Tiếng Việt | English

10/10/2019 - 09:50

Bạn bè và người thân - chỗ dựa của người trầm cảm

Theo dự báo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đến năm 2020, trầm cảm là căn bệnh xếp thứ hai trong số những căn bệnh phổ biến toàn cầu với 121 triệu người mắc bệnh. Làm thế nào để nhận biết, điều trị sớm và phòng tránh căn bệnh này là nội dung mà phóng viên (PV) trao đổi với Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Long An - bác sĩ (BS) CKI. Nguyễn Đình Mỹ.

Áp lực công việc là một trong những nguyên nhân dẫn đến bệnh trầm cảm
Áp lực công việc là một trong những nguyên nhân dẫn đến bệnh trầm cảm

 PV: Thưa BS, thế nào là bệnh trầm cảm?

BS Nguyễn Đình Mỹ: Trầm cảm là bệnh lý của rối loạn cảm xúc, giảm khí sắc. Trong cuộc sống, trầm cảm thường được xem là dấu hiệu của sự yếu đuối hơn, cho thấy đã có sự mất cân bằng trong cảm xúc.Vì thế, ngoài chẩn đoán chính xác, người bệnh trầm cảm phải được điều trị và chăm sóc hiệu quả, đúng cách.

 PV: Những biểu hiện thường gặp của bệnh trầm cảm là gì, thưa BS?

BS Nguyễn Đình Mỹ: Biểu hiện của bệnh trầm cảm rất đa dạng. Người mắc bệnh trầm cảm khi quan sát sẽ thấy giảm khí sắc, nét mặt trầm buồn, chán nản, cử chỉ chậm chạp. Họ cảm giác lo lắng vô cớ, thấy cô độc, lẻ loi, nặng nề trong lòng, hay bi quan, mất hứng thú trong cuộc sống. 

Mất ngủ là triệu chứng hay gặp nhất, chiếm 95% số trường hợp bệnh nhân trầm cảm. Bệnh nhân cảm thấy trằn trọc, khó đi vào giấc ngủ mặc dù đôi khi cảm thấy rất buồn ngủ, thức dậy sớm hơn bình thường. Họ cũng mất cảm giác ngon miệng, chán ăn, gầy và sút cân. Một số ít có cảm giác thèm ăn, ăn nhiều hơn bình thường dẫn đến tăng cân. Đầu óc khó tập trung, do dự không “quyết” được, không đối phó được, hay quên. Người bệnh cũng hay than phiền nhức đầu, mỏi cổ, mỏi gáy, hồi hộp, nhức mỏi nhưng khi đi khám bác sĩ đa khoa hay tự mua thuốc uống vẫn không hết.Có người cảm thấy lo lắng vô cớ, ám ảnh bệnh tật vô lý, có từng cơn sợ sệt nhưng lại dễ giận, cáu gắt.

 PV: Ngoài các dấu hiệu trên, người bệnh trầm cảm có những biểu hiện gì trong công việc, thưa BS?

BS Nguyễn Đình Mỹ: Người bệnh trầm cảm thường có cảm giác mệt mỏi, giảm khả năng tập trung, vì vậy hiệu quả công việc giảm sút. Cảm giác mệt mỏi thường nặng hơn vào buổi sáng do bị mất ngủ hoặc giấc ngủ chập chờn. Người bệnh không còn hứng thú với công việc, cả những việc mà trước đây họ rất thích, rất quan tâm.Giao tiếp miễn cưỡng, né tránh lời thăm hỏi, gắng gượng làm hết việc, cảm thấy bế tắc.

Họ dễ nổi giận vô cớ với đồng nghiệp, những người xung quanh, có những cơn sợ hãi, ngại giao tiếp, ít quan tâm đến người khác nhưng lại đòi hỏi cao về những người khác. Hình thức bên ngoài thì ăn mặc lôi thôi, lếch thếch, không quan tâm đến vệ sinh thân thể. 

 PV: Người mắc bệnh trầm cảm có tự làm nguy hiểm cho bản thân không, thưa BS?

BS Nguyễn Đình Mỹ: Điều này là có thể. Người bệnh trầm cảm thường có suy nghĩ tiêu cực, cảm giác vô dụng, tội lỗi.Họ chán nản, không còn niềm tin vào bản thân và tương lai. Hầu hết bệnh nhân trầm cảm dễ bị tổn thương, cảm giác tuyệt vọng không có lối thoát, dần dần tự nghĩ rằng chết đi cho đỡ đau khổ và có thể dẫn đến hành vi tự sát.

Nếu ai có từ 5 dấu hiệu như trên mà kéo dài ít nhất 2 tuần trở lên thì tôi khuyên hãy đến khám bệnh tại chuyên khoa tâm thần. Những người có ý đồ tự tử hoặc đã tự tử không thành công phải đưa đi khám và điều trị ngay vì thường do trầm cảm hoặc stress tâm lý nặng.

Khi có đấu hiệu trầm cảm, phải đến khám đúng chuyên khoa để được điều trị sớm

Khi có đấu hiệu trầm cảm, phải đến khám đúng chuyên khoa để được điều trị sớm

 PV: Thưa BS, những ai dễ mắc bệnh trầm cảm?

BS Nguyễn Đình Mỹ: Độ tuổi nào và ai cũng có thể mắc bệnh này. Theo thống kê, phụ nữ mắc bệnh nhiều hơn nam giới gấp 2 lần.

Một người có thể mắc bệnh trầm cảm sau một sang chấn tâm lý hay sau tổn thương cơ thể. Phụ nữ sau sinh khoảng vài tuần mắc bệnh trầm cảm chiếm tỷ lệ không nhiều nhưng khá trầm trọng.Các bạn trẻ trong độ tuổi học sinh, sinh viên cũng có thể mắc bệnh trầm cảm.Người cao tuổi dễ bị trầm cảm nhưng ít được quan tâm đến các biểu hiện phiền muộn, đau đớn, chậm chạp, ít nói, quên lẫn vì thường lầm với bệnh già.Người bệnh tâm thần phân liệt cũng có thời kỳ bị trầm cảm.

 PV: Nguyên nhân nào gây nên bệnh trầm cảm, thưa BS?

BS Nguyễn Đình Mỹ: Trầm cảm do các nguyên nhân sau gây nên:

Do nội sinh. Có nhiều giả thuyết cho rằng, do di truyền, yếu tố tự miễn, môi trường sống, xã hội nhưng chưa có bằng chứng thực sự rõ ràng. Thường gặp nhất đó là trầm cảm do căng thẳng. Với người trưởng thành, thường do áp lực công việc quá lớn, sự nghiệp thất bại, tiền, tài sản mất trắng, lâm vào nợ nần hoặc mất đi người thân, hôn nhân đổ vỡ, con cái hư hỏng, bất hòa kéo dài,... Trẻ em thường do áp lực học tập quá lớn, áp lực từ cha mẹ, thầy cô,... Với người cao tuổi có thể do bệnh tật, mặc cảm về tuổi già, bị cô đơn, không được con cháu quan tâm,…

Một người cũng có thể mắc bệnh trầm cảm sau tổn thương cơ thể như chấn thương sọ não, mất một bộ phận thân thể, bị hủy hoại dung nhan,...Trầm cảm cũng có thể không rõ nguyên nhân.

 PV: Nguy hiểm của bệnh trầm cảm là gì, thưa BS?

BS Nguyễn Đình Mỹ: Nhiều nghiên cứu cho thấy, trầm cảm có thể dẫn đến bệnh tim, thậm chí làm tăng nguy cơ đau tim. Khoảng 20% người bệnh tiểu đường cũng có trầm cảm.Nếu không điều trị kịp thời, hai bệnh này kết hợp sẽ gây nhiều biến chứng nguy hại cho sức khỏe.

Nguy cơ béo phì ở những người mắc chứng trầm cảm, chán nản rất cao.Thực tế cho thấy, 58% người mắc trầm cảm đều bị béo phì.Ngược lại, nếu đang bị béo phì thì khả năng mắc bệnh trầm cảm cũng cao hơn so với những người không chịu áp lực về cân nặng.

Trầm cảm trong thời gian dài có thể làm cho người bệnh sa sút về trí tuệ, đặc biệt với người cao tuổi. Theo một nghiên cứu của Mỹ, những người bị trầm cảm vào cuối đời có nguy cơ mắc bệnh Alzheimer tăng gấp 2 lần so với người bình thường.

Các bệnh nhân tuổi trung niên mắc bệnh trầm cảm có nguy cơ sa sút trí tuệ gấp 3 lần. Nếu không được điều trị kịp thời, người bệnh sẽ có nguy cơ lạm dụng các chất gây nghiện như rượu, bia, thuốc lá, ma túy,...

Theo thống kê cho thấy, 25% bệnh nhân ung thư có biểu hiện của trầm cảm. Một số nghiên cứu cho thấy, tác dụng của bệnh trầm cảm trên hệ thống miễn dịch của người bệnh có thể làm cho bệnh ung thư nặng hơn, nguy cơ tái phát cao hơn.

Các bệnh mãn tính, kéo dài thường phát sinh trầm cảm.Đau mạn tính có thể dẫn đến trầm cảm và nếu không được điều trị có thể làm cho cảm giác đau đớn thể xác rõ rệt hơn.
Cuối cùng, rủi ro nguy hiểm nhất do bệnh trầm cảm đó là tự tử. Nguy cơ tăng cao hơn khi lạm dụng các chất gây nghiện. Theo thống kê, 2/3 trường hợp tự tử đều có liên quan đến trầm cảm.

 PV: Vậy chúng ta có thể làm gì để giúp đỡ bệnh nhân trầm cảm? 

BS Nguyễn Đình Mỹ: Mọi người không nên coi nhẹ triệu chứng trầm cảm, hãy kể hết triệu chứng cho bạn bè, người thân để được giúp đỡ. Đối với những người có biểu hiện trầm cảm, gia đình cần theo dõi, giám sát người bệnh vì họ có thể có hành vi tự sát bất kỳ lúc nào, nhanh chóng đưa người bệnh khám bệnh chuyên khoa tâm thần để được chẩn đoán kịp thời, đừng mất thời gian uống thuốc theo toa không đúng chuyên khoa.

Động viên, an ủi, nâng đỡ người bệnh, cho uống thuốc đều, đúng chỉ định của BS. Việc hỗ trợ điều trị trầm cảm giúp bệnh nhân có tâm lý ổn định hơn, lạc quan hơn và kéo dài tuổi thọ hơn.

Cộng đồng không nên phân biệt, coi thường, trêu chọc và ngược đãi người bệnh.Giúp đỡ người bệnh khi gặp khó khăn, tạo việc làm phù hợp với tình trạng sức khỏe của họ.
Người bệnh không tự mua thuốc uống theo mách bảo vì tuy triệu chứng trầm cảm giống nhau nhưng mỗi người lại “hạp thuốc” khác nhau. Các thuốc an thần, thuốc cổ truyền không chữa được trầm cảm. Không được tự ngưng thuốc khi thấy “có tinh thần” trở lại, càng không nên tự ngưng thuốc đột ngột.

 PV: Xin cảm ơn BS!

Đối với những người có biểu hiện trầm cảm, gia đình cần theo dõi, giám sát vì họ có thể có hành vi tự sát bất kỳ lúc nào, nhanh chóng đưa người bệnh khám bệnh chuyên khoa tâm thần để được chẩn đoán kịp thời. Động viên, an ủi, nâng đỡ người bệnh, cho uống thuốc đều, đúng chỉ định của bác sĩ. Cộng đồng không nên phân biệt, coi thường, trêu chọc và ngược đãi người bệnh. Người bệnh không tự mua thuốc uống theo mách bảo vì tuy triệu chứng trầm cảm giống nhau nhưng mỗi người lại “hạp thuốc” khác nhau./.

Thanh Bình (thực hiện)

Chia sẻ bài viết