Tiếng Việt | English

14/06/2019 - 10:00

Báo chí trước thách thức từ mạng xã hội

Mạng xã hội (MXH) ngày càng phát triển, được sử dụng phổ biến vừa tác động tích cực lẫn tiêu cực, vừa là cơ hội nhưng cũng là thách thức với báo chí chính thống. Trước thách thức từ MXH, nhiều tờ báo Đảng địa phương xem đó như là công cụ để khai thác nguồn tin, kinh doanh báo chí, phát hành và truyền tải thông tin đến bạn đọc,... Tuy nhiên, bên cạnh việc “bắt tay” với MXH, những người làm báo chân chính, những tờ báo Đảng địa phương phải thận trọng trong việc khai thác MXH phục vụ hoạt động báo chí, nhất là định hướng dư luận.

Sử dụng mạng xã hội để tương tác với bạn đọc. Ảnh: Báo Bình Dương

Sử dụng mạng xã hội để tương tác với bạn đọc. Ảnh: Báo Bình Dương

Tổng Biên tập Báo Cần Thơ - Trương Văn Chuyển: Sử dụng mạng xã hội để tương tác, kết nối, xây dựng nguồn tin

Không thể phủ nhận, MXH đóng góp rất lớn cho báo chí. Đặc biệt, nguồn tin từ MXH đã và đang góp phần giúp báo chí chính thống đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu thông tin của công chúng. Tuy nhiên, MXH như “con dao hai lưỡi”, nhà báo rất dễ “sập bẫy” trước các nguồn tin sai sự thật. Trước áp lực làm thế nào để có nguồn tin mới, độc đáo, nhà báo dễ chủ quan, qua loa trong các bước phối kiểm thông tin.

Trong thời đại ngày nay, nhà báo không thể quay lưng với MXH mà ngược lại, cần tận dụng một cách hiệu quả nhất. Để làm được điều đó, nhà báo khi sử dụng MXH để tương tác, kết nối, xây dựng nguồn tin, phải hết sức tỉnh táo, tìm hiểu để am hiểu vấn đề, từ đó, chọn lọc và sử dụng nguồn tin đúng tôn chỉ, mục đích của tờ báo. Hơn nữa, khi sử dụng MXH để tương tác, kết nối, xây dựng nguồn tin, việc quản trị nguồn tin phải được quan tâm đầu tiên và xuyên suốt. Để làm tốt điều này, đòi hỏi nhà báo, cơ quan báo chí phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, kinh nghiệm nghiệp vụ dày dặn, đạo đức nghề nghiệp trong sáng để xác định rõ và giữ vững tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí.

Quyền Tổng Biên tập Báo Bà Rịa-Vũng Tàu - Đỗ Nguyễn Hoàng Dung: Báo chí không cạnh tranh tất tần tật với mạng xã hội

Người làm báo không thể tách rời những diễn biến sôi động của MXH. Nếu không tiếp cận, không cập nhật thông tin từ MXH, nhà báo tự biến mình thành kẻ đi sau. Ở góc độ đồng hành, báo chí sử dụng MXH để vừa khai thác thông tin, vừa tạo thêm kênh phát hành. Sự cạnh tranh giữa báo chí với MXH không phải là ai nhanh hơn vì đương nhiên, hầu như trong cuộc đua về thời gian, báo chí đều yếu thế trước MXH. Nhưng thông tin có chiều sâu, được xác thực và tính “bảo tín” là những đặc điểm mà MXH không thể cạnh tranh được với báo chí.

Báo chí không cần phải “cạnh tranh” tất tần tật với MXH. Cách báo chí nên làm là lựa chọn những gì cần thông tin, nhất là những thông tin đang tạo sóng dư luận. Khi thông tin, báo chí phải mang đến một cái nhìn có chiều sâu, mổ xẻ vấn đề đến nơi đến chốn để bạn đọc thấy rằng, họ có thể nghe tin từ Facebook, các diễn đàn khác,... nhưng thông tin thỏa đáng, tin tưởng vẫn là trên báo chí. Nhà báo khác với một người sử dụng MXH là phải cân nhắc được lợi ích thông tin trước những gì mình muốn đăng tải. Nếu định vị được bản thân trên MXH, tiếng nói của mỗi nhà báo sẽ có giá trị riêng. Hơn nữa, nhà báo phải xác định mình là nguồn thông tin chính thống trên MXH.

Phó Tổng Biên tập Báo Long An - Châu Hồng Khá: Báo chí phải nỗ lực phát huy vai trò trong định hướng dư luận

Đúng là MXH có những mặt chưa tốt nhưng cũng có những mặt tích cực không thể phủ nhận. Đây là một kênh thông tin quan trọng của những người làm báo để nắm bắt nguồn tin một cách nhanh chóng, dễ dàng. Cũng chính vì tính chất nhanh chóng, kịp thời, có sự tương tác tốt với độc giả - các đối tượng sử dụng MXH nên nhiều sự việc, vấn đề, nhất là các vấn đề xã hội, những nhân vật có hoàn cảnh khó khăn cần giúp đỡ hay những bức xúc chính đáng của nhân dân được giải quyết kịp thời.

Tuy nhiên, trước sự bùng nổ thông tin trên MXH, báo chí càng phải nỗ lực phát huy vai trò trong định hướng dư luận, cập nhật thông tin khách quan, đúng quan điểm đến với bạn đọc càng nhanh càng tốt, nhất là những vấn đề nóng, nhạy cảm, những thông tin tác động lớn đến đời sống, không để bạn đọc bị “dẫn dắt” trước những thông tin sai lệch, chưa được kiểm chứng từ MXH. Đồng thời, bản thân người làm báo cần đề cao đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm xã hội trong việc khai thác và xử lý thông tin, nhất là thông tin từ MXH.

Phó Tổng Biên tập Báo Tây Ninh - Lê Công Tân: Báo chí truyền thống phải "hợp tác" với mạng xã hội

Để tồn tại và phát triển, báo chí truyền thống phải "hợp tác" với MXH. Nhiều tờ báo bắt đầu sử dụng fanpage để chia sẻ đường link các bài viết từ báo điện tử, sử dụng các ứng dụng chia sẻ tin tức trên MXH, chọn MXH là phương tiện truyền tải thông tin đến bạn đọc. Sự "bắt tay" của báo chí và MXH tạo ra cú nhảy vọt, làm thay đổi hoàn toàn cách thức truyền tải thông tin. Tuy nhiên, MXH tồn tại nhiều nguy cơ mà nếu không tỉnh táo, các cơ quan báo chí có thể đánh mất mình. Do vậy, sự xuất hiện của MXH đã và đang tạo nên nhiều thách thức cho nhà báo và lãnh đạo các cơ quan truyền thông chính thống, đặc biệt là trong việc quyết định thông tin nào cần được cung cấp đến công chúng và từ góc độ nào.

Báo điện tử, báo in muốn tồn tại phải liên tục đổi mới từ tư duy đến hành động, đáp ứng yêu cầu thông tin ngày càng cao của bạn đọc. (Trong ảnh: Buổi tập huấn nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng dựng video của phóng viên, cộng tác viên Báo Long An). Ảnh: Phong Nhã

Báo điện tử, báo in muốn tồn tại phải liên tục đổi mới từ tư duy đến hành động, đáp ứng yêu cầu thông tin ngày càng cao của bạn đọc. (Trong ảnh: Buổi tập huấn nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng dựng video của phóng viên, cộng tác viên Báo Long An). Ảnh: Phong Nhã 

Không ít nhà báo sử dụng nguồn tin trên MXH "chế biến" thành tin, bài của mình, “thêm mắm, dặm muối” để viết bài,... Đây là các hành vi vi phạm nghiêm trọng đạo đức nghề báo. Một thực trạng đáng buồn khác, một vài nhà báo kỳ cựu, nổi tiếng bị các thế lực thù địch lôi kéo, gieo rắc những thông tin xuyên tạc, bịa đặt, luận điệu sai trái,... trên MXH, biến tài khoản cá nhân của mình thành "diễn đàn" chống phá Đảng, Nhà nước.

Đối với Báo Tây Ninh, từ nhiều năm qua, Ban Biên tập thường xuyên nhắc nhở phóng viên, biên tập viên phải "gạn đục, khơi trong" và thẩm định trước những thông tin trên MXH. Dù không thành quy tắc nhưng xem như "luật bất thành văn", cán bộ, phóng viên, biên tập viên khi sử dụng MXH phải cẩn trọng trên từng status, dòng comment.

Phó Tổng Biên tập Báo Ấp Bắc - Phạm Văn Sơn: Mỗi nhà báo phải thích ứng với tính 2 mặt của mạng xã hội

Sự bùng nổ, cạnh tranh thông tin từ MXH tác động tích cực đến việc làm báo. Nhiều phóng viên sử dụng các nguồn thông tin từ MXH, triển khai thành đề tài báo chí sau khi kiểm chứng từ nhiều nguồn. Bằng bản lĩnh chính trị, sự chọn lọc kỹ, chính xác, mang tính xây dựng, những bài viết của nhà báo trên MXH góp phần giúp bạn đọc có cái nhìn toàn diện, đa chiều về một vấn đề; góp phần định hướng dư luận. Nhà báo cũng có thể dùng MXH để phản bác các luận điệu xuyên tạc, các thông tin phản động của các thế lực thù địch.

Bên cạnh mặt tích cực, MXH cũng tác động tiêu cực đến việc làm báo. Nhiều vụ việc được MXH đưa tin trước và báo chí phải vất vả chạy theo để cập nhật thông tin cũng như định hướng dư luận. Tuy nhiên, điều nguy hại nhất là những thông tin trên MXH không phải lúc nào cũng chính xác.

Vì vậy, sống trong thời đại công nghệ số, mỗi nhà báo buộc phải thích ứng với hai mặt của sự phát triển, phải biết khai thác và chọn lọc những thông tin trên MXH, khai thác những cái lợi từ MXH và tỉnh táo trước những mặt trái của nó. Làm thế nào để tận dụng sự phát triển của công nghệ, biến MXH thành công cụ tác nghiệp hữu hiệu cho mình - đó là bản lĩnh của mỗi nhà báo.

Phó Tổng Biên tập Báo Đồng Nai - Đinh Kim Tuấn: Khai thác mạng xã hội để phục vụ tác nghiệp báo chí

Báo Đồng Nai cử người theo dõi các thông tin trên MXH để theo sát các thông tin thời sự, không để sót, lọt các tin đời sống, xã hội, dân sinh. Từ những thông tin trên MXH, Ban Biên tập yêu cầu phóng viên rà soát, kiểm chứng từ các cơ quan chức năng liên quan để có phản ánh đúng đắn, trung thực, chính xác về sự kiện, hiện tượng.

Tuy nhiên, để không bị MXH “dẫn dắt”, Báo Đồng Nai không chạy theo tất cả thông tin trên MXH mà chọn lọc những vấn đề người dân quan tâm, có tác động đến xã hội, có ý nghĩa với đông đảo người dân; không chạy theo xu hướng giật gân, câu khách; các thông tin đều phải đúng theo phương châm: Đúng, trúng, đủ, đời. Do đó, Ban Biên tập Báo Đồng Nai quán triệt phóng viên phải tỉnh táo, có quan điểm làm báo rõ ràng, xác tín nguồn tin trước khi thông tin lên mặt báo.

Trong xu hướng cạnh tranh thông tin ngày càng khốc liệt, Báo Đồng Nai vẫn khuyến khích nhà báo tham gia MXH và khai thác thông tin từ MXH một cách tích cực, chủ động. Điều quan trọng, mỗi nhà báo tự trang bị kiến thức sâu, rộng, trau dồi đạo đức nghề nghiệp để mang đến cho độc giả cái nhìn đúng đắn, lành mạnh về những vấn đề nóng đang được dư luận quan tâm; hạn chế những tác động tiêu cực từ thông tin sai sự thật trên MXH.

Phó Tổng Biên tập Báo Bình Dương - Lê Minh Tùng: Sử dụng mạng xã hội để kinh doanh báo chí

So với hình thức quảng cáo truyền thống, việc quảng cáo trên MXH có nhiều ưu điểm nổi trội như tính lan truyền mạnh mẽ, nhanh chóng trong cộng đồng người dùng. Hiện nay, nhiều tờ báo thay đổi cách thức đưa tin và xây dựng kế hoạch thúc đẩy doanh thu mới. Điều quan trọng là các cơ quan báo chí sẽ thay đổi như thế nào, nhất là hệ thống báo Đảng địa phương để đón đầu những chiến lược quảng cáo của doanh nghiệp trên MXH.

Báo chí có thể tận dụng MXH để tăng tương tác với bạn đọc, xây dựng bạn đọc trung thành, quảng bá các ấn phẩm, tác phẩm báo chí chất lượng; qua MXH nắm bắt được xu hướng độc giả để điều chỉnh nhằm làm tăng lượng bạn đọc, đồng nghĩa với gia tăng doanh thu quảng cáo trên sản phẩm báo chí thông qua các hình thức như Facebook Marketing, Search Engine Optimization (SEO), Search Engine Marketing (SEM), Email Marketing, Mobile Marketing, Quảng cáo Banner (quảng cáo hiển thị),... Không những thế, ngoài quảng bá tuyên truyền, báo chí còn có thể tạo các kênh riêng trên MXH để chuyển tải những video clip, làm streaming cho giao lưu trực tuyến,... nhằm thu hút nhiều lượt xem để được chia sẻ lợi nhuận quảng cáo từ các kênh trên MXH mang lại.

Tổng Thư ký Tòa soạn Báo Sài Gòn Giải Phóng - Nguyễn Khắc Văn: Thông tin chính thống, độ tin cậy cao

Trong lĩnh vực Báo chí - truyền thông, khoảng 10 năm gần đây, tồn tại song song báo chí chuyên nghiệp và truyền thông xã hội. Có nghĩa là tòa soạn báo chí chuyên nghiệp đưa thông tin theo kiểu của báo, còn công chúng đưa thông tin lên website, blog, mạng xã hội theo kiểu của họ.

Vậy “Con át chủ bài” của báo chí chuyên nghiệp hiện nay là gì? Theo chúng tôi, đó là thông tin chính thống và độ tin cậy cao. Đây là yếu tố mang tính sống còn. Chúng ta yếu thế hơn các công ty truyền thông mạng ở thiết bị và công nghệ hiện đại nên chúng ta phải mạnh hơn truyền thông mạng ở điểm “cốt tử” là thông tin chính thống và độ tin cậy cao. Công chúng còn đón nhận, đọc báo của chúng ta, chính là họ tin ở chúng ta về điều này. Nếu chúng ta chủ quan hoặc chăm chăm chạy đua theo thời gian như truyền thông xã hội mà thiếu sự kiểm chứng kỹ càng, để đánh mất “con át chủ bài” của mình thì công chúng sẽ quay lưng với chúng ta ngay lập tức./.

Báo Long An(tổng hợp)

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích