Tiếng Việt | English

26/08/2019 - 14:59

Bảo dưỡng kết cấu hạ tầng giao thông, bảo đảm an toàn mùa mưa, bão

Những tháng cao điểm mùa mưa, bão (tháng 7, 8, 9), ngành Giao thông Vận tải (GTVT) Long An tập trung mọi nguồn lực khắc phục những bất cập, hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông, bảo đảm thông suốt và an toàn cho người và phương tiện.

Kết cấu hạ tầng giao thông còn nhiều bất cập

Mùa mưa, bão, nhiều tuyến đường trên địa bàn tỉnh bị xuống cấp, hư hỏng cục bộ gây ảnh hưởng đến người và phương tiện tham gia giao thông (Đường tỉnh (ĐT) 821, 824, 825, 835, 837, 838C, 839, 830 (Km57), 826D). Ngoài ra, một số tuyến còn bất cập về tải trọng giữa cầu - đường (ĐT817, ĐT818,…).

Theo số liệu của Sở GTVT, trong tổng số gần 960km đường do tỉnh quản lý (đường tỉnh) được bảo trì năm 2019, có 267km quá thời hạn sửa chữa lớn 8 năm và 286km quá thời hạn sửa chữa vừa 4 năm nhưng chưa được đầu tư sửa chữa. 

Toàn tỉnh còn 39 cầu yếu và 200km đường cấp phối (đường đá đỏ) có chất lượng xấu và rất xấu cần được đầu tư nâng cấp, cải tạo. Tuyến đường tuần tra biên giới dài 85,60km, mặt đường rộng 3,5m đã bàn giao cho các huyện, thị xã biên giới quản lý từ lâu nhưng chưa bố trí kinh phí duy tu nên ngày càng xuống cấp nghiêm trọng, không bảo đảm an toàn giao thông (ATGT) và chưa đáp ứng nhu cầu phát triển KT-XH, an ninh - quốc phòng khu vực biên giới.

Nâng cấp mở rộng Đường tỉnh 816 nối QL1 - Quốc lộ N2 và huyện Đức Huệ

Nâng cấp mở rộng Đường tỉnh 816 nối QL1 - Quốc lộ N2 và huyện Đức Huệ

Tại một số đoạn đường vừa thi công, vừa khai thác, nhiều đoạn do mật độ giao thông đông đúc và còn dang dở gây khó khăn cho người tham gia giao thông. Cụ thể như tuyến ĐT825 (đoạn 900m giáp TP.HCM); tuyến tránh TP.Tân An - Quốc lộ 1 đoạn qua phường 4, 5 và xã Hướng Thọ Phú, TP.Tân An;…

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn một số tuyến đường do cấp huyện, cấp xã quản lý cũng bị ảnh hưởng do mật độ xe tải lưu thông gia tăng và ảnh hưởng bởi mưa, bão như tuyến Quốc lộ N2 - Thuận Bình (huyện Thạnh Hóa) và một số tuyến đường giao thông nông thôn biên giới thuộc 2 huyện Đức Huệ, Mộc Hóa bị xuống cấp nặng. Bên cạnh đó, nhiều tuyến đê bao thủy lợi kết hợp giao thông tại các huyện vùng hạ do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý cũng bị ảnh hưởng do xe ben hoạt động liên tục, có nguy cơ sạt lở. Một số tuyến đường giao thông nông thôn vùng Đồng Tháp Mười còn sử dụng cầu mặt gỗ,…

Tại một số bến đò ngang trên địa bàn tỉnh, nhất là bến đò ở vùng sâu, vùng xa, biên giới chưa được trang bị đầy đủ dụng cụ cứu sinh, đường dẫn lên xuống phà chưa được cứng hóa; cá biệt, một số bến có độ dốc cao, nguy hiểm cho phương tiện lên xuống phà, đò. Trong đó, nhiều bến thường xuyên đưa rước học sinh.

Khắc phục bất cập, bảo đảm an toàn mùa mưa, bão

Theo báo cáo của Sở GTVT, đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh, số lượng cầu khung sắt và cầu dây văng do sở quản lý còn 20 cầu, trong đó có 19 cầu khung sắt (gồm cầu mặt gỗ và mặt thép) và 1 cầu dây văng (cầu treo Mỹ An, xã Mỹ An, huyện Thủ Thừa). Quí II-2019, Sở GTVT thành lập nhiều đoàn khảo sát tình hình an toàn và kết cấu của từng cầu để có biện pháp khắc phục, bảo đảm ATGT trong mùa mưa, bão. Đồng thời, toàn tỉnh còn 39 cầu yếu cần được đầu tư, nâng tải trọng hoặc xây mới.

Phó Giám đốc Sở GTVT - Nguyễn Thành Ngoãn cho biết: “Sở GTVT trình UBND tỉnh chuẩn bị cho thi công thay thế 2 cầu sắt mặt gỗ là cầu Nhum và cầu Cai Tài trên ĐT833C. Đây là 2 cầu đã sử dụng lâu năm, xuống cấp, mặt cầu nhỏ, hẹp nên dễ gây nguy hiểm cho người đi xe 2 bánh, nhất là khi trời mưa. Đồng thời, sở chuẩn bị cho duy tu cầu sắt mặt gỗ trên ĐT830 nối dài thuộc địa bàn huyện Đức Hòa”.

ĐT 824 đoạn ngã ba Hựu Thạnh đến thị trấn Đức Hòa nâng cấp mở rộng

Đường tỉnh 824 đoạn ngã ba Hựu Thạnh đến thị trấn Đức Hòa nâng cấp mở rộng

Vào mùa mưa, ĐT817 (đoạn qua địa bàn xã Long Thuận, Long Thạnh của huyện Thủ Thừa và xã Thuận Nghĩa Hòa, Thạnh Phước, Thạnh Phú của huyện Thạnh Hóa) lầy lội do xe tải nặng hoạt động thường xuyên, mặt đường bị bong tróc lớp đá đỏ. Sở GTVT chỉ đạo đơn vị duy tu, bảo dưỡng cấp bù, phụ đá bổ sung cấp phối mặt đường nhằm bảo đảm lưu thông trong mùa mưa. Ngoài ra, lãnh đạo sở cũng đã ghi vốn, chuẩn bị đầu tư nâng cấp tuyến đường này vào giai đoạn 2021-2025.

Ông Nguyễn Thành Ngoãn thông tin thêm, Sở GTVT có công văn thông báo đến tất cả cơ quan liên quan, đơn vị trực thuộc, các cấp chính quyền cơ sở và các tổ chức, cá nhân, khi có phát hiện bất cập về kết cấu hạ tầng giao thông thì thông báo ngay cho lãnh đạo sở, các đội thanh tra GTVT, đơn vị tuần đường hoặc các cấp chính quyền gần nhất để có biện pháp khắc phục kịp thời.

Sở GTVT chỉ đạo Cảng vụ Đường thủy nội địa, Thanh tra GTVT phối hợp cơ quan chức năng, chính quyền địa phương có bến khách ngang sông tăng cường kiểm tra, nhắc nhở chủ bến tuân thủ các quy định của Luật Giao thông đường thủy nội địa, bảo đảm ATGT cho khách qua sông, nhất là các bến có chở học sinh; yêu cầu Cảng vụ Đường thủy nội địa cho lắp mới, sửa chữa, khắc phục biển báo, phao tiêu trên các tuyến sông, kênh, rạch do cảng vụ quản lý; kiểm tra 2 lần/tháng trên các tuyến đường thủy nội địa, kịp thời phát hiện và khắc phục sự cố.

Đồng thời, Sở GTVT chỉ đạo đơn vị duy tu, bảo dưỡng các tuyến đường bộ kịp thời khắc phục ngay những ổ gà phát sinh, mặt đường nhựa hư hỏng, cọc tiêu, biển báo bị ngã đổ hay những đoạn bị cột điện, cây đổ ngã ra đường,... nhằm bảo đảm ATGT./.

Theo số liệu từ Sở GTVT, do số lượng các tuyến đường trên địa bàn toàn tỉnh ngày càng nhiều, mật độ giao thông không ngừng gia tăng, cùng với bất lợi do thời tiết mưa, bão, kết cấu địa chất yếu nên cầu - đường thường xuyên hư hỏng, nhu cầu vốn để duy tu, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng giao thông rất lớn. Với số vốn ngân sách dành cho duy tu, bảo dưỡng hàng năm chỉ có 72 tỉ đồng, không thể đáp ứng nhu cầu.

Ngoài ra, Sở GTVT được Tổng cục Đường bộ ủy thác quản lý 2 tuyến quốc lộ qua địa bàn là Quốc lộ 62 và Quốc lộ 50. Do đó, Sở GTVT có công văn đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính trình UBND tỉnh hỗ trợ thêm nguồn ngân sách dự kiến khoảng 150 tỉ đồng/năm mới đáp ứng nhu cầu duy tu, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn.

Đại Lâm

Chia sẻ bài viết