Tiếng Việt | English

09/01/2017 - 10:43

Bánh tráng Đức Hòa hối hả vào xuân

Cùng với bánh, mứt, dưa, kiệu,... bánh tráng là món quen thuộc trong những ngày tết. Vì vậy, để phục vụ thị trường tết, các lò bánh tráng ở huyện Đức Hòa, tỉnh Long An đang tất bật chuẩn bị nguồn hàng.

Hương vị tết quê

Mâm cơm của nhiều gia đình ở Đức Hòa trong mấy ngày tết không thể thiếu món bánh tráng cuốn với thịt heo luộc, các loại rau sống và chấm nước mắm tỏi, ớt. Các cụ già hay nói, tất cả các nguyên liệu gói ghém trong từng cuốn bánh tráng là sự hòa hợp, yêu thương, sum vầy của các thành viên trong nhà. Có món bánh tráng cuốn, mâm cơm ngày tết thêm đầm ấm, vui tươi hơn!

Những ngày giáp tết, ông Trần Văn Chúc sản xuất bánh tráng nhiều hơn mới đủ cung cấp cho thị trường

Bà Nguyễn Thị Quang, ở ấp Chánh, xã Đức Lập Thượng, huyện Đức Hòa nói rằng: “Các con tôi thích ăn bánh tráng cuốn nên khoảng 20 tháng Chạp, tôi lại mua vài kilôgam để sẵn trong nhà. Bánh tráng để được gần 1 tháng nên có mua sớm cũng không bị hư. Hơn nữa, mua sớm lựa được bánh ngon, mỏng hơn thời điểm cận tết”.

Bánh tráng là món ăn đậm đà hương vị quê hương nên những người con Đức Hòa đang sinh sống, làm việc xa nhà đều nhớ mỗi khi nghĩ đến bữa cơm gia đình ngày tết. Trương Thị Thảo Nguyên, quê ở xã Hiệp Hòa, huyện Đức Hòa, đang là nhân viên ngân hàng ở TP.HCM chia sẻ: “Cứ gần tết, tôi lại nôn nao đến ngày về nhà, cùng ba mẹ và hai chị dùng bữa cơm gia đình, vui tết đoàn viên. Mâm cơm, lúc nào mẹ cũng chuẩn bị món bánh tráng cuốn thịt luộc mà mấy chị em yêu thích. Vừa cuốn bánh, cả nhà vừa nói chuyện rôm rả rất vui!”.

Hối hả vào mùa

Thời điểm này, các lò bánh tráng ở Đức Hòa đang hối hả để kịp phục vụ thị trường tết. Xã Lộc Giang là nơi có nhiều lò sản xuất bánh tráng (7 lò). Không còn làm thủ công như trước, hiện tại, các lò bánh tráng ở đây chuyển sang làm bằng máy. Vì vậy, sản lượng bánh làm ra nhiều, đủ nguồn hàng cung cấp cho thị trường vào dịp tết.

Gia đình ông Trần Văn Chúc, ở ấp Lộc Thạnh, xã Lộc Giang có hơn 20 năm gắn bó với nghề làm bánh tráng. Những năm đầu, khi còn làm thủ công, vất vả cả ngày từ sớm đến tối nhưng chỉ sản xuất được 7kg bánh, giao cho các tiệm tạp hóa trong xóm bán. “Sau nhiều năm tích góp, cách đây 8 năm, tôi đến huyện Củ Chi, TP.HCM mua máy làm bánh tráng với giá 120 triệu đồng và xây nhà xưởng, mua liếp để chuyển từ làm thủ công sang máy móc” - ông Chúc kể lại.

Từ khi chuyển sang làm bằng máy, ông thuê thêm nhân công, người đứng máy bỏ vỉ, bắt vỉ, người gỡ, người dập bánh và lựa bánh. Họ là những phụ nữ, người cao tuổi nhàn rỗi ở nông thôn đến lò bánh tráng của ông Chúc làm thuê với tiền công từ 80.000-160.000 đồng/người/ngày. Nhờ có máy, nhân công nên sau một ngày hoạt động từ 6 giờ 30 đến 16 giờ 30, lượng bánh tráng ra lò khoảng 1,2 tấn. Riêng đợt tết, số lượng tăng thêm khoảng 200kg theo nhu cầu của khách. Trừ chi phí, mỗi ngày, gia đình ông kiếm lời khoảng 1 triệu đồng.

Những ngày cận tết, về ấp Lộc Thạnh, xã Lộc Giang, từ đầu ngõ đã nghe tiếng máy tráng bánh xập xình từ sớm. Các lò bánh tráng đang tất bật vào mùa!

Cũng như lò bánh của ông Chúc, từ ngày chuyển sang làm bằng máy, cứ đến dịp tết, ông Phạm Thanh Dũng, ngụ ấp Lộc Thạnh tráng 1,7 tấn bánh, tăng gần 500kg so với ngày thường. Theo ông Dũng, gần tết, khách hàng gọi điện thoại đặt hàng liên tục nên máy phải hoạt động hết công suất mới đủ lượng bánh phục vụ. Cứ khoảng mùng 9 tháng Chạp là ông và các lò bánh tráng ở đây tất bật vào đợt phục vụ tết. Dù số lượng tăng nhưng giá không tăng, vẫn giữ mức 22.000 đồng/kg như ngày thường.

Bánh tráng Đức Hòa bây giờ không phải chỉ có người Đức Hòa biết đến! Từ khi máy móc thay thế đôi tay con người, số lượng làm ra nhiều hơn những năm trước nên nguồn bánh lúc nào cũng đủ đáp ứng nhu cầu thị trường. Vì thế, bánh tráng Đức Hòa đến với người tiêu dùng ở các huyện trong và ngoài tỉnh như Bình Dương, Tây Ninh.

Bánh tráng Đức Hòa “vươn xa” bởi vị ngon, làm hài lòng người tiêu dùng. Đó là những chiếc bánh mỏng, trắng, khi ăn hơi dai, không rách khi cuốn. Nhưng để có những chiếc bánh ngon, nghề này cũng qua nhiều công đoạn và phụ thuộc vào nguyên liệu, thời tiết. Ông Chúc cho biết: “Bột phải là bột mì mua ở huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh. Bột mang về pha loãng với nước, thêm ít muối rồi cho lên bồn để chảy xuống máy tráng. Khi đến máy tráng, có bộ phận hấp cho chín bột. Điều quan trọng là phải chỉnh máy sao cho bánh ra lò có độ mỏng sẽ ngon hơn. Đặc biệt, ở vùng Lộc Giang, nguồn nước tốt nên bánh thành phẩm có màu trắng trong, không ngả vàng như nhiều nơi khác.

Những ngày cận tết, về ấp Lộc Thạnh, xã Lộc Giang, từ đầu ngõ đã nghe tiếng máy tráng bánh xập xình từ sớm. Các lò bánh tráng đang tất bật vào mùa! Nếu ai có về Đức Hòa vào dịp tết, nhớ mua bánh tráng làm quà biếu người thân hoặc để dùng để cảm nhận hương vị ngày xuân trong bữa cơm gia đình vào ba ngày tết./.

Nguyễn Ngọc

Chia sẻ bài viết