Tiếng Việt | English

23/02/2017 - 09:24

Bảo đảm an toàn thực phẩm đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng

Vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) đang được người dân đặc biệt quan tâm, trong đó, thực phẩm nông sản ảnh hưởng trực tiếp và lâu dài đến sức khỏe của con người. Trên cơ sở nhiệm vụ được phân công, phân cấp, các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh Long An hiện đang tích cực triển khai các giải pháp tăng cường quản lý ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp, nhằm mang lại niềm tin, sự an tâm cho người tiêu dùng.


Kiểm tra an toàn thực phẩm tại cơ sở sản xuất.

Bảo đảm an toàn thực phẩm

Thực hiện Năm cao điểm vệ sinh ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp, thời gian qua, tỉnh triển khai đồng bộ các giải pháp: Tập trung tuyên truyền, kiểm tra, đánh giá, cấp giấy chứng nhận ATTP cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh; thanh, kiểm tra, truy xuất xử lý vi phạm;... Bằng các giải pháp quyết liệt này, ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh bước đầu đạt những kết quả tích cực.

Trong năm qua, ngành nông nghiệp tỉnh xây dựng, kết nối sản phẩm và chuỗi sản phẩm an toàn: Cấp giấy chứng nhận GlobalGAP trên sản phẩm thanh long, lúa với diện tích sản xuất 278,1ha; có 26 cơ sở (hợp tác xã, tổ hợp tác, công ty) được cấp giấy chứng nhận VietGAP trên sản phẩm rau, lúa, chanh, thanh long với diện tích 645,7ha; Dự án LIFSAP triển khai thực hiện trên 38 nhóm GAHP (gồm 30 nhóm chăn nuôi heo và 8 nhóm chăn nuôi gà) với 718 hộ, có 642 hộ chăn nuôi được chứng nhận GAHP, xây dựng 24 chợ thực phẩm an toàn với 703 sạp thịt đủ điều kiện ATTP, nâng cấp 9 cơ sở giết mổ đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông-lâm-thủy sản, có trên 25 cơ sở áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến (HACCP, GMP, SSOP, BRC,...).

Ngoài ra, ngành còn xây dựng chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn: 3 chuỗi rau, 1 chuỗi gạo, 1 chuỗi thịt gà. Được biết, hiện nay, chuỗi cung ứng gà thịt được sản xuất tại Công ty TNHH Chăn nuôi Phú Gia với số lượng 1,2 triệu con/năm (tại huyện Thạnh Hóa) và được giết mổ, chế biến tại Công ty TNHH Ba Huân - Nhà máy thực phẩm Ba Huân Long An (huyện Đức Hòa). Thực phẩm được kinh doanh, buôn bán tại Công ty TNHH Aeon Bình Dương, Công ty TNHH Thực phẩm GN Long An, hệ thống siêu thị Co.opmart, hệ thống thức ăn nhanh của Lotteria, Jollibee, sạp Ba Huân Bình Điền,...

Đối với chuỗi gạo, huyện Đức Hòa, Đức Huệ được chọn là vùng trồng lúa với diện tích 237ha được chứng nhận VietGAP, được xay xát, chế biến, đóng gói tại Công ty CP Đầu tư Nghiên cứu và xuất khẩu gạo thơm Ita-Rice và được kinh doanh, phân phối tại Trung tâm phân phối của công ty tại số 117-119 Pasteur, TP.HCM, hệ thống siêu thị Sài Gòn Co.op, Big C, Aeon và trên 70 hệ thống siêu thị mini (Maximart, Foodcomart,...) trên toàn quốc. Chuỗi cây rau được sản xuất theo quy trình VietGAP, sản xuất an toàn trên địa bàn các huyện Cần Đước, Cần Giuộc, Đức Hòa với diện tích 17,75ha, được sơ chế, đóng gói tại 3 hợp tác xã rau an toàn: Phước Hòa, Phước Hiệp, Tân Hiệp và được kinh doanh, buôn bán trên địa bàn trong, ngoài tỉnh.

Theo Giám đốc Hợp tác xã Rau an toàn Phước Hòa - Kiều Anh Dũng, nhằm bảo đảm ATTP trong nông nghiệp, các ngành cần kiểm soát từ gốc trong chuỗi thực phẩm, nông sản đó chính là kiểm soát chặt chẽ từ khâu sản xuất ban đầu. Trên thực tế, làm tốt khâu này mới có thể hy vọng có nông sản an toàn đến bàn ăn của người tiêu dùng. Hiện tại, hợp tác xã phối hợp tổ chức 1 điểm bán rau an toàn (theo tiêu chuẩn VietGAP) được kiểm soát theo chuỗi tại chợ phường 2, TP.Tân An, trung bình mỗi ngày bán được khoảng 100kg rau các loại.


Cần kiểm soát từ gốc để bảo đảm an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp

"Việc kiểm soát ngay từ khâu ban đầu trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và khai thác tự nhiên trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ là khâu quan trọng, quyết định đến chất lượng, an toàn thực phẩm."

Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm và thủy sản - Nguyễn Văn Cường

Quản lý từ gốc

Ngày 16/02/2017, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 494/QĐ-UBND, ban hành Kế hoạch Năm cao điểm hành động vệ sinh ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh năm 2017 nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý vệ sinh ATTP; giảm thiểu ô nhiễm sinh học và tồn dư hóa chất, kháng sinh trong sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm, đáp ứng yêu cầu về ATTP cho tiêu dùng trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu.

Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông-lâm và thủy sản - Nguyễn Văn Cường cho biết: "Việc kiểm soát ngay từ khâu ban đầu trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và khai thác tự nhiên trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ là khâu quan trọng, quyết định đến chất lượng, ATTP".

Để có cơ sở kiểm soát, quản lý lương thực, thực phẩm từ gốc, Long An đã và đang nỗ lực xây dựng vùng sản xuất tập trung; ứng dụng khoa học - công nghệ cao, cơ giới hóa sản xuất;... Bên cạnh đó, sẽ tiến tới triển khai quản lý theo chuỗi thực phẩm an toàn. Đây được xem là mô hình có tính đột phá và bền vững cho sản xuất nông nghiệp. Chuỗi bắt đầu từ khâu cung ứng vật tư nông nghiệp đến sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ, có thể truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp triển khai thực hiện tốt các cơ chế khuyến khích, tạo động lực cho doanh nghiệp đầu tư; liên kết chuỗi sản xuất thực phẩm an toàn; tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATTP, tập trung vào các quy định, quy chuẩn kỹ thuật về sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, các quy định về xử phạt vi phạm hành chính, xử lý hình sự đối với các hành vi vi phạm về ATTP theo quy định của pháp luật.

Tập trung tuyên truyền, vận động, hướng dẫn cho các cơ sở sản xuất áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, thủy sản, quy trình sản xuất an toàn, đặc biệt là không được sử dụng chất cấm hoặc lạm dụng chất bảo quản, phụ gia, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y trong sản xuất, bảo quản, chế biến nông-lâm-thủy sản và tuân thủ nguyên tắc 4 đúng về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y trong sản xuất nông nghiệp; thông tin đầy đủ, kịp thời về vệ sinh ATTP nông-lâm-thủy sản và truyền thông, quảng bá nông sản thực phẩm an toàn; tiếp tục tham gia triển khai các chương trình “Nông nghiệp sạch cho người Việt Nam, cho thế giới”, “Địa chỉ xanh - nông sản sạch”, “Chuỗi thực phẩm an toàn - từ sản xuất đến bàn ăn”,... Thông tin, quảng bá về các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm an toàn, giới thiệu cho người dân địa chỉ nơi bán sản phẩm an toàn có xác nhận.

Chỉ tiêu đến cuối năm 2017, trên địa bàn tỉnh, tỷ lệ mẫu giám sát vi phạm quy định về tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong rau, củ, quả; tồn dư hóa chất, kháng sinh trong các loại sản phẩm thịt, thủy sản; ô nhiễm sinh học trong thịt giảm 10% so với năm 2016. Tỷ lệ cơ sở sản xuất, kinh doanh nông-lâm-thủy sản được kiểm tra đạt yêu cầu về điều kiện bảo đảm ATTP (xếp loại A, B) tăng 10% so với năm 2016”.

Năm 2016, ngành nông nghiệp tổ chức thanh tra, kiểm tra chất lượng nông-lâm-thủy sản tại 1.102 cơ sở, lấy 54 mẫu phân tích các chỉ tiêu ATTP.

Kết quả, có 18/54 mẫu không đạt, 86 cơ sở vi phạm; xử lý phạt tiền với tổng số tiền phạt gần 325,2 triệu đồng, tiêu hủy 3.756,3kg thực phẩm không bảo đảm an toàn và sử dụng hóa chất không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Thanh tra, kiểm tra chất lượng vật tư nông nghiệp 757 lượt cơ sở, lấy 90 mẫu kiểm tra chất lượng sản phẩm. Kết quả, có 118 cơ sở vi phạm, 35/90 mẫu không đạt chất lượng; xử phạt với tổng số tiền trên 1 tỉ đồng,... ./.

Lê Huỳnh

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích