Tiếng Việt | English

14/01/2019 - 15:48

Bản đờn xuân trong căn nhà nhỏ

Bên dòng Cái Sơn, nép mình dưới bờ đê cao là căn nhà nhỏ của người đàn ông tàn tật sống cùng cô con gái nhỏ. Không có gì nổi bật, nhưng đó là nơi được nhiều người dân ở xã Long Thuận, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An và cả những xã khác biết đến, bởi nơi đó - nhà của thầy đờn Bùi Văn Cuộc, luôn văng vẳng những bản đờn tài tử buồn, vui.

Có cây đờn, cuộc sống của ông Bùi Văn Cuộc bớt phần tẻ nhạt, những điệu đờn, lời hát vui tươi làm tăng thêm hương vị cho cuộc sống vốn nhiều khó khăn, vất vả của ông

Có cây đờn, cuộc sống của ông Bùi Văn Cuộc bớt phần tẻ nhạt, những điệu đờn, lời hát vui tươi làm tăng thêm hương vị cho cuộc sống vốn nhiều khó khăn, vất vả của ông

1. Là người tàn tật nên cuộc sống của ông Cuộc hầu như chỉ bó hẹp trong căn nhà nhỏ, khi cần đi đâu hoặc có lời mời của ai đó đi chơi đờn, ông phải nhờ người khác đưa đi hoặc gia chủ trực tiếp đến rước tại nhà. Đôi mắt không nhìn thấy, lại cụt 2 chân nên việc đi lại của ông Cuộc chủ yếu dựa vào 1 chiếc chân giả, cây nạng gỗ và cây dò đường dành cho người khiếm thị. Bước đi vất vả, chậm chạp và cuộc sống gần như quanh quẩn trong 4 bức tường nhà, nhưng tiếng rao đờn và giọng ca của ông thì lúc khoan, khi nhặt, lúc trầm, khi bổng vượt ra khỏi khoảng không gian nhỏ hẹp bình thường.

Hớp ngụm trà, người đàn ông ngoài lục tuần kể: “Từ hồi những năm 90, tôi bị thương, rồi bị đau mắt, chạy chữa cũng nhiều nhưng không được. Thấy mình khiếm khuyết, lại sẵn có chút đam mê âm nhạc, tôi nghĩ mình nên học đờn, vừa để giải khuây và biết đâu lại giúp mình tự nuôi sống bản thân”. Nghĩ là làm, người thanh niên tật nguyền lúc bấy giờ lầm lũi tìm thầy học đờn, ca. Người sáng mắt học đờn đã khó, người khiếm thị lại càng khó hơn. Nhưng sẵn có đam mê, năng khiếu, chẳng bao lâu, ông đánh sành sõi các bản đờn, chơi được nhiều loại nhạc cụ: Ghita cổ, ghita tân nhạc, đờn kìm, đờn sến. Chỉ bởi đam mê dành cho đờn ca tài tử mà ngoài học đờn, ông Cuộc còn tự mày mò học hát. Không nhìn thấy rõ, không đọc được lời ca thì ông học bằng cách nghe ghi âm, tiếp thu nhận xét của những người trong giới, nghe các hướng dẫn trên radio.

2. Từ đó, cuộc đời ông gắn liền với âm nhạc, cụ thể là giai điệu đờn ca tài tử “ba nam, sáu bắc”. Có cây đờn, cuộc sống của ông bớt phần tẻ nhạt, những điệu đờn, lời hát vui tươi làm tăng thêm hương vị cho cuộc sống vốn nhiều khó khăn, vất vả của ông. Ông Cuộc kể: “Hồi đó, vì tôi chơi được nhiều loại đờn, hát cũng được nên nhiều người quý, hay mời đi đờn, hát giúp vui tại nhà. Nhờ vậy mà cuộc sống ổn định”. Cứ thế, ông trở thành thầy đờn, thầy hát từ khi nào bản thân ông cũng không nhớ rõ. Chỉ biết ở địa phương hay vùng lân cận, ai muốn ông giúp vui thì đến nhà rước ông đi, ai muốn học nghề thì đến tận nhà, học đờn ông dạy đờn, học hát ông dạy hát. Cứ như vậy, suốt mấy mươi năm, ông Cuộc lầm lũi trên con đường đờn ca tài tử của mình. Giọng ca, tiếng đờn của ông ở đất Thủ Thừa được nhiều người trong giới biết đến, bởi ông đoạt khá nhiều giải nhất, nhì về đờn, ca trong các cuộc thi do huyện tổ chức. Tự thấy mình thiệt thòi hơn người khác, cơ hội đi lại không nhiều nên có dịp được nghe góp ý, được học hỏi là ông rất trân trọng. Nhiều năm ông đoạt giải cao, đó là chút niềm vui của người đàn ông ở tuổi xế chiều. Ai có ngờ, người đàn ông tật nguyền, đậm chất nông dân kia đờn giỏi lại hát hay. Những luyến láy trong lời ca của ông hòa với tiếng đờn dìu dặt dễ làm say đắm lòng người.

3. Ông cứ nói dường như mình có “nợ” với đờn ca tài tử nên lúc nào cũng hết lòng, hết sức tự mình rèn luyện đờn, ca. Ở độ tuổi ngoài 60, ông vẫn chăm chỉ học bản đờn, bài ca mới. Cũng bằng cách nghe ghi âm rồi lầm lũi tự tập, tự học mà thôi. Ông không muốn mình trở nên “lỗi thời” trong mắt bạn bè và học trò của mình. Nói đến học trò, ông không nhớ rõ mình đã dạy cho bao nhiêu người đờn, hát, chỉ biết ai muốn học cứ tìm đến, ông sẽ tận tình chỉ bảo. Chút thù lao như là “trà nước” cho thầy, ông cũng không đòi hỏi, quy định hay bắt buộc, tất cả tùy ở học trò, bởi điều ông mong muốn nhất chính là giúp thêm nhiều người biết về đờn ca tài tử. Bởi biết đâu trong số những người theo học đó lại có người đặc biệt say mê bộ môn nghệ thuật truyền thống này như ông vậy.

Cứ thế, người đàn ông trong căn nhà nhỏ nép cạnh triền đê của dòng Cái Sơn âm thầm sống và cống hiến cho bộ môn nghệ thuật đờn ca tài tử, bởi đó là bộ môn nghệ thuật của dân tộc và được nuôi sống từ dân./.

Ông Bùi Văn Cuộc là người rất tâm huyết với đờn ca tài tử, nhân tố nổi bật trong phong trào văn nghệ quần chúng tại địa phương. Dù tàn tật nhưng ông rất nhiệt tình tham gia các hội thi cũng như truyền nghề cho người khác. Ông cũng là một trong những người nòng cốt xây dựng câu lạc bộ đờn ca tài tử trong xã”.

Chị Trần Thị Hồng Thắm, công chức Văn hóa - Xã hội xã Long Thuận, huyện Thủ Thừa

Phương Phương

Chia sẻ bài viết