Tiếng Việt | English

23/08/2016 - 10:32

Bao giờ Nhà máy xử lý rác Tâm Sinh Nghĩa không còn ô nhiễm?

Những năm qua, Nhà máy xử lý rác Tâm Sinh Nghĩa đóng tại ấp 3, xã Tân Đông, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An biến thành “bãi rác ô nhiễm”. Trước vấn đề này, phóng viên (PV) Báo Long An có cuộc trao đổi với Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường - Nguyễn Tân Thuấn.

“Núi” rác bị ứ đọng trong nhà máy

PV: Vì sao Nhà máy xử lý rác Tâm Sinh Nghĩa lại trở thành điểm nóng về ô nhiễm môi trường của tỉnh, thưa ông?

Ông Nguyễn Tân Thuấn: Nhà máy xử lý rác Tâm Sinh Nghĩa được triển khai từ năm 2011, công suất tiếp nhận và xử lý 300 tấn rác/ngày; đến tháng 1/2012, nhà máy bắt đầu tiếp nhận rác. Thế nhưng, vì quá tải nên những năm qua, nhà máy lại gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, nhất là vào mùa mưa.

Nguyên nhân Nhà máy xử lý rác gây ô nhiễm là do hoạt động trong điều kiện các công trình xử lý rác còn dở dang, cụ thể, nhà máy này mới có 1 lò đốt rác công suất trên 100 tấn rác/ngày, trong khi lượng rác tiếp nhận mỗi ngày khoảng 200 tấn từ các huyện: Tân Thạnh, Bến Lức, Châu Thành, Tân Trụ, TP.Tân An và một phần huyện Đức Hòa. Lò đốt này cũng không thể hoạt động liên tục mà nhiều khi còn phải “nghỉ” để bảo dưỡng, sửa chữa nên dẫn đến rác quá tải, lượng rác tồn đọng lớn.

Hiện tại, chúng tôi ước lượng lượng rác nhà máy tiếp nhận nhưng chưa xử lý còn khoảng 30.000 tấn (còn nhà máy Tâm Sinh Nghĩa thì ước khoảng 10.000 tấn).

PV: Ông có thể cho biết, vì sao rác cũ tồn đọng nhưng nhà máy vẫn tiếp nhận rác mới?

Ông Nguyễn Tân Thuấn: Việc nhà máy gây ô nhiễm những năm qua thì rất rõ ràng, nhưng nếu không cho nhà máy tiếp nhận rác nữa thì rác sẽ đưa về đâu? Long An đâu có nơi nào xử lý rác ngoài nhà máy này.

PV: Vậy chẳng lẽ cứ để cho Nhà máy xử lý rác trở thành bãi rác kéo dài, thưa ông?

Ông Nguyễn Tân Thuấn: Những năm qua, tỉnh từng xem xét nhiều giải pháp để giải quyết tình trạng nhà máy gây ô nhiễm. Tuy nhiên, qua bàn bạc, xem xét thì giải pháp đưa ra vẫn là liên tục làm việc và hối thúc chủ đầu tư phải sớm xây dựng thêm lò đốt rác thứ 2 với công suất xử lý khoảng 150 tấn rác/ngày đưa vào vận hành.

Đồng thời, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở và yêu cầu nhà máy phun xịt, khử mùi, xử lý không để nước rỉ thải ra ngoài; dùng bạt che kín các đống rác lộ thiên nhằm hạn chế ruồi nhặng, mùi hôi lan xa.

PV: Ngành chức năng nhiều lần đề nghị, yêu cầu nhà máy xây dựng lò đốt thứ 2 nhưng tại sao đến nay vẫn chưa tiến hành, thưa ông?

Ông Nguyễn Tân Thuấn: Chủ đầu tư nhà máy nhiều lần hứa hẹn nhưng rồi đều thất hứa. Lý do đưa ra là khó khăn về kinh phí, trong khi đó, kinh phí đầu tư cho lò đốt này khoảng 20 tỉ đồng.

PV: Chủ đầu tư than phiền giá xử lý rác mà tỉnh chi trả cho nhà máy quá thấp, ngoài ra, có địa phương còn thiếu nợ nhà máy tiền xử lý rác, ông có ý kiến gì về điều này?

Ông Nguyễn Tân Thuấn: Mức phí xử lý rác mà tỉnh đang chi trả cho nhà máy là 200.000 đồng/tấn. Mức này chưa bằng 1/2 so với giá xử lý rác mà TP.HCM đang chi trả cho nhà máy. Trước phản ánh này của chủ đầu tư, trong tháng 8/2016, tại cuộc làm việc với chủ đầu tư nhà máy, Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Văn Cần chỉ đạo rà soát, tính toán giải quyết hợp lý; yêu cầu 2 địa phương Bến Lức và Châu Thành trả nợ tiền xử lý rác cho nhà máy dứt điểm trong tháng 8 này.

Cũng theo chỉ đạo, ngày 16/8, Sở Xây dựng cùng các ngành liên quan họp bàn để tính toán lại mức phí xử lý rác với nhà máy. Cuộc họp thống nhất đề xuất mức phí chi trả cho nhà máy để xử lý rác là 400.000 đồng/tấn. Tuy nhiên, mức giá này, Sở Xây dựng còn phải trình Sở Tài chính thẩm định, nếu được thì sẽ trình UBND tỉnh xem xét quyết định.

PV: Chủ đầu tư nhà máy có cam kết giải quyết ô nhiễm môi trường hay tiếp tục hứa hẹn khi nào sẽ đầu tư và hoàn thiện lò đốt thứ 2 không, thưa ông?

Ông Nguyễn Tân Thuấn: Về phía chủ đầu tư nhà máy cũng cam kết nếu được duyệt mức giá trên sớm thì đến cuối tháng 9/2016 sẽ xây dựng xong lò đốt thứ 2. Đồng thời, đến 31/12/2016 sẽ xử lý hết lượng rác tồn đọng tại nhà máy.

PV: Xin cảm ơn ông!./.

Lê Đức

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích