Tiếng Việt | English

18/10/2017 - 15:23

Báo động trẻ em béo phì ở các quận nội thành ngày càng tăng

Bức tranh về dinh dưỡng trẻ em ở Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội cho thấy càng ở những quận nội thành, tỷ lệ trẻ em béo phì và thừa cân ngày càng gia tăng.

Trẻ em trong giờ học tập tô màu. (Ảnh minh họa: Phạm Cường/TTXVN)

Tiến sỹ Bùi Thị Nhung – Trưởng khoa dinh dưỡng học đường và ngành nghề (Viện dinh dưỡng Quốc gia) đã nhấn mạnh như vậy tại hội thảo phòng chống béo phì, thừa cân cho trẻ em: "Lời cảnh báo của chuyên gia” tổ chức ngày 18/10 tại Hà Nội.

Tiến sỹ Nhung dẫn chứng, điều tra về tỷ lệ trẻ em thừa cân béo phì trước kia tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh vào năm 1996 là 12% , năm 2009 là 43% và theo một điều tra mới nhất của Thành phố Hồ Chí Minh tiến hành năm 2014-2015, cho thấy tỷ lệ này ở khu vực nội thành của Thành phố Hồ Chí Minh là trên 50%. Còn tại Hà Nội, số liệu điều tra mới đây nhất cho thấy tỷ lệ trẻ em béo phì ở khu vực nội thành là 40,7%.

“Như vậy các quận trung tâm tỷ lệ trẻ em béo phì càng tăng. Chẳng hạn như Hoàng Mai, Thanh Xuân thấp hơn Hai Bà Trưng, Đống Đa, Hoàn Kiếm cao hơn. Theo điều tra của Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội, điều tra 7-8 trường tiểu học ở Hà Nội thấy rằng tỷ lệ thừa cân béo phì ở khu vực nội thành là 40,6%, trong đó tỷ lệ béo phì là 17%, khu vực ngoại thành tỷ lệ tương ứng là 15% và 5,4%,” tiến sỹ Nhung phân tích.

Hậu quả của trẻ em thừa cân béo phì là yếu tố nguy cơ của nhiều bệnh không lây nhiễm. Tiêu biểu như nguy cơ của bệnh đái tháo đường tuýp 2, tim mạch, tăng huyết áp… Xét nghiệm trong 500 trẻ béo phì thấy tỷ lệ rối loạn mỡ máu giao động từ 35-50%. Nguy cơ bệnh tật nữa là rối loạn đường máu.

Tại hội thảo, các chuyên gia trong ngành dinh dưỡng chỉ rõ, nguyên nhân căn bản của thừa cân, béo phì là do tình trạng mất cân bằng về năng lượng giữa lượng calo đưa vào cơ thể và lượng calo được sử dụng. Xu hướng gia tăng trẻ em thừa cân, béo phì trong cộng đồng hiện nay chủ yếu là do gia tăng tiêu thụ các thực phẩm giàu năng lượng như đồ ăn nhanh, nước ngọt có ga… Đây là những loại thực phẩm và đồ uống có hàm lượng chất béo cao cùng với lối sống ít hoạt động thể lực, lười vận động.

Do đó, giải pháp can thiệp hiệu quả và khả thi trong phòng chống béo phì trẻ em là đưa ra các mô hình khuyến khích chế độ ăn lành mạnh, tăng cường hoạt động thể lực trong trường học, thiết kế những trò chơi vận động và trang bị các dụng cụ thể dục thể thao cho các trường học. Ngoài ra, tổ chức hướng dẫn các đơn vị cung cấp suất ăn cho học sinh điều chỉnh cấu trúc bữa ăn, tránh lạm dụng đường và các chất béo.

Các chuyên gia cũng cảnh báo, đối với mỗi cá nhân, để chủ động phòng thừa cân, béo phì thì cần duy trì cân nặng hợp lý; hạn chế ăn các loại chất béo, nhất là chất béo bão hòa; hạn chế ăn đường và muối; tăng cường ăn rau và trái cây. Đồng thời, người dân nên thường xuyên hoạt động thể lực, ít nhất 150 phút/tuần đối với người trưởng thành...

Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011-2020 sẽ triển khai các giải pháp can thiệp đặc thù cho các vùng miền và các nhóm đối tượng cụ thể, trong đó chú trọng đến vấn đề suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em để góp phần nâng cao tầm vóc của người Việt Nam, đồng thời kiểm soát tình trạng thừa cân béo phì để hạn chế sự gia tăng các bệnh mạn tính không lây liên quan đến dinh dưỡng.

Mục tiêu đến năm 2020 của Chiến lược sẽ cải thiện được bữa ăn của người dân ở tất cả các vùng, miền đủ về số lượng và cân đối về chất lượng./. 

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết