Tiếng Việt | English

24/06/2019 - 14:19

Bạn trẻ trước ngưỡng cửa chọn nghề

Những ngày cuối tháng 6, khi những cánh phượng nở đỏ cả sân trường, các em học sinh lớp 12 cũng sắp chia tay thầy cô, bạn bè với nhiều cung bậc cảm xúc. Và khi ấy, mỗi em phải đứng trước những lựa chọn nghề nghiệp cho tương lai của mình. Chọn nghề gì là câu hỏi không dễ dàng có đáp án với các em.

Học sinh chuẩn bị thi THPT quốc gia, đây là lứa tuổi cần thận trọng trong việc chọn nghề để tránh sai lầm

Học sinh chuẩn bị thi THPT quốc gia, đây là lứa tuổi cần thận trọng trong việc chọn nghề để tránh sai lầm

Cha mẹ cần định hướng cho con

Trong cuộc đời của mỗi người, tương lai phụ thuộc rất nhiều vào nghề nghiệp mà người đó chọn. Điều quan trọng không nằm ở chỗ, bạn làm nghề gì kiếm được nhiều tiền hay không, có tạo dựng được danh tiếng hay không mà chính là nghề nghiệp đó có phù hợp với bản thân hay không.

Cô Nguyễn Thị Bạch Phượng - giáo viên Trường THPT Hậu Nghĩa (huyện Đức Hòa, tỉnh Long An), chia sẻ: "Cha mẹ nên định hướng cho con ngay từ đầu dựa trên năng lực, sở thích của con. đây là yếu tố rất quan trọng cho việc một em học sinh lựa chọn nghề nghiệp. Nếu con mình chọn một nghề mà phụ huynh thấy không phù hợp thì nên phân tích cho con thấy để có sự điều chỉnh sớm. Chỉ có sự lành nghề, có niềm đam mê thì dù là nghề gì, sự thành thạo trong nghề là yếu tố quyết định đưa tới thành công. Vì thế, việc chọn nghề có thể nói là điều quan trọng nhất trong cuộc đời của mỗi người".

Chị Trần Thị Tuyết Oanh, ngụ phường 3, TP.Tân An, cho biết: "Vợ chồng tôi đã "ngồi lại với nhau" ngay từ khi con gái lớn mới bước vào cấp 3 để xem xét những tố chất, khả năng của con, từ đó định hướng con chọn những nghề có thể phát huy được thế mạnh. Vợ chồng tôi nghĩ, một khi con mình phát huy được khả năng vốn có, có sự hứng thú với nghề nghiệp thì cơ hội thành công sẽ cao hơn".

Ông Nguyễn Văn Lóng, ngụ ấp Chánh, xã Tân Mỹ, huyện Đức Hòa, nói: "Nghề nghiệp được xem là nền tảng vững chắc đầu tiên cho cuộc đời mỗi người. Các cháu còn nhỏ, có thể còn bồng bột, chưa chín chắn. Vì vậy, việc cha mẹ định hướng cho con chọn một nghề phù hợp là rất quan trọng. Nghề nghiệp thiếu vững chắc, không phù hợp với khả năng cũng giống như căn nhà chắp vá, tạm bợ sẽ dễ dàng sụp đổ giữa giông bão cuộc đời".

Phải theo đuổi niềm đam mê

Tôi từng có một người bạn thân, sau hơn 30 năm gặp lại, trong khi bạn bè đã có công ăn việc làm ổn định, chồng con đề huề thì bạn vẫn trong tình trạng “lỡ thầy, lỡ thợ”. Khéo léo lựa lời thăm hỏi để tìm hiểu nguyên nhân, bạn tâm sự: "Trước đây, nếu mình mạnh mẽ, bản lĩnh hơn chút nữa để thể hiện quan điểm của mình thì bây giờ không phải lỡ làng như thế này. Mình mơ ước được làm cô giáo, trong khi cha mẹ lại muốn mình làm bác sĩ. 3 lần thi nhưng vẫn không đậu vào trường y, mình chán nản trở về quê và ngại, không muốn gặp bất cứ bạn bè nào. Giờ, mình chỉ loanh quanh ở nhà phụ giúp cha mẹ chuyện đồng áng nên cũng không có cơ hội gặp gỡ ai để tạo lập gia đình".

Lựa chọn nghề quan trọng nhất là chính là nghề nghiệp đó có phù hợp với bản thân hay không

Với các bạn trẻ, ngay từ bước đầu nên cố gắng tự tìm hiểu mình, xác định được niềm đam mê, ngành học mình yêu thích để sau này có thể theo đuổi những nghề phù hợp. Quyết định ngành học rất quan trọng, ảnh hưởng sâu đậm trong cuộc đời mỗi người, để đến lúc trễ mới nhận biết thì sự đã rồi. Muốn thay đổi cũng không dễ dàng và phần thiệt thòi trước tiên là mình phải gánh chịu. Chạy theo nghề được gọi là "nghề sang" để có danh, chạy theo "nghề hot" để dễ kiếm tiền, chạy theo ý thích bồng bột nhất thời mà không xét đến hoàn cảnh, sức khỏe, điều kiện kinh tế gia đình và quan trọng nhất là khả năng thật sự của mình là một sai lầm đối với các em học sinh đang đứng trước ngưỡng cửa bước vào đời./.

Cha mẹ nên định hướng cho con ngay từ đầu dựa trên năng lực, sở thích của con. đây là yếu tố rất quan trọng cho việc một em học sinh lựa chọn nghề nghiệp. Nếu con mình chọn một nghề mà phụ huynh thấy không phù hợp thì nên phân tích cho con thấy để có sự điều chỉnh sớm. Chỉ có sự lành nghề, có niềm đam mê thì dù là nghề gì, sự thành thạo trong nghề là yếu tố quyết định đưa tới thành công".

Cô Nguyễn Thị Bạch Phượng - giáo viên Trường THPT Hậu Nghĩa (huyện Đức Hòa)

Song Hồng

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích