Tiếng Việt | English

31/01/2019 - 09:09

Bạn trẻ bén duyên với “nghề tay trái”

Tuy không phải là công việc chính, “nghề tay trái” hay chỉ là công việc thời vụ lại giúp nhiều bạn trẻ, nhất là sinh viên có thêm thu nhập để trang trải chi phí cá nhân hoặc phụ giúp gia đình. Thậm chí, nếu kiên trì, bền chí, họ còn có thể thành công với nghề.

Anh Hàng Hữu Toàn chụp ảnh cho khách

Anh Hàng Hữu Toàn chụp ảnh cho khách

Có thêm thu nhập

Hàng Hữu Toàn (SN 1994), hiện là sinh viên Khoa Dược - Trường Cao đẳng Y tế Tiền Giang. Có niềm đam mê với nhiếp ảnh từ lâu nhưng đến tháng 4-2018, Toàn mới dành dụm đủ tiền mua một máy ảnh Nikon D80 để “tập tành” làm “phó nháy”. Toàn lên mạng tìm hiểu cách điều chỉnh thông số máy, các phần mềm xử lý ảnh, học tập kinh nghiệm từ những người đi trước để nâng cao tay nghề.

Toàn chia sẻ: “Không có người hướng dẫn, mọi thứ đều bắt đầu từ con số 0 nên tôi gặp rất nhiều khó khăn. Mua được chiếc máy ảnh cũ, tôi nhờ người thân, bạn bè làm “người mẫu” rồi chụp miễn phí để có kinh nghiệm từ cách tạo dáng, điều chỉnh ánh sáng, góc độ,... để được những bức ảnh không chỉ hoàn thiện về bố cục, màu sắc mà còn phải có cảm xúc. Sau đó, ngoài giờ học trong tuần, được người quen giới thiệu, tôi bắt đầu có những khách hàng đầu tiên và nhận chụp ảnh tại một số sự kiện. Đến nay, dù còn nhiều bỡ ngỡ và phải học hỏi rất nhiều nhưng tôi tin rằng, với niềm đam mê và sự quyết tâm, tôi sẽ nỗ lực theo nghề ngoài công việc chính của mình là dược sĩ”.

Còn em Trần Hồ Ngọc Trâm (SN 1996), quê ở xã Tân Lập, huyện Tân Thạnh, vừa tốt nghiệp ngành Quản trị mạng - Trường Cao đẳng Nghề Long An, thì tranh thủ làm thêm trong thời gian chờ xin việc để giúp gia đình. Mẹ của Trâm bị bệnh, không đủ sức làm việc, cha làm thợ xây, em gái vừa học xong lớp 12 thì cũng không thể tiếp tục con đường học vấn mà phải đi làm. Những ngày tết, buổi tối, Trâm phụ bán đồ điện tử tại Chợ đêm Tân An, còn ban ngày thì chăm sóc ông ngoại bị suy thận.

Em Trần Hồ Ngọc Trâm phụ bán hàng để trang trải cuộc sống

Em Trần Hồ Ngọc Trâm phụ bán hàng để trang trải c

Ngọc Trâm chia sẻ: “Mỗi đêm, em bán hàng được khoảng 100.000 đồng. Số tiền này với nhiều người có thể chẳng đáng là bao nhưng cũng giúp em trang trải sinh hoạt phí và phụ giúp gia đình. Bên cạnh đó, em rất thích kinh doanh nhưng không có vốn vì gia đình khó khăn. Dù chỉ bán hàng nhưng đây cũng là một trong những công việc giúp em có thêm kinh nghiệm, biết đâu sau này có cơ hội, em lại có thêm một “ngã rẽ” để thành công. Em chỉ mong sau tết có được công việc ổn định, đúng ngành nghề mình được học. Hiện tại, dù bận rộn nhưng em sẽ cố gắng để tết này gia đình đầm ấm hơn!”.

... tạo đà khởi nghiệp

Cũng từ những ngày làm thêm dịp tết từ thời sinh viên mà đôi vợ chồng trẻ Trần Trung Tín và Lê Thị Lan Quyền (cùng SN 1994) đã bén duyên và có chút thành quả sau những ngày vất vả. Tín tốt nghiệp ngành Tài chính - Ngân hàng Trường Đại học Kinh tế Công nghiệp Long An, còn Quyền tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Long An và đang học liên thông tại Trường Đại học Sư phạm TP.HCM.

Gia đình 2 bên đều làm nông, cuộc sống cũng không dư dả nên Tín và Quyền đều có ý thức tự lập, không muốn phụ thuộc cha mẹ. Ngay từ khi là sinh viên năm nhất, đôi bạn trẻ làm rất nhiều việc để trang trải học phí như phụ quán cà phê, phục vụ nhà hàng, bán hàng,...

Đến cuối năm 2014, Tín và Quyền đã mở được một quầy hàng nhỏ bán linh kiện điện thoại. Dù lúc ấy, số vốn chỉ có 3 triệu đồng, trải qua không ít lần thất bại, có lúc tưởng chừng phải bỏ cuộc để về quê. Tuy nhiên, với lòng kiên trì, niềm đam mê kinh doanh, đến nay, cửa hàng có được lượng khách ổn định. Không chỉ vậy, hai vợ chồng còn giúp đỡ, tạo việc làm cho khá nhiều bạn trẻ.

Theo Lan Quyền, trước đây, mỗi dịp xuân về, 2 vợ chồng đều làm thêm đến mùng 1, mùng 2 tết mới về nhà. Trải qua quãng đường gian khổ của những ngày đầu khởi nghiệp nên họ hiểu và giúp đỡ những bạn trẻ, đặc biệt là sinh viên.

Đến nay, Trung Tín và Lan Quyền có một cửa hàng hoạt động ổn định

Đến nay, cửa hàng của Lan Quyền và Trung Tín đã đi vào hoạt động ổn định

“Khi là sinh viên, chúng tôi chưa hề nghĩ mình làm công việc kinh doanh vì học trái ngành. Tuy nhiên, đến với nghề là một cơ duyên, chúng tôi cũng yêu thích công việc này nên luôn cố gắng dù nhiều lần thất bại. Vốn ít, kinh doanh nhỏ nhưng ai chưa có việc làm, chúng tôi vẫn sẵn sàng nhận. Hiện tại, cửa hàng của chúng tôi có 6 bạn đang làm thời vụ. Chúng tôi mở cửa đến đêm giao thừa nhưng em nào nhà xa thì được sắp xếp nghỉ tết, về quê sớm. Năm mới, tôi chỉ mong công việc thuận lợi, nếu đủ khả năng thì có thể mở thêm một cửa hàng, vừa phát triển kinh tế, vừa giúp đỡ nhiều bạn trẻ hơn” - Trung Tín bộc bạch.

Công việc thời vụ hay “nghề tay trái” tuy không phải ngành nghề được đào tạo bài bản, đôi khi chỉ là một năng khiếu, niềm đam mê hay vì hoàn cảnh mà phải cố gắng. Tuy nhiên, nếu nỗ lực, không ngại khó khăn, sẵn sàng đứng lên sau vấp ngã thì tin rằng, những người trẻ, với lòng nhiệt huyết, sự quyết tâm, chắc chắn sẽ vươn xa và thành công với con đường mình đã chọn./.

Phạm Ngân

Chia sẻ bài viết