Tiếng Việt | English

27/08/2015 - 15:33

Báo động tình trạng ly hôn trong thanh niên - công nhân lao động

Những năm gần đây, công nghiệp hóa vùng nông thôn diễn ra khá mạnh mẽ cùng với sự phát triển của đời sống kinh tế, xã hội, số vụ ly hôn ở nông thôn theo đó cũng tăng nhanh không kém khu vực thành thị. Điều đáng báo động là tình trạng ly hôn ở những cặp vợ chồng có tuổi đời còn khá trẻ và chủ yếu là công nhân lao động ở các công ty, xí nghiệp,… đang có dấu hiệu gia tăng đột biến.

Những con số “giật mình”!

Theo số liệu của Tòa án nhân dân tỉnh Long An, chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2015, Tòa án nhân dân các huyện, thành phố thụ lý 2.527 vụ án ly hôn, trong đó giải quyết 1.901 vụ (6 tháng đầu năm 2014 là 2.300 vụ, giải quyết 1.734 vụ). Điều đáng nói, số vụ ly hôn tăng đột biến lại diễn ra tại các huyện công nghiệp, nơi tập trung nhiều công ty, nhà máy, xí nghiệp,…

Một số địa phương có số vụ ly hôn cao như huyện Đức Hòa 584 vụ, Bến Lức 273 vụ, Cần Giuộc 271 vụ và Cần Đước 188 vụ,…. Những con số “giật mình” trên phản ánh một thực trạng đáng báo động về những cặp vợ chồng ở độ tuổi còn khá trẻ, đa số là công nhân lao động, họ chưa trang bị kỹ năng và chưa nhận thức được rõ những hệ lụy tiềm ẩn từ việc ly hôn gây ảnh hưởng tiêu cực đến gia đình và xã hội.

Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh - Huỳnh Thị Huệ cho biết: Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến ly hôn như do nhận thức về quan hệ hôn nhân chưa được thấu đáo, chưa tìm hiểu một cách tận tường trước khi kết hôn. Mặt khác, do tác động bởi mặt trái của kinh tế thị trường cùng với lối sống buông thả, thờ ơ và thiếu trách nhiệm với gia đình; vấn đề kinh tế gia đình; ngoại tình; những thói hư tật xấu như rượu chè, cờ bạc nảy sinh mâu thuẫn, xung đột gia đình,…

Theo tìm hiểu của phóng viên, chỉ tính riêng tại ấp 1, xã Long Cang, huyện Cần Đước, từ đầu năm 2015 đến nay đã có gần 10 vụ ly hôn mà chủ yếu là công nhân lao động và làm nghề tự do nằm trong độ tuổi còn rất trẻ từ 20-30 tuổi. Cụ thể là trường hợp của chị Lê Thị N. (SN 1987, ngụ ấp 1, xã Long Cang) làm công nhân tại Công ty TNHH giầy Chingluh (Khu công nghiệp Thuận Đạo, huyện Bến Lức, Long An), chồng là Nguyễn Minh Q. làm thợ hồ. Vợ chồng chung sống với nhau có 1 con khoảng 2 tuổi. Do bất đồng quan điểm trong hôn nhân nên chị N. đã ra tòa ly hôn.

Hay như trường hợp của vợ chồng chị Trần Thị C. (SN 1979, ngụ ấp 1, xã Long Cang). Cả 2 vợ chồng đều làm công nhân tại Công ty TNHH giầy Chingluh. Anh chị đã có 2 con (cháu lớn 5 tuổi và cháu nhỏ 3 tuổi). Được biết, do mâu thuẫn gia đình và có người đã có “người mới” nên chị C. đã chủ động đệ đơn ly hôn. Sau đó, chị bỏ nhà ra đi để lại 2 đứa con thơ đang cần mẹ.

Hệ lụy!

Hậu quả của việc ly hôn không chỉ là sự đổ vỡ của một gia đình mà kéo theo sự thiếu quan tâm giáo dục đến con cái, nhiều em hư hỏng, học hành không đến nơi đến chốn và là gánh nặng cho xã hội. Nạn nhân của những cuộc hôn nhân đổ vỡ này chính là những đứa trẻ vô tội, chúng bị tác động tâm lý nặng nề vì thiếu tình thương của cha mẹ.

Theo một cán bộ của Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Cần Giuộc, vừa qua, có một trường hợp nữ công nhân tên là X.H (quê ở huyện Đầm Dơi, Cà Mau) đã có chồng và 2 con. Sau một thời gian làm việc tại huyện Đức Hòa, chị nảy sinh tình cảm và có con ngoài giá thú với người khác. Chị đành bỏ con trước cổng chùa Giác Nguyên (khu phố 3, thị trấn Cần Giuộc, huyện Cần Giuộc).

Thực tế cho thấy, những năm gần đây, ở nước ta đang nổi lên một hiện trạng đáng báo động khác, đó là sự trẻ hóa đối tượng phạm tội, có một số là nạn nhân từ các vụ ly hôn. Con trẻ thiếu vắng sự chăm sóc, dạy dỗ của cha mẹ, nhiều em chán nản bỏ nhà đi theo các đối tượng xấu rồi vướng vào vòng lao lý.

Gia đình là tế bào của xã hội, muốn xã hội phát triển thì gia đình phải vẹn toàn. Để hạn chế tình trạng ly hôn, các cặp đôi cần tìm hiểu kỹ càng trước khi quyết định kết hôn. Đồng thời, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể địa phương cùng tổ chức công đoàn cần quan tâm, làm tốt công tác hòa giải khi phát hiện mâu thuẫn trong các gia đình, tránh hoặc hạn chế những vụ việc đáng tiếc xảy ra./.

Hùng Anh

Chia sẻ bài viết