Tiếng Việt | English

23/04/2018 - 09:38

Bảo đảm an toàn thực phẩm - Trách nhiệm không của riêng ai

Năm 2017, toàn tỉnh Long An xảy ra 4 vụ làm 146 người bị ngộ độc thực phẩm, không có người tử vong. Bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) luôn là vấn đề nóng, cần được quan tâm; là trách nhiệm chung của các cấp, các ngành và cộng đồng xã hội.

Vì sức khỏe người tiêu dùng

Sự phát triển của các khu, cụm công nghiệp, khu dân cư tập trung hiện nay là điều kiện thuận lợi cho các loại hình dịch vụ, kinh doanh ăn uống, nhà máy sản xuất, chế biến thực phẩm, bếp ăn tập thể,... ra đời. Nhiều hệ thống nhà hàng, khách sạn, quán ăn cũng không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ, bảo đảm ATTP. Tuy nhiên, còn nhiều cơ sở do chạy theo lợi nhuận, không tuân thủ các điều kiện ATTP.

Để có thực phẩm an toàn thì việc tăng yếu tố “sạch” trong sản xuất, phân phối thực phẩm đóng vai trò quan trọng Ảnh: Lê Ngọc

Để có thực phẩm an toàn thì việc tăng yếu tố “sạch” trong sản xuất, phân phối thực phẩm đóng vai trò quan trọng Ảnh: Lê Ngọc 

Chính vì thế, công tác giáo dục, truyền thông, thông tin chính xác, kịp thời, toàn diện các vấn đề liên quan đến ATTP; đề cao vai trò, trách nhiệm của các doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật về ATTP được các cấp, các ngành thực hiện thường xuyên. Từ đó, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nâng cao ý thức trong việc tuân thủ và chấp hành chính sách, pháp luật về ATTP.

Bà Huỳnh Thị Nhẫn, ngụ khu phố 1, thị xã Kiến Tường - chủ Cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống Huỳnh Nhẫn, chia sẻ: “Bình quân, tôi bán trên 100 suất ăn/ngày. Vì sức khỏe người tiêu dùng, tôi luôn chú trọng đến việc bảo đảm ATTP từ khâu nhập nguyên liệu đến chế biến, sử dụng phụ gia. Các nhân viên của quán thường xuyên được kiểm tra sức khỏe định kỳ và tập huấn về ATTP”.

Để có thực phẩm an toàn thì việc tăng yếu tố “sạch” trong sản xuất, phân phối thực phẩm có vai trò quan trọng. Theo đó, các nhà sản xuất, kinh doanh phải chấp hành đúng quy trình chăn nuôi, canh tác, bảo quản và chế biến thực phẩm sạch. Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Rau an toàn Mười Hai (ấp 4, xã Long Khê, huyện Cần Đước) - Lê Văn Giấy cho biết: “HTX có 25 thành viên, canh tác 8,1ha rau. HTX tuân thủ chặt chẽ quy trình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP từ khâu chọn đất trồng, nguồn nước tưới, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, Hiện, bình quân HTX cung ứng ra thị trường khoảng 960 tấn rau ăn lá/năm”.

Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống ký cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm

Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống ký cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm

Trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm

Vừa qua, Ban Chỉ đạo liên ngành tỉnh về vệ sinh ATTP tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì ATTP năm 2018 với chủ đề “Tăng cường trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm”. Tháng hành động được tổ chức nhằm tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm của các cấp chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội tham gia công tác quản lý nhà nước về ATTP và trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm - bác sĩ Phạm Văn Luân thông tin: “Chủ đề Tháng hành động ATTP gắn liền với Nghị định số 15/2018/NĐ-CP, ngày 02/02/2018 về quy định chi tiết một số điều của Luật ATTP vừa được ban hành. Theo nghị định này, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải có trách nhiệm tự công bố và đăng ký sản phẩm. Sau đó, các cơ quan chức năng tăng cường hậu kiểm tra nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các cơ sở sản xuất, kinh doanh công bố chưa đúng với quy định ATTP. Đây chính là giải pháp nhằm tăng cường trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm”.

Đoàn kiểm tra liên ngành thị xã Kiến Tường về vệ sinh an toàn thực phẩm chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra chất lượng sản phẩm thực phẩm trên địa bàn

Đoàn kiểm tra liên ngành thị xã Kiến Tường về vệ sinh an toàn thực phẩm chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra chất lượng sản phẩm thực phẩm trên địa bàn

Hưởng ứng tháng hành động, các cấp, các ngành đề ra những giải pháp thiết thực, hiệu quả. Chủ tịch UBND thị xã Kiến Tường - Nguyễn Văn Vũ cho biết: “UBND các cấp sẽ tăng cường vai trò, trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP; chú trọng kiểm tra chất lượng thực phẩm và đẩy mạnh công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng”.

Ngoài sự vào cuộc của các cơ quan chức năng trong kiểm tra, xử lý vi phạm về ATTP, người tiêu dùng cần lựa chọn những thực phẩm tươi sống, có nguồn gốc rõ ràng. Bà Đỗ Thị Xuân Nga, ngụ phường 3, thị xã Kiến Tường, bộc bạch: “Trước đây, tôi thường lựa chọn thực phẩm theo kinh nghiệm, cảm tính. Thông qua tuyên truyền, tôi quan tâm hơn về nhãn mác, nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm, từ đó, “tẩy chay” những mặt hàng kém chất lượng làm ảnh hưởng đến sức khỏe”. Còn bà Phạm Thị Phải, ngụ ấp 5, xã Long Hòa, huyện Cần Đước, chia sẻ: “Là người nội trợ nên tôi đặc biệt quan tâm đến việc lựa chọn thực phẩm sạch để chế biến bữa ăn hàng ngày. Thời gian gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng thường đưa tin cơ quan chức năng phát hiện những cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn, ngâm, tẩm hóa chất,... nên tôi rất lo lắng. Bởi, nếu sử dụng thực phẩm không an toàn sẽ gây ngộ độc, ảnh hưởng đến sức khỏe”.

Hợp tác xã Rau an toàn Mười Hai tuân thủ chặt chẽ quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP

Để thực hiện hiệu quả công tác bảo đảm ATTP trong thời gian tới, rất cần sự chung tay của các cấp, các ngành và cả cộng đồng xã hội. Bởi, việc bảo đảm ATTP không còn là trách nhiệm của riêng ai./.

Các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống (bếp ăn tập thể, cơ sở chế biến suất ăn sẵn, quán ăn đường phố,...) cần chấp hành nghiêm Luật ATTP, nâng cao ý thức, trách nhiệm và lương tâm của nhà sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, thực hiện tốt các quy định về ATTP nhằm bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng và thể hiện ý thức trách nhiệm đối với cộng đồng xã hội”.

Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế - bác sĩ Huỳnh Minh Phúc

Năm 2017, Ban Chỉ đạo liên ngành tỉnh về vệ sinh ATTP tích cực triển khai các hoạt động quản lý nhà nước về ATTP trên địa bàn. Qua thanh tra, kiểm tra, có trên 2.800 lượt cơ sở vi phạm về ATTP bị xử lý. Trong số đó, có 344 lượt cơ sở bị phạt tiền với tổng số tiền phạt trên 1,3 tỉ đồng. Các cơ sở vi phạm chủ yếu về điều kiện vệ sinh cơ sở; không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP; giấy chứng nhận sức khỏe của chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh hết thời hạn; sử dụng hóa chất không rõ nguồn gốc sản xuất, chế biến thực phẩm,...

Lê Ngọc  - Huỳnh Hương

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích