Tiếng Việt | English

19/01/2017 - 10:44

Bàn tay mẹ - Giữ ấm bếp xuân

Chẳng có hạnh phúc nào sánh được với cái tết đoàn viên, cùng ông bà, cha mẹ dùng bữa cơm gia đình đầm ấm. Góp phần quan trọng trong niềm vui ấy, không thể thiếu đôi tay đảm đang, khéo léo của những người phụ nữ âm thầm giữ ấm bếp xuân.

Bất kể ngày thường hay ngày tết, để có được chén cơm ngon, tô canh ngọt, không thể nào thiếu vắng bàn tay người phụ nữ. Một gia đình hạnh phúc là gia đình luôn đầy ắp tiếng cười bên mâm cơm do các bà, các mẹ tự tay chuẩn bị. Nhất là vào dịp tết, dù mâm cao, cỗ đầy thế nào đi nữa cũng không thể sánh bằng chiếc bánh bà gói, kim chi, dưa kiệu mẹ làm.

Vợ chồng bà Bùi Kim Hương đang sống cùng gia đình người con trai ở ấp 4, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa. Với bà, giữ gìn truyền thống gia đình là điều vô cùng quan trọng để con cháu đời sau biết quý trọng tình cảm thiêng liêng ấy.


Bất kể ngày thường hay ngày tết, để có được chén cơm ngon, tô canh ngọt, không thể nào thiếu vắng bàn tay người phụ nữ

Bà Hương chia sẻ: “Tết năm nào tôi và các con cũng tự tay làm kim chi, mứt dừa, gói bánh tét, bánh ít để cúng tổ tiên, ông bà và làm quà cho con cháu. Từ thuở còn con gái, chưa lập gia đình là tôi được mẹ dạy làm bánh. Dù bây giờ, chỉ cần ra chợ là mua được bánh gói sẵn nhưng thói quen này vẫn được gia đình tôi gìn giữ từ trước đến giờ. Cùng con dâu, con gái gói bánh, các cháu tề tựu về quê chúc tết ông bà là niềm vui lớn nhất của vợ chồng tôi lúc này”.

Theo ông Võ Duy Hoàng, ở khu phố 4, phường 1, TP.Tân An, ngày tết chẳng cần phải đi đâu xa, chỉ cần về quê, gặp gỡ, thăm hỏi người thân, ông bà, cha mẹ là niềm hạnh phúc lớn nhất. Con gái của ông, chị Võ Thị Tuyết Nhi chia sẻ: “Dù bận thế nào đi nữa thì mẹ và tôi cũng tự tay nấu ăn cho gia đình. Thấy cha mẹ, con cái ngon miệng thì mình cũng vui lây!”.

Những ngày giáp tết, gia đình anh Lê Minh Triều và chị Lê Thị Lạc lại bận rộn với sạp hàng bánh, mứt ở chợ Tân An (phường 1, TP.Tân An). Vợ chồng anh chị cùng chị ruột của chị Lạc ngày nào cũng tất bật vừa làm mứt, nướng bánh tráng, vừa luôn tay, luôn miệng bán hàng, trò chuyện với khách. Ai từng ghé chân qua sạp hàng của chị, hay được gọi vui là sạp bánh, mứt của chị Bé, đều cảm nhận được hương vị rất gần gũi như của nhà làm chứ không có phẩm màu, mùi công nghiệp.


Chị Lê Thị Lạc (bên phải) và chị gái được mẹ dạy làm mứt từ khi còn nhỏ

Chị Lạc quê gốc ở Đà Nẵng, vào Long An theo gia đình lập nghiệp đến nay trên 30 năm. Nghề làm mứt của chị là nghề gia truyền nhiều đời. Ngay từ khi còn nhỏ, 2 chị em chị Lạc líu ríu theo chân mẹ phụ việc và học cách làm bánh, mứt. Vào Long An lập nghiệp rồi lấy chồng ở Tân Trụ, chị lại học được cách làm bánh in đặc sản quê chồng. Giờ đây, Long An trở thành quê hương thứ 2 vì có những người thân yêu của chị ở đó. Dù bận rộn nhưng chị vẫn cố gắng nấu nướng, chăm sóc gia đình. Với chị, hạnh phúc là được thấy người thân vui vẻ, thương yêu nhau.

Chị Lạc chia sẻ: “Cũng là người vợ, người mẹ, tôi hiểu được tầm quan trọng của người phụ nữ trong gia đình. Những ngày tết, chị em phụ nữ có thể tự tay làm một vài loại mứt đơn giản như mứt dừa, mứt gừng,... cho gia đình mình. Dù có thể chưa ngon bằng hàng làm sẵn nhưng lại vô cùng ý nghĩa. Ai không biết cách làm, tôi sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm chứ không giấu nghề!”.

Không cần phải nấu ăn ngon, làm bánh giỏi, mỗi món ăn chỉ cần được các chị nêm thêm chút “gia vị” yêu thương, chút quan tâm, chia sẻ thì bữa cơm dù chỉ dưa cà, mắm muối cũng hơn biết bao sơn hào, hải vị trên đời./.

Phạm Ngân

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích