Tiếng Việt | English

23/11/2019 - 16:08

Bảo đảm quyền lợi cho công nhân bằng các thỏa ước lao động tập thể

Một trong các nhiệm vụ trọng tâm được các cấp Công đoàn (CĐ) quan tâm thực hiện thời gian qua là nâng cao chất lượng những bản thỏa ước lao động tập thể ở các doanh nghiệp (DN). Đây là điều kiện quan trọng trong việc góp phần chăm lo, bảo vệ quyền lợi chính đáng của công nhân, lao động (CNLĐ).

Nhiều thỏa ước lao động tập thể chất lượng, hiệu quả

Thời gian qua, bên cạnh những DN né tránh việc ký kết thỏa ước lao động tập thể, nhiều DN thực hiện rất tốt vấn đề này, điển hình: Công ty (Cty) TNHH ShillaBags International (xã Đức Lập Hạ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An), Cty Cổ phần Thực phẩm GN (Khu công nghiệp Long Hậu, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An), Cty TNHH Giày FuLuh Việt Nam (xã Tân Kim, huyện Cần Giuộc), Cty Cổ phần Thực phẩm Pan (Khu công nghiệp Vĩnh Lộc, huyện Bến Lức, tỉnh Long An),...

Ký kết thỏa ước lao động tập thể, quyền lợi của công nhân, lao động sẽ được chăm lo tốt hơn

Ký kết thỏa ước lao động tập thể, quyền lợi của công nhân, lao động sẽ được chăm lo tốt hơn

Theo Chủ tịch CĐ cơ sở Cty TNHH Shillabags International - Lê Công Lập: “Để ký kết bản thỏa ước lao động tập thể có lợi cho CNLĐ, cần sự vào cuộc đồng bộ cũng như sự chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của các ngành chức năng nhằm tạo sức mạnh tổng hợp trong quá trình xây dựng, thương lượng, đàm phán và ký kết”.

Không thể phủ nhận, thành công của những DN đạt kết quả tốt, hiệu quả trong việc ký kết và thực hiện tốt thỏa ước lao động tập thể đều không thể thiếu vai trò của CĐ. Chủ tịch CĐ cơ sở Cty TNHH Giày ChingLuh Việt Nam (Khu công nghiệp Thuận Đạo, huyện Bến Lức) - Nguyễn Văn Khải chia sẻ: “Muốn đàm phán, ký kết những thỏa ước lao động tập thể có lợi cho CNLĐ, trước hết, Chủ tịch CĐ cơ sở phải tạo được mối quan hệ tốt, thân thiện với người sử dụng lao động, nắm được khó khăn, thấu hiểu hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN và tâm lý CN mới có thể thương lượng, tổ chức ký kết thỏa ước lao động tập thể trên tinh thần chia sẻ, cảm thông cùng cả 2 phía. Nghĩa là vừa không gây áp lực cho DN, vừa bảo đảm quyền lợi cho CNLĐ một cách tốt nhất”.

Theo ghi nhận, thời gian qua, có nhiều bản thỏa ước lao động tập thể với nội dung có lợi hơn cho CNLĐ so với quy định của pháp luật: Thời gian làm việc và giờ nghỉ ngơi, tiền lương, tiền thưởng, tiền ăn giữa ca, chế độ đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, cải thiện điều kiện, môi trường làm việc, chế độ tham quan, nghỉ mát, hỗ trợ nhà ở, phương tiện đi lại,… đã góp phần cải thiện đáng kể thu nhập và đời sống của đại bộ phận CNLĐ. Bình quân mỗi suất ăn trưa của CNLĐ tại Cty TNHH Shillabags International có giá 28.000 đồng, cao hơn 7.000 đồng/suất so với quy định tối thiểu (15.000 đồng/suất).

Chị Nguyễn Thị Phương Thanh - CN Cty TNHH Shillabags International, cho biết: “Cty có nhiều chế độ tốt đối với CNLĐ. Vì thế, tôi an tâm gắn bó lâu dài với Cty”.

Chủ tịch CĐ cơ sở Cty Cổ phần Thực phẩm GN - Nguyễn Thị Hà thông tin: “Thỏa ước lao động tập thể của Cty quy định mỗi năm CNLÐ được đi nghỉ mát trong nước 1 lần; trong thời gian đi nghỉ mát, CNLĐ vẫn được tính lương. Ngoài tháng lương thứ 13, mỗi năm, Cty còn trích quỹ phúc lợi thưởng cho CNLÐ dịp lễ 30/4, 2/9 và Tết Nguyên đán. Khen thưởng sáng kiến cải tiến trong sản xuất tùy theo giá trị làm lợi cho Cty, duy trì hoạt động thăm hỏi khi ốm đau, hữu sự, cưới, tặng quà sinh nhật, tặng quà con CN có thành tích học tập tốt,...”.

Cần cụ thể, mang lại lợi ích tốt nhất cho công nhân

Theo thống kê của Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh, tính đến nay, toàn tỉnh có 600 bản thỏa ước lao động tập thể được ký kết trong tổng số 1.024 DN có CĐ cơ sở. Ða số thỏa ước lao động tập thể bảo đảm tiêu chí ngắn gọn, dễ hiểu, được công khai đến CNLÐ. Nhiều bản thỏa ước lao động tập thể có nội dung có lợi hơn cho CNLÐ so với quy định của pháp luật. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng thỏa ước sao chép lại các quy định của pháp luật về lao động,...

Ký kết thỏa ước lao động tập thể, quyền lợi của công nhân, lao động sẽ được chăm lo tốt hơn

Ký kết thỏa ước lao động tập thể, quyền lợi của công nhân, lao động sẽ được chăm lo tốt hơn

Chủ tịch LĐLĐ huyện Đức Hòa - Nguyễn Thị Kiều Oanh cho hay: “Đến nay, Đức Hòa có 121 bản thỏa ước lao động tập thể được ký kết tại 154 DN trên địa bàn có CĐ cơ sở. Các cấp CĐ duy trì và phát triển mạnh các hình thức góp vốn xoay vòng, tổ chức thăm hỏi gia đình CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn, đối tượng chính sách,... nhằm động viên tinh thần, giúp người lao động an tâm làm việc. Bên cạnh đó, các hoạt động nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của CNLĐ trong các khu công nghiệp cũng được chú trọng trong các bản thỏa ước lao động tập thể”.

Chủ tịch LĐLĐ tỉnh - Nguyễn Văn Quí cho biết: LĐLĐ tỉnh chỉ đạo CĐ cấp trên cơ sở tiếp tục đôn đốc, nhắc nhở, hướng dẫn các CĐ cơ sở thương lượng ký kết và thực hiện hiệu quả thỏa ước lao động tập thể. Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh việc rà soát, thống kê, đánh giá chất lượng các bản thỏa ước, tuyên truyền vai trò của thỏa ước lao động tập thể đối với người sử dụng lao động và CNLĐ; đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện thỏa ước, bảo đảm quyền lợi tập thể và trách nhiệm giữa hai bên, góp phần điều hòa lợi ích, ngăn ngừa mâu thuẫn, xung đột trong quan hệ lao động.

Thỏa ước lao động tập thể trong DN được xem như “trụ cột” trong mối quan hệ lao động tại DN. Nếu không có thỏa ước hoặc thỏa ước không thực tế sẽ tích tụ ít nhiều xung đột nhỏ, lẻ và khi có những tác động nào đó sẽ dẫn đến những xung đột lớn hơn, trong điều kiện cụ thể nhất định sẽ trở thành tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể. Việc xây dựng một bản thỏa ước lao động tập thể có chung nội dung, cùng chế độ cho một nhóm DN sẽ khắc phục được nhược điểm của thỏa ước lao động tập thể DN, mang lại lợi ích nhiều hơn cho CNLĐ. Khi đó, CNLĐ trong các DN có tham gia thỏa ước chung sẽ ít có động cơ tự ý rời bỏ công việc hơn. Và các DN tham gia thỏa ước lao động tập thể nhóm cũng nhờ đó hạn chế được tình trạng biến động lao động, bất ổn sản xuất, cạnh tranh lao động trong ngành./.

Song Hồng

Chia sẻ bài viết