Tiếng Việt | English

31/07/2017 - 09:30

Bảo đảm vệ sinh môi trường trong chăn nuôi - Yêu cầu bức thiết

Trong chăn nuôi, nếu không tận dụng và xử lý chất thải sẽ gây hậu quả xấu về môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Hiện nay, người chăn nuôi thường đưa chất thải ra các ao hồ, kênh mương hoặc đường thoát nước,… điều này sẽ dễ gây tắc nghẽn dòng chảy, bốc mùi và gây ô nhiễm nước mặt, nước ngầm, không khí, đất và các sản phẩm nông nghiệp khác.

Chăn nuôi nhỏ, lẻ rất khó quản lý vệ sinh môi trường

Khi nguồn chất thải vượt quá khả năng chịu tải của tự nhiên sẽ gây sức ép môi trường xung quanh, đe dọa và tác động trực tiếp đến cuộc sống người dân. Do vậy, vấn đề phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm gắn với bảo đảm vệ sinh môi trường là yêu cầu bức thiết.

Khó khăn với chăn nuôi nhỏ, lẻ

Toàn tỉnh Long An hiện có khoảng 460 trang trại chăn nuôi, nhưng xét theo Thông tư 27/2011/TT-BNN, toàn tỉnh Long An chỉ có 31 trang trại chăn nuôi (được cấp giấy chứng nhận). Xã Thạnh An, huyện Thạnh Hóa là địa phương có nhiều trang trại nhất của huyện, với khoảng 10 trang trại.

Chính thức đi vào sản xuất tại địa bàn xã Thạnh An năm 2005, trang trại nuôi gà của ông Phạm Văn Đấu hoạt động theo quy trình khép kín, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào chăn nuôi. Theo ông Phạm Văn Đấu, trang trại lúc đầu có diện tích gần 5ha, nuôi khoảng 30.000 con, đến nay, ông mở rộng trang trại đến 25ha, số lượng lên đến 200.000 con, tổng mức đầu tư khoảng 150 tỉ đồng. Các nhà xưởng đầu tư đúng tiêu chuẩn, có hệ thống xử lý chất thải, bảo đảm vệ sinh môi trường trong chăn nuôi.

Ông Đấu cho biết: “Ô nhiễm môi trường luôn là thách thức lớn đối với người chăn nuôi; do vậy, khi xây dựng trang trại, gia đình tôi đầu tư hệ thống xử lý chất thải và láng xi măng để thuận tiện cho quá trình cọ rửa vệ sinh và tránh được sự thẩm thấu chất lỏng ra ngoài môi trường. Đặc biệt, khâu vệ sinh được thực hiện thường xuyên, chất thải của vật nuôi được phân loại để xử lý nên trong và ngoài khu vực chăn nuôi luôn sạch sẽ”.

Ông Võ Quan Huy - Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An (huyện Đức Huệ) cho rằng: Để bảo đảm khu chuồng trại hợp vệ sinh, hạn chế ủ mầm bệnh gây nhiễm bệnh cho đàn bò, công nhân của trang trại rải một lớp xơ dừa lên bề mặt nền chuồng, sau đó tiến hành phun xịt vi sinh. Toàn bộ phân và nước tiểu sẽ được thấm hút bởi lớp đệm này, hạn chế mùi hôi, giúp nền luôn khô thoáng, sạch sẽ. Lượng nước thải được chuyển vào hệ thống lọc để xử lý. Phía sau nhà máy có một hồ thả bèo sinh học, nước thải sẽ được xử lý qua hồ này thành nước sạch trước khi thải ra môi trường.

Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y – Huỳnh Thị Kim Phượng, qua quá trình kiểm tra, hiện nay, hầu hết các trang trại có quy mô lớn trên địa bàn tỉnh đều bảo đảm vệ sinh môi trường. Tuy nhiên, đối với các hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ thì việc bảo đảm vệ sinh môi trường rất hạn chế. Phần lớn các hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ thường thải chất thải ra môi trường như ao, hồ, kênh, rạch,… rất khó kiểm soát. 

Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ môi trường – Quách Cao Minh cho rằng: “Trong thời gian qua, chi cục kiểm tra 26 trang trại có diện tích chăn nuôi trên 1.000m2/ trang trại. Qua kiểm tra, các trang trại đều bảo đảm vệ sinh môi trường trong chăn nuôi. Nhưng hiện nay, khó khăn nhất là việc bảo đảm vệ sinh môi trường trong chăn nuôi đối với các hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ ở khu vực dân cư"

Để bảo đảm môi trường trong chăn nuôi

Xử lý chất thải ra môi trường trong chăn nuôi là khâu rất quan trọng để bảo đảm chất lượng chăn nuôi cũng như sức khỏe của con người. Bởi, chất thải chăn nuôi không chỉ ảnh hưởng tới môi trường sống của cộng đồng dân cư mà còn gây ô nhiễm nguồn nước, đất, làm phát sinh dịch bệnh, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả chăn nuôi. Người chăn nuôi muốn thành công phải luôn hướng tới phát triển chăn nuôi bền vững.

Môi trường chăn nuôi tại các trang trại đều được bảo đảm

Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y – Huỳnh Thị Kim Phượng khuyến cáo người chăn nuôi: Cần lựa chọn vị trí xây dựng chuồng trại hợp lý. Chuồng trại chăn nuôi cần bảo đảm mỹ quan, hài hòa với các công trình khác, cách càng xa khu sinh hoạt với gia đình càng tốt, không bị gió lùa hoặc đầu gió; mát mẻ vào mùa hè và ấm áp vào mùa đông, thuận tiện cho chăm sóc, thuận tiện về nguồn nước, thuận lợi cho việc thu gom xử lý chất thải,... 

Ngoài ra, để hạn chế mùi hôi ở chuồng trại, nông dân có thể mua các chế phẩm vi sinh để xử lý. Khi sử dụng chế phẩm, nông dân pha với nước và phun trên bề mặt diện tích chuồng để giảm mùi hôi. Có như vậy mới bảo đảm vệ sinh môi trường trong chăn nuôi.

"Đối với các hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ thì việc bảo đảm vệ sinh môi trường rất hạn chế. Phần lớn các hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ thường thải chất thải ra môi trường như ao, hồ, kênh, rạch,… rất khó kiểm soát. Nếu không có biện pháp thu gom và xử lý chất thải chăn nuôi hợp lý sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe cộng đồng, bùng phát dịch bệnh trên vật nuôi, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và gây tổn hại đến sức khoẻ con người", Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y – Huỳnh Thị Kim Phượng./.

Huỳnh Phong

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích