Tiếng Việt | English

03/10/2016 - 11:46

Băn khoăn về chất lượng nước uống đóng chai, đóng bình

Nước uống đóng chai, đóng bình ngày càng được sử dụng phổ biến; thế nhưng, người tiêu dùng vẫn thấp thỏm lo âu, băn khoăn về chất lượng.

Người tiêu dùng lựa chọn mua nước đóng chai ở một cửa hàng tạp hóa

Khó kiểm soát chất lượng

Hiện nay, từ đô thị đến vùng nông thôn, nước uống đóng chai, đóng bình được nhiều người sử dụng. Loại nước này bày bán từ các cửa hàng tạp hóa đến siêu thị. Nhiều gia đình, cơ quan có hẳn số điện thoại của các đại lý phân phối, khi cần là được cung cấp hàng đến tận nơi.

Qua khảo sát của chúng tôi, trên địa bàn tỉnh có rất nhiều nhãn hiệu nước đóng bình được bán với giá 12.000-15.000 đồng/bình 20 lít; còn nước đóng chai có nhiều loại, có loại giá chỉ vài ngàn đồng. Chị Nguyễn Thị Lệ, ở xã Lợi Bình Nhơn, TP.Tân An chia sẻ: “Khi nấu ăn, tôi sử dụng từ nguồn nước máy, nhưng nước uống, tôi chủ yếu sử dụng nước đóng bình. Sử dụng nước đóng bình rất tiện lợi. Mỗi tháng, gia đình tôi sử dụng khoảng 4 bình (bình 20 lít). Mấy năm trước, tôi thường sử dụng nước đóng bình của Cty L.V nhưng khoảng hơn năm nay, tôi sử dụng nước đóng bình của L.A, N.P”. 

Hỏi về chất lượng, chị Lệ cho biết, chỉ yên tâm với những nhãn hiệu lớn có uy tín như L.V, còn một số nhãn hiệu khác cũng có những lo lắng về chất lượng. Theo chị Lệ, không ít lần, sau khi sử dụng gần hết nước, thấy dưới đáy bình có cặn.

Anh Nguyễn Văn Đẩu, ngụ xã Đức Lập Hạ, huyện Đức Hòa, chủ một cửa hàng tạp hóa chuyên buôn bán nước đóng bình cho biết: Cửa hàng của anh không bán nước đóng bình, đóng chai có thương hiệu bởi loại này giá cao nên lượng tiêu dùng ít. Những sản phẩm anh bán được sản xuất bởi những cơ sở nhỏ, lẻ tại huyện Củ Chi, TP.HCM và xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa. Mỗi tuần, bình quân cửa hàng tạp hóa của anh Đẩu bán khoảng 60 bình nước R.Đ (loại bình 20 lít, giá 10.000 đồng/bình); còn nước đóng chai A.V.N, chủ yếu anh bán lại cho những gia đình có đám tiệc, trong đó có đám, anh bán ra được khoảng vài chục lốc (mỗi lốc 24 chai, giá bán ra 30.000 đồng/lốc).

“Mấy năm qua, tôi chưa nghe khách hàng phản ánh vấn đề gì liên quan đến chất lượng loại nước bán ra. Tôi cũng không thể biết được chất lượng nguồn nước đóng bình, đóng chai này ra sao, chỉ thấy các cơ sở được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp phép hoạt động nên mua về bán kiếm lời” - anh Đẩu cho biết thêm.


Nước đóng bình ở một tiệm tạp hóa

Từ nhu cầu của người tiêu dùng nên cơ sở sản xuất nước uống đóng chai, đóng bình trên địa bàn tỉnh Long An những năm qua liên tục tăng lên. Theo thống kê, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 158 cơ sở, nhà máy sản xuất nước uống đóng chai, đóng bình được cấp phép sản xuất, hoạt động. Trong đó, tập trung nhiều nhất ở các vùng phát triển công nghiệp như Bến Lức, Đức Hòa.

Chưa phát hiện cơ sở "chui"

Theo quy định, cơ sở sản xuất nước đóng chai, đóng bình do Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh và Cục An toàn vệ sinh thực phẩm cấp phép. Để được cấp phép đi vào hoạt động sản xuất, những cơ sở này phải đáp ứng các điều kiện của những ngành liên quan như: Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương quy định.

Cụ thể, cơ sở phải có đủ các điều kiện như: Đăng ký kinh doanh, sản phẩm được thử nghiệm và nguồn nước (có thể là khai thác mạch nước ngầm, có thể nước máy) phải bảo đảm yêu cầu. Trước khi đóng chai, đóng bình, nước phải xử lý đạt các quy chuẩn về lý, hóa, sinh theo tiêu chuẩn kỹ thuật, được cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, đăng ký nhãn hiệu,... Nhà xưởng, thiết bị sản xuất phải bảo đảm các điều kiện, quy chuẩn quy định, không gỉ sét; các khu sản xuất như: Khu rửa chai, rửa bình, khu lọc thô lọc tinh, khu chiết rót phải kín đáo, được khử trùng, không bị nhiễm chất độc, nhiễm khuẩn; chai, bình phải được công bố hợp quy phù hợp; bồn chứa phải bằng inox;... Công nhân làm việc ở cơ sở phải được trang bị đầy đủ bảo hộ lao động.


Nước đóng bình được bày bán ở một tiệm tạp hóa. Ảnh: Vũ Quang

Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh - Phạm Văn Luân cho biết: "Định kỳ 6 tháng, Chi cục tổ chức lấy mẫu 1 lần ở các cơ sở để kiểm tra, đánh giá chất lượng. Hàng năm, Chi cục kiểm tra định kỳ ở từng cơ sở. Nếu có khiếu nại, phản ánh thì sẽ kiểm tra đột xuất bất cứ lúc nào".

Từ đầu năm 2016 đến nay, Chi cục ATVSTP phát hiện 24 cơ sở vi phạm, trong đó, đã xử lý 19 cơ sở và 5 cơ sở đang chờ xử lý, có 5 cơ sở bị buộc tiêu hủy sản phẩm do không bảo đảm chất lượng.

Các vi phạm chủ yếu ở những cơ sở này là sử dụng giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm hết hạn dưới 1 tháng, không có hoặc không đủ thiết bị, biện pháp phòng, chống côn trùng và động vật gây hại theo quy định; sử dụng giấy xác nhận đủ sức khỏe quá thời hạn đối với phạm vi dưới 10 người; không cập nhật kiến thức an toàn thực phẩm theo quy định cho đối tượng thuộc diện phải cập nhật kiến thức với vi phạm dưới 10 người; sản xuất, bán ra thị trường thực phẩm không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật đối với lô hàng vi phạm có giá trị đến 5 triệu đồng.

“Người dân vẫn lo lắng về chất lượng nước đóng chai, đóng bình vì ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người tiêu dùng. Trong phạm vi toàn tỉnh, chúng tôi chưa phát hiện những cơ sở sản xuất nước đóng chai, đóng bình không có phép (chui-PV); các cơ sở sản xuất nước đóng chai, đóng bình đều đủ điều kiện hoạt động theo quy định. Để bảo vệ sức khỏe, chi cục khuyến cáo người tiêu dùng sử dụng nước đóng chai, đóng bình có nhãn mác rõ ràng, địa chỉ cụ thể, được công bố hợp quy phù hợp. Chi cục cũng thường xuyên tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm, nếu cơ sở nào vi phạm nghiêm trọng, nguồn nước bị nhiễm khuẩn thì Chi cục kiên quyết đình chỉ hoạt động” - ông Phạm Văn Luân khẳng định./.

Vũ Quang

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích