Tiếng Việt | English

27/07/2019 - 20:48

Báo động trước tỷ lệ viêm gan B và C tại Việt Nam cao nhất khu vực

10-15% dân số Việt Nam nhiễm virus viêm gan B và C, tỷ lệ cao nhất trong khu vực. Đáng lo ngại là 90% người bệnh không biết về tình trạng của mình.

Virus và rượu bia là thủ phạm tàn phá gan

Chiều 25/7, Trung tâm bệnh nhiệt đới, BV Bạch Mai tổ chức buổi sinh hoạt khoa học chủ đề “Cập nhật chẩn đoán, điều trị viêm gan B và C”, nhằm hưởng ứng “Ngày Thế giới phòng chống viêm gan 28/7”.

PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai đã chia sẻ con số đáng lo ngại về tình trạng mắc viên gan B và C tại Việt Nam. Theo đó, viêm gan đã trở thành nguyên nhân đứng thứ 3 gây tử vong ở Việt Nam với gánh nặng bệnh tật rất lớn. Khi bị nhiễm virus viêm gan, người bệnh có thể bị tiến triển nhanh tới viêm gan cấp và suy gan, có thể viêm mạn tính và dẫn đến xơ gan, ung thư gan.

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân viêm gan. (Ảnh do BV cung cấp)

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân viêm gan. (Ảnh do BV cung cấp)

Đáng chú ý, bệnh viêm gan virus thường diễn biến thầm lặng, có tới 90% người nhiễm không biết về tình trạng nhiễm virus của bản thân, vì thế khi phát hiện ra thường đã ở giai đoạn muộn, khi đã viêm gan, xơ gan, thậm chí ung thư gan.

Theo số liệu của Bộ Y tế, viêm gan siêu vi B là nguyên nhân hàng đầu gây xơ gan và ung thư gan tại Việt Nam. Mỗi năm, Việt Nam ghi nhận khoảng hơn 10 triệu ca nhiễm virus viêm gan B và C; 8 triệu người đang trong tình trạng viêm gan, xơ gan hoặc ung thư gan; 22.000 người tử vong vì ung thư gan.

Ngoài virus gây viêm gan, rượu bia cũng là “thủ phạm” tàn phá gan. Bên cạnh đó, thói quen ăn uống nhiều chất béo, ngọt, ít vận động; mắc bệnh đái tháo đường; tình trạng thừa cân, béo phì (nhất là béo bụng); việc sử dụng thuốc dài ngày; người gầy, suy dinh dưỡng… cũng dễ dẫn đến gan nhiễm mỡ và các bệnh lý về gan.

Chủ động để chữa khỏi viêm gan C

Viêm gan virus C lây qua đường máu, tuy nhiên, hiện nay chưa có vaccine phòng bệnh. Vì vậy người dân cần phòng tránh bệnh chủ động bằng cách: Hạn chế tối thiểu việc tiêm chích không cần thiết và không an toàn; thực hiện truyền máu và các sản phẩm máu cũng như thu gom và xử lý chất thải sắc nhọn an toàn; không xăm trổ, sử dụng ma túy có dùng chung dụng cụ tiêm chích; quan hệ tình dục an toàn với người bị nhiễm virus viêm gan C…

Bệnh nhân H.S.H (36 tuổi, ở Thanh Hóa) chỉ phát hiện viêm gan C khi xuất hiện các triệu chứng của viêm gan mạn tính như mệt mỏi tăng dần, da và mắt vàng, phù hai chân, đau hạ sườn phải. Tuy nhiên, sau 1 tuần điều trị tại Trung tâm bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân đã tiến triển rõ rệt.

Theo các chuyên gia, khoảng 5 năm về trước, chi phí điều trị cho bệnh nhân viêm gan C rất tốn kém và lâu dài. Một liệu trình điều trị kéo dài hàng năm và chi phí lên tới hàng trăm triệu, với nhiều tác dụng phụ của thuốc đi kèm, hơn nữa tỷ lệ khỏi bệnh hoàn toàn chỉ đạt khoảng 40%.

Nhưng vài năm trở lại đây, với sự ra đời của các thuốc kháng virus tác động trực tiếp (DAAs) điều trị viêm gan C với phác đồ đơn giản, thời gian điều trị rút ngắn với tỷ lệ điều trị khỏi bệnh cao (trên 95%) đã đem lại sự sống cho nhiều người bệnh. Tổng thời gian điều trị khoảng 3 tháng, với chi phí cho cả liệu trình đã giảm đi rất nhiều. Đây là 1 trong những tiến  bộ vượt bậc của y học hiện đại. Hiện nay ở một số cơ sở điều trị, BHYT đã thanh toán 50% tiền thuốc nên bệnh nhân viêm gan C đã đỡ được gánh nặng chi phí điều trị.

Các chuyên gia y tế cũng cho rằng, việc khám sức khỏe tổng quát hiện nay cần có thêm chỉ định xét nghiệm viêm gan C. Việc tăng cường phát hiện sớm sẽ rất hữu ích trong công tác quản lý và điều trị vì viêm gan C là một trong những bệnh lây nhiễm có thể chữa khỏi hoàn toàn./.

Theo VOV.VN (BĐT tổng hợp)

Chia sẻ bài viết