra hơn bao giờ hết.

Do đó, các địa phương, ngành chủ quản cần tăng cường công tác quản lý, tuyên truyền, vận động để nâng cao ý thức trong nhân dân. Đặc biệt, mỗi người chúng ta cần nâng cao nhận thức trong giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống của dân tộc. Bởi nhân cách mỗi người được hình thành từ truyền thống văn hóa, có giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc thì đất nước mới phát triển bền vững, vị thế quốc gia mới luôn được khẳng định./.

Từ Nguyên

Chia sẻ bài viết