Tiếng Việt | English

04/05/2016 - 10:13

Bán hàng đa cấp “Nỗi buồn” của những người tham gia

Nói đến hoạt động mua và bán hàng đa cấp, nhiều người tỏ ra e ngại. Tại Long An, số người tham gia mua và bán hàng đa cấp chưa được thống kê để có con số cụ thể. Nhưng có lẽ con số cũng không nhỏ. Theo Sở Công Thương, công tác kiểm tra, giám sát mạng lưới bán hàng đa cấp gặp nhiều khó khăn, do hoạt động bán buôn của các doanh nghiệp bán hàng đa cấp rất rộng, đa dạng, hàng hóa mua bán được thỏa thuận riêng và giao hàng đến tận tay người tiêu dùng, không có cửa hàng kinh doanh cụ thể.


Bán hàng đa cấp là hình thức người trước hưởng hoa hồng của người sau. Ảnh minh họa: Internet

"Nỗi buồn" đa cấp

Cô N.T.N, nhà ở thị trấn Cần Giuộc, huyện Cần Giuộc, thường xuyên đi tập thể dục mỗi buổi sáng. Cô N. kể, trước giờ có nghe mọi người nói về bán hàng đa cấp nhưng cô không thích tham gia vì tuổi cao. Tuy nhiên, vào đầu năm 2015, có một cô khoảng 40 tuổi, nhà ở xã Mỹ Lộc (Cần Giuộc) tiếp cận với cô tại nơi cô tập thể dục. Người này giới thiệu về một công ty mình đang là nhân viên với nhiều dịch vụ, thiết bị chăm sóc sức khỏe như massage, bấm huyệt,… rồi mời cô N. đi chăm sóc sức khỏe. Nếu ưng thuận thì mang theo tiền góp vốn mua các thiết bị chăm sóc sức khỏe cùng công ty. Người này cũng giải thích, nếu công ty có nhiều thiết bị thì nhiều người sẽ được chăm sóc sức khỏe tốt hơn. Bên cạnh đó, lãi suất được trả khi góp vốn rất cao và công ty sẽ nhanh chóng hoàn vốn cho người góp.

Theo cô N., tại TP.HCM nơi công ty T. đặt trụ sở hoạt động, chỉ có mấy cái máy massage, máng ngâm chân,… nhưng mọi người đến rất đông, người này chờ đợi người kia xuống để được lên nằm. Khác với lời giới thiệu, nhân viên tại công ty tư vấn cho cô N. mua các gói sản phẩm trị liệu với giá trên 50 triệu đồng. Sau khi được nghe những lời thuyết phục ngọt ngào, cô N. đồng ý ngay lần đầu tiên đặt chân tới công ty T. Sau khi ký tên vào các hợp đồng được nhân viên đưa ra, cô mới biết là mình bị lừa vào hoạt động bán hàng đa cấp, và trong hợp đồng không có mục nào thể hiện số tiền cô góp vào.

Sau lần ký hợp đồng, cô N. đến công ty T. đòi lại tiền và bị các nhân viên dọa dẫm, nhưng lần ấy cô lấy lại được khoảng 10 triệu đồng. Cô N. cũng đòi được cung cấp hóa đơn, nhưng nhân viên công ty nói đã làm mất. Theo cô N., số tiền còn lại khoảng 40 triệu đồng mà cô mua các liệu trình trị liệu coi như mất. Cô cảm thấy buồn vì mình nhẹ dạ cả tin, tham gia chuỗi bán hàng đa cấp. Bây giờ lợi đâu không thấy chỉ thấy mất số tiền dành dụm để dưỡng già. 

Bảng hợp đồng khách hàng nhận được từ một Cty bán hàng đa cấp không thể hiện số tiền

Với các chiêu thức, các nhân viên công ty nói trên đánh vào tâm lý người có tuổi là thích chăm sóc sức khỏe để “dụ” rất nhiều người tại địa bàn thị trấn Cần Giuộc, xã Mỹ Lộc, Trường Bình, huyện Cần Giuộc… Theo cô N., có nhiều người góp vốn mua các liệu trình trị liệu từ công ty này từ 1 đến 2 tỉ đồng. Giờ đây, những người này như ngồi trên đống lửa vì không đòi lại được tiền, cũng chẳng dám báo cơ quan chức năng.

Hiện nay, mỹ phẩm của hãng Amway thu hút khá đông chị em tại TP.Tân An tham gia bán hàng. Chị T.N.M cho biết, để tham gia bán hàng cho nhãn hiệu này phải là thành viên. Muốn là thành viên phải tham gia lớp tập huấn gọi là kỹ năng mềm về bán hàng, đóng một khoản phí trên dưới 200.000 đồng. Khi tham gia lớp kỹ năng bán hàng, hầu hết đều được tư vấn sẽ kiếm được nhiều tiền và không mất nhiều thời gian, không cần nhiều công sức…

Sau khi chi 16 triệu đồng để mua mỹ phẩm từ một đại lý cấp trên về bán lại, chị T.N.M được trích hoa hồng 2 triệu đồng. Thế nhưng sau hơn 1 năm, số mỹ phẩm gồm sữa tắm, sữa dưỡng da, nước rửa chén, dầu gội,... chị T.N.M vẫn chưa bán hết. Hầu hết những người chị chào hàng đều cho rằng, giá mặt hàng chị bán đắt hơn sản phẩm trên thị trường là hàng Việt Nam chất lượng cao gấp 3 lần. Chị T.N.M cũng cho rằng, mỹ phẩm chị bán ra công ty không đưa ra giá bán chính thức, người bán nếu muốn có lãi cao thì bán giá đắt, tức là giá cả được thả nổi. Sau hơn 1 năm tham gia bán hàng, chị T.N.M không tiếp tục tham gia nữa.


Những mã số hàng mà người mua nhận được khi nhân viên công ty tư vấn

Khó quản lý

Phòng Quản lý Thương mại - Sở Công Thương cho biết, trong năm 2015, Sở Công Thương tiếp nhận và xác nhận 18 hồ sơ thông báo hoạt động bán hàng đa cấp của các doanh nghiệp được Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công Thương cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp và mở rộng mạng lưới bán hàng đến địa bàn tỉnh. Từ đầu năm 2016 đến nay, chưa phát sinh trường hợp đăng ký mới.

Theo Giám đốc Sở Công Thương - Đặng Văn Lớp, thực hiện theo Chỉ thị số 02/CT-BCT ngày 9-3-2016 của Bộ Công Thương, tại tỉnh Long An, công tác kiểm tra, giám sát mạng lưới bán hàng đa cấp gặp nhiều khó khăn do mạng lưới bán buôn của các doanh nghiệp bán hàng đa cấp rất rộng, đa dạng, hàng hóa mua bán được thỏa thuận riêng và giao hàng đến tận tay người tiêu dùng, không có cửa hàng kinh doanh cụ thể, chỉ giải quyết xử lý khi có đơn khiếu nại của khách hàng. Tuy vậy, đến nay các Đội Quản lý thị trường chưa nhận được bất kỳ khiếu nại nào của khách hàng về bán hàng đa cấp.

Ông Đặng Văn Lớp cho biết thêm, tình trạng khá phổ biến là một số doanh nghiệp không nghiêm túc trong việc lập hồ sơ thông báo hoạt động bán hàng đa cấp đến Sở Công Thương và không thực hiện báo cáo định kỳ hoặc báo cáo không rõ ràng, không đầy đủ nội dung theo quy định, gây khó khăn trong việc tổng hợp số liệu và mất nhiều thời gian xử lý.

Từ những thực trạng khó khăn về công tác quản lý hoạt động bán hàng đa cấp nêu trên, Sở Công Thương đề xuất với Bộ Công Thương các giải pháp sau: Đối với các tổ chức, cá nhân và các thành viên tham gia mạng lưới hoạt động bán hàng đa cấp nên đăng ký địa điểm kinh doanh và có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh tại địa phương; hàng hóa đăng ký thuộc mạng lưới bán hàng đa cấp nên được bày bán công khai, rõ ràng tại một địa điểm kinh doanh./.

Thanh Tùng

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích