Tiếng Việt | English

03/06/2017 - 13:07

Bản lĩnh và tình yêu người thầy thuốc qua Blouse màu lá

Tập sách Blouse màu lá của Phạm Đình Phú do NXB Thanh Niên ấn hành vừa được giới thiệu đến bạn đọc. Đây là tác phẩm thứ tư của Đại tá, Thầy thuốc ưu tú, bác sĩ quân y yêu thi ca, nghệ thuật và từng “thử lửa” qua 2 chiến trường ác liệt là Quảng Trị (năm 1972-1975) và biên giới phía Bắc (năm 1979-1982), làm việc tại bệnh viện quân y dã chiến 112, 43 và viện 105,175.

Thầy thuốc ưu tú, nhà thơ Phạm Đình Phú và Tập truyện ký Blouse màu lá 

Đối với giới y khoa chuyên về bỏng và tạo hình phía Nam, tên tuổi Đại tá, Thầy thuốc ưu tú - Phạm Đình Phú của Viện Quân y 175 khá quen thuộc. Ông vừa bước vào tuổi thất tuần. Sau gương mặt hiền lành, phúc hậu, nụ cười thân thiện, giọng nói trọ trẹ “đặc sản” miền Trung của ông là một tâm hồn đa cảm, trí tuệ uyên thâm, tính cách can trường. Tính cách can trường không chỉ giúp ông đứng vững giữa mưa bom, bão đạn chiến trường mà còn đấu tranh không khoan nhượng trước những hiện tượng tiêu cực, bất công trong ngành quân y thời bình.

Cuốn sách hiếm hoi viết về ngành quân y Blouse màu lá của Phạm Đình Phú gồm 7 chương: Quê hương nguồn cội, Mối tình đầu, Quân y mặt trận, Mặt trận thời bình, Mặt trận khoa học, Vào Nam lập nghiệp, Đời thường và một phần cuối là Khúc vĩ thanh: Vài lời dành riêng cho các con, Đôi điều tâm huyết về cuộc chiến đấu chống tiêu cực hiện nay. Không viết dưới dạng nhật ký như người đồng đội, đồng nghiệp Đặng Thùy Trâm, tác phẩm Blouse màu lá của Phạm Đình Phú được thể hiện dưới dạng truyện ký.

Có thể nói, Phạm Đình Phú có một số phận đặc biệt, cuộc đời ông luôn đối mặt gian nan, vượt qua nghịch cảnh. Cái tên Rớt thuở nhỏ hình như cũng vận vào ông. Là người con độc nhất của một liệt sĩ chống Pháp ở Sơn Hà, Hương Sơn, Hà Tĩnh, Phạm Đình Phú sinh ngày 06/10/1946, mồ côi cha lúc mới 6 tuổi; đến năm 10 tuổi, mẹ đi bước nữa, Phú về sống với bà nội. Một bước ngoặt lớn mở ra cho cuộc đời chàng trai Phạm Đình Phú, đó là giấy báo đậu Đại học Y khoa Hà Nội năm 1966. Tạm biệt bà nội, Phú ra Hà Nội nhập học. Đời sống sinh viên thời chiến đầy gian khổ, phải sơ tán lên tận rừng núi Thái Nguyên vừa học tập, vừa tự tăng gia sản xuất rau xanh, chăn nuôi để cải thiện từng bữa ăn. Trong cuốn Blouse màu lá, ông kể lại: “Thấp bé nhẹ cân, tác phong nhà quê, giọng nói trọ trẹ, nhưng tôi lại bị giao nhiệm vụ lớp phó đời sống. Tôi ái ngại, rất lo nhưng đâu dám chối từ. Lo ngại vì tầm vóc mình chưa ngang với nhiệm vụ, với môi trường mới lạ, giữa núi rừng bao la, giá lạnh. Tôi cũng muốn dành thời gian học tập, chăm lo sức khỏe, bù lại những thiếu hụt về kiến thức, dưỡng chất trong thời gian dài gian khổ, đạn bom nơi vùng quê nghèo. Nhưng rồi máu anh hùng Xô - Viết, lửa lòng tuổi 20 thử sức trước nhiệm vụ mới, môi trường mới, tầm quốc gia. Ở nhà với mẹ biết ngày nào khôn. Tôi nhận nhiệm vụ, dẫu biết phía trước nhiều gian nan” (tr.53).

Thế rồi, cũng nhờ “lửa lòng tuổi 20” mà 5 năm sau, ngày 10/01/1972, Phạm Đình Phú lại xuất hiện tại mặt trận Quảng Trị, sau khi hoàn thành chương trình học tập ở Trường Đại học Y khoa Hà Nội. Đây là một bước ngoặt mới của cuộc đời ông khi gia nhập quân đội. Phạm Đình Phú vinh dự là bác sĩ trẻ đầu tiên có mặt tại chiến trường ác liệt này và cả sau khi Bệnh viện dã chiến 112 thu gọn để chuẩn bị tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh mùa Xuân 1975. Ông gắn bó với Khoa Chấn thương B1 - Bệnh viện Quân y dã chiến 112 tại Quảng Trị, nơi thường xuyên nằm trong tầm hủy diệt của bom tọa độ địch, phải vừa bí mật sơ tán khắp nơi lại vừa cấp cứu, điều trị cho thương, bệnh binh suốt ngày đêm. Điều đó là sự thử thách bản lĩnh của một bác sĩ trẻ, đồng thời cũng là niềm đam mê, tự hào lớn lao về nghề nghiệp như thơ ông viết: “Quân y truyền thống xả thân/ Đường dao mũi kéo - nỏ thần tiến công”!

Chưa hết, cũng nhờ “máu anh hùng Xô - Viết”, cuối tháng 02/1979, Phạm Đình Phú lại đột ngột rời Viện Quân y 105 ở Sơn Tây để lên nhận nhiệm vụ Trưởng khoa Ngoại, Bí thư Chi bộ Liên khoa, Đảng ủy viên Bệnh viện Quân y dã chiến 43, đóng tại vùng đồi An Thượng, Yên Thế, Bắc Giang. Thêm một bước ngoặt nữa đối với người bác sĩ quân y có duyên với chiến trường, mà ở đây là mặt trận bảo vệ biên giới phía Bắc đang diễn ra khốc liệt.

Giống như ở mặt trận Quảng Trị, từ trong khó khăn, thử thách của mặt trận biên giới phía Bắc, tài năng và bản lĩnh của bác sĩ Phạm Đình Phú được thể hiện, trui rèn. Nhờ đó, sau khi hoàn thành nhiệm vụ chiến trường, quay trở về làm việc tại Viện Quân y 105 ở Sơn Tây hoặc về sau chuyển công tác vào Viện Quân y 175 ở TP.HCM, ông thừa nghị lực, can đảm vượt qua những sóng gió bất ngờ ập đến. Đặc biệt nhất là lần ông bất ngờ bị cho về hưu non ở tuổi 49 vào năm 1995, lúc đang mang quân hàm Trung tá, bác sĩ chuyên khoa I, với chuyên môn về bỏng và tạo hình hàng đầu ngành quân y. Một cuộc đấu tranh quyết liệt của ông, gia đình, đồng nghiệp diễn ra. Báo chí cũng nhập cuộc. Phần thắng cuối cùng thuộc về lẽ phải. Ông tiếp tục ở lại Viện Quân y 175 làm việc thêm 10 năm nữa, được thăng quân hàm dần lên Đại tá và vinh dự được tặng danh hiệu Thầy thuốc ưu tú.

Không chỉ có vậy, tập truyện ký Blouse màu lá của Phạm Đình Phú còn ẩn chứa nhiều nội dung khác về gia đình, dòng tộc, quê hương, đồng đội,... được thể hiện xúc động dưới ngòi bút chân thành. Đặc biệt trong đó có mối tình tuyệt đẹp của ông với cô quân y Diệu Mỳ trên mặt trận Quảng Trị: “Yêu nhau nơi chiến trường lửa đạn/ Lễ vật đơn sơ, gìn giữ tới hôm nay/ Bộ quân phục sờn vai trong ngày cưới/ Đôi dép cao su mòn vẹt tháng ngày”./.

Phan Hoàng

Chia sẻ bài viết