Tiếng Việt | English

24/11/2016 - 05:06

Bạn trẻ tranh luận về 'quốc phục' 45kg của siêu mẫu Việt

Nhiều bạn trẻ có ý kiến trái chiều về bộ quốc phục Sen vàng Việt Nam của nhà thiết kế Lê Long Dũng do Giải vàng siêu mẫu Khả Trang mang dự thi Hoa hậu Siêu quốc gia 2016.

 

Bộ quốc phục Sen vàng Việt Nam

Bộ trang phục dân tộc của nhà thiết kế Lê Long Dũng dành cho Giải vàng siêu mẫu Khả Trang dự thi Hoa hậu Siêu quốc gia 2016 khá đặt biệt khi có chiều cao hơn 3m, đuôi áo dài hơn 3,5m, nặng 45kg.

Được biết bộ quốc phục này được thiết kế trong vòng hơn 3 tháng, với các họa tiết cầu kì, sặc sỡ.

Bộ quốc phục khi vừa công bố đã nhận không ít ý kiến từ phía cộng đồng mạng. Một số bạn trẻ tỏ ra thích thú vì cho rằng quốc phục Việt Nam không chỉ có áo dài, áo tứ thân mà còn nhiều kiểu dáng khác, khi thi tài ở đấu trường nhan sắc quốc tế cần tạo được ấn tượng, độc đáo, lộng lẫy, bắt mắt...

Trên trang cá nhân mạng xã hội, bạn trẻ tên Tuấn Apple bình luận: “Quốc phục là phải cách điệu và sáng tạo thế này mới đẳng cấp”.

“Tôi thấy chúng ta cần thay đổi tư duy về quốc phục vì Việt Nam có đến 54 dân tộc với các nền văn hóa khác nhau. Vậy nên không nhất thiết phải là áo dài mới gọi là quốc phục. Khi tham dự các cuộc thi nhan sắc cần tạo được sự ấn tượng, các đại diện các nước đều lộng lẫy với quốc phục của mình, sao chúng ta không thử nghiệm?”, Facebooker Thành Nguyễn chia sẻ trên mạng.

Tuy nhiên, rất nhiều bạn trẻ khác tỏ ra khó chịu và có phần bức xúc vì "không hiểu vì sao gọi đây là trang phục dân tộc".


Cận cảnh bộ "quốc phục"

Facebooker Lưu Thủy cho rằng: “Trang phục đẹp, phần thuyết minh rất có ý nghĩa. Nhưng mà không thể nói đây là trang phục truyền thống được. Nếu nói đây là 1 thiết kế thời trang thì mình còn chấp nhận, chứ bộ này đập vào mắt, chẳng ai thấy nét gì gọi là "truyền thống" của Việt Nam cả”.

“Nhìn bộ trang phục cồng kênh, khoa trương mà chẳng thấy một chút thẩm mĩ, thanh thoát, mềm mại gì cả, hệt như mang nguyên cả một tấn vải và sắt lên sân khấu vậy”, trang cá nhân mạng xã hội của Tri Giac bình luận.

Người dùng Facebook Son Thach lại có cách nhìn khác khi nói về quốc phục Việt Nam: “Quốc phục nền tảng là áo dài! Từ đó cách tân sao cho đẹp. Cái áo này được cái tà dài. Phần trên giống áo yếm. Nên tôi thấy cần suy nghĩ lại về hai tiếng "quốc phục"!”.

Trong khi đó, bạn dùng Facebook có tên Dân An Giang cho rằng: “Mình không biết gì về thời trang và nghiên cứu gì về quốc phục hơn 3.000 năm lịch sử gì cả, nhưng với con mắt của người xem và đánh giá của người xem thì mình thấy bộ này giống trang phục của Thái hay Campuchia hơn”.

“Là người Việt mà mình chưa bao giờ thấy bộ trang phục này, kể cả trên các sách giáo khoa từ thời phổ thông. Không biết đây là trang phục dân tộc hay là đến kỳ thi mới có vậy”, bạn Thanh Hoa bình luận trên mạng.

Bạn Hải Thiên, quận Gò Vấp - sinh viên trường Đại học Văn Hóa chia sẻ: “Tôi thấy không đẹp, nhìn cầu kì và có phần sang chảnh chứ không đẹp. Với lại theo quan điểm cá nhân khi lên phim, lên hình thì thấy sang trọng thế thôi chứ nhìn trực diện sẽ cảm giác khó chịu. Mang một trang phục nặng 45 kg, liệu cô người mẫu này có trụ vững để sải bước thướt tha, dịu dàng hay không?”.

Bạn Ngọc Ngân - sinh viên khoa Văn học trường ĐH KHXH & NV - cho rằng: “Tôi không thích bộ trang phục này vì có nhiều cách để thể hiện quốc hồn quốc túy của dân tộc chứ không phải mang sự cầu kì ra để thể hiện. Vì sao người ta gọi nó là quốc phục, vì nó là trang phục đại diện cho một quốc gia, đại diện cho dân tộc Việt Nam. Mình có áo dài mà, sao không đem áo dài dự thi. Nặng đến 40kg như vậy là cầu kì trong hình thức lẫn cân nặng”.

Chị Minh Thúy - nhân viên PR mới ra trường, ngụ tại Quận 3 - chia sẻ: “Trang phục có chút gì đó sáng tạo, nhưng trang phục này chỉ có thể ở một chương trình hay gì đó bình thường thì sẽ không sao. Nhưng khi khoác lên cụm từ "quốc phục" thì phải nên xem lại”.


Khả Trang dự thi Hoa hậu Siêu quốc gia 2016

Chiều 23/11, trao đổi với chúng tôi, nhà thiết kế Lê Long Dũng nói: “Tôi muốn cảm ơn những bạn trẻ, những khán giả có những đóng góp cho bộ quốc phục mà tôi thiết kế dù đó là ý kiến thuận chiều hay trái chiều.

Tuy nhiên, chúng ta nên nhìn nhận một điều rằng đây là một cuộc thi chứ không phải một cuộc phục chế lại trang phục người Việt. Chúng ta đang ở thời hiện đại, chúng ta cần kết hợp với vẻ đẹp truyền thống xưa và những nét mới mẻ của thời hiện đại.

 

Theo tuoitre.vn

Chia sẻ bài viết