Tiếng Việt | English

03/07/2019 - 05:21

Bão MUN áp sát các tỉnh từ Quảng Ninh đến Ninh Bình

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, tối 2-7, áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) đã mạnh lên thành bão, cơn bão số 2 và có tên quốc tế là MUN. Hồi 22 giờ ngày 2-7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,8 độ vĩ bắc; 111,0 độ kinh đông, trên khu vực phía đông đảo Hải Nam (Trung Quốc), cách đất liền các tỉnh Quảng Ninh - Hải Phòng khoảng 480 km về phía Nam Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60 đến 75km/giờ), giật cấp 11. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 100 km tính từ tâm bão.

Đường đi và vị trí của cơn bão số 2. Nguồn: Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia.

Đường đi và vị trí của cơn bão số 2. Nguồn: Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia.

Dự báo trong 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 đến 15km và tiếp tục có khả năng mạnh thêm. Đến 22 giờ ngày 3-7, vị trí tâm bão ở khoảng 19,9 độ vĩ bắc; 107,6 độ kinh đông, trên khu vực Bắc Vịnh Bắc Bộ, cách Quảng Ninh - Hải Phòng khoảng 160 km về phía nam Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60 đến 75km/giờ), giật cấp 11. Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên): phía bắc vĩ tuyến 18,0 độ vĩ bắc; phía tây kinh tuyến 112,0 độ kinh đông. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Từ chiều 3-7, ở khu vực Vịnh Bắc Bộ (bao gồm các huyện đảo Bạch Long Vĩ, Cô Tô, Cát Hải, Vân Đồn) có gió mạnh dần lên cấp 6, từ đêm tăng dần lên cấp 7, cấp 8, giật cấp 11. Biển động rất mạnh. Do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía tây khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 8, giật cấp 11. Biển động rất mạnh. Cảnh báo gió mạnh trên đất liền: Trên đất liền các tỉnh từ Quảng Ninh đến Ninh Bình từ đêm 3-7, có gió mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, gần sáng và ngày 4-7 có gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 7, cấp 8, giật cấp 11.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2, đêm 2 và ngày 3-7, ở khu vực nam đồng bằng Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ có mưa, riêng các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Nam có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và rải rác có dông (lượng mưa phổ biến 30 đến 70mm/24 giờ, có nơi trên 100mm/24 giờ). Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.

Trên các sông suối khu vực Bắc Bộ, từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh sẽ xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên 2 đến 5m. Mực nước đỉnh lũ trên sông Thao có khả năng đạt báo động 1, các sông chính từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh còn dưới báo động 1. Mưa lớn trên diện rộng gây nguy cơ cao xảy ra lũ quét, lũ do nghẽn dòng, lũ bùn. Sạt lở đất có nguy cơ xảy ra ở vùng núi, ngập lụt ở vùng trũng các tỉnh vùng núi Bắc Bộ, từ Thanh Hóa đến Quảng Bình, đặc biệt là các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Quảng Ninh và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 2, cấp 3.

* Sáng 2-7, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai (PCTT) tổ chức cuộc họp ứng phó ATNĐ trên Biển Đông. Theo Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp, để chủ động ứng phó ATNĐ có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lớn, dông, lốc cực đoan có thể xảy ra do hoàn lưu của bão, các bộ, ngành và Ban chỉ huy PCTT và Tìm kiếm cứu nạn (TKCN) các địa phương cần tăng cường công tác trực ban, theo dõi sát diễn biến của ATNĐ. Khu vực trên biển, ven bờ cần thường xuyên cập nhật thông tin, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển (lưu ý các tàu đang nằm trong vùng nguy hiểm, vùng ảnh hưởng) biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của ATNĐ để chủ động phòng, tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm. Tổ chức kiểm đếm, quản lý chặt chẽ việc ra khơi và giữ liên lạc thường xuyên với các tàu thuyền đang hoạt động trong khu vực ảnh hưởng của ATNĐ (tàu vận tải, tàu du lịch, các lồng bè nuôi trồng thủy, hải sản...) để kịp thời xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra; kiểm tra hướng dẫn việc neo đậu tàu, thuyền tại bến, nhất là khu vực neo đậu quanh các đảo. Khu vực đất liền, trên đảo, theo dõi chặt chẽ diễn biến ATNĐ, bão và mưa, lũ; thông tin kịp thời đến chính quyền, người dân và khách du lịch để chủ động phòng, tránh, nhất là tại các khu vực ngập lụt đô thị, vùng trũng thấp ven biển, sông, suối và đặc biệt lũ quét, sạt lở đất các tỉnh miền núi; dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm, nước sạch, thuốc men theo phương châm “4 tại chỗ”. Chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện, trang thiết bị sẵn sàng xử lý trọng điểm xung yếu, có phương án bảo đảm an toàn các công trình đang thi công và chủ động các trạm bơm tiêu úng khi mưa lớn xảy ra. Các địa phương sẵn sàng phương án sơ tán người dân tại các vùng thấp trũng ven sông, ven biển, vùng nguy hiểm, vùng ngập sâu, chia cắt, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn; triển khai lực lượng kiểm soát, hướng dẫn người và phương tiện qua lại các ngầm, tràn, khu vực đường giao thông bị ngập, bến đò ngang, đò dọc để bảo đảm an toàn. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để triển khai ứng cứu khi có yêu cầu.

* Do ảnh hưởng của ATNĐ, ngày 2-7, ở Bắc Bộ và các tỉnh Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế có mưa, riêng khu vực nam đồng bằng Bắc Bộ và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và rải rác có dông (lượng mưa phổ biến từ 30 đến 70 mm tròng vòng 12 giờ, có nơi hơn 100 mm trong vòng 12 giờ).

* Theo Ban Chỉ huy PCTT và TKCN Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, tính đến 6 giờ ngày 2-7, Bộ đội Biên phòng đã phối hợp địa phương, gia đình chủ tàu thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 28.641 phương tiện với 103.267 người; 3.526 lồng bè, lều, chòi canh với 4.654 người biết diễn biến, hướng di chuyển của ATNĐ để chủ động phòng, tránh hoặc thoát khỏi khu vực nguy hiểm.

* UBND tỉnh Quảng Ninh vừa ban hành Công văn số 4556/UBND yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố, các sở, ngành theo dõi thường xuyên, chặt chẽ diễn biến của ATNĐ trên Biển Đông và mưa lũ, tình hình bất thường do gió mạnh, sạt lở đất, ngập lụt gây ra. Thông tin kịp thời đến các cấp chính quyền và người dân, chủ phương tiện tàu, thuyền đang hoạt động trên biển để chủ động biện pháp phòng tránh, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người dân trong mọi tình huống khi có gió mạnh, mưa, lũ, sạt lở đất...

* Ngày 2-7, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Thanh Hóa cho biết, toàn tỉnh có 7.289 phương tiện, 25.750 lao động nghề cá, đến 16 giờ cùng ngày có 5.331 phương tiện, 14.393 lao động đã vào nơi neo đậu. Hiện còn 1.958 phương tiện, 11.357 người còn hoạt động trên biển, trong đó có 1.248 phương tiện, 7.717 lao động hoạt động trên vùng biển Thanh Hóa và 710 phương tiện với 3.640 lao động hoạt động trên ngư trường các tỉnh bạn. Lực lượng chức năng của tỉnh thường xuyên liên lạc, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của ATNĐ để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.

* Ngày 2-7, Cục Bảo vệ thực vật có công văn về việc giám sát rầy di trú theo gió bão để phòng, chống bệnh lùn sọc đen hại lúa, đề nghị Sở NN và PTNT các tỉnh, thành phố phía bắc, nhất là các địa phương đã từng bị bệnh lùn sọc đen hại nặng khẩn trương chỉ đạo các cơ quan chuyên ngành bảo vệ thực vật ở địa phương thực hiện một số nội dung như: Rà soát để nắm chắc các diện tích mạ, lúa đã cấy theo từng giai đoạn sinh trưởng, nhất là ở các khu vực đã từng bị bệnh lùn sọc đen hại nặng để khoanh vùng khi có chỉ đạo. Theo dõi bẫy đèn, điều tra trên đồng ruộng để giám sát biến động mật độ rầy lưng trắng; thu mẫu rầy lưng trắng gửi giám định vi-rút ngay trước và sau khi ATNĐ (hoặc bão) vào đất liền để kịp thời chỉ đạo phòng trừ sớm, hạn chế thấp nhất thiệt hại do bệnh lùn sọc đen gây ra. Chỉ đạo phòng chống rầy lưng trắng và bệnh lùn sọc đen hại lúa hè thu, lúa mùa theo quy trình Cục Bảo vệ thực vật đã ban hành...

* Ngày 2-7, Đoàn công tác của Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam đã đến động viên, hỗ trợ các hộ gia đình bị thiệt hại do ảnh hưởng cơn lũ tại xã Bản Hồ, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Đoàn đã trao 40 suất quà (mỗi suất trị giá một triệu đồng) tặng 40 hộ gia đình bị thiệt hại trong đợt mưa lũ vừa qua, ân cần thăm hỏi, động viên người dân nỗ lực khắc phục khó khăn, sớm ổn định cuộc sống.

* Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện số 795/CĐ-TTg về việc tổ chức tìm kiếm, cứu nạn các nạn nhân trong vụ tàu cá NA 95899 TS bị chìm ở khu vực vùng biển Hải Phòng chiều 28-6. Đến nay, chín người đã được cứu, tìm thấy một thi thể, còn chín người đang mất tích.

Để khẩn trương, kịp thời tìm kiếm các nạn nhân mất tích, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Bộ Giao thông vận tải (GTVT) chủ trì, phối hợp Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, các bộ, ngành, địa phương huy động lực lượng, phương tiện quyết liệt triển khai các biện pháp để tìm kiếm; bằng mọi biện pháp chỉ đạo các cơ quan chức năng trục vớt tàu bị chìm để tìm kiếm nạn nhân; định vị, đánh dấu vị trí tàu chìm, không để mất dấu, tổ chức điều tra, làm rõ nguyên nhân gây tai nạn để xử lý theo quy định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Bộ Quốc phòng tiếp tục phối hợp Bộ GTVT tổ chức tìm kiếm các ngư dân mất tích; kịp thời điều động lực lượng, phương tiện tham gia tìm kiếm, cứu nạn. UBND các tỉnh: Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An và TP Hải Phòng huy động tàu cá của ngư dân, phương tiện tàu thuyền hoạt động khu vực tàu bị nạn tăng cường quan sát, tìm kiếm chín ngư dân còn mất tích, trôi dạt trên biển. UBND tỉnh Nghệ An làm tốt công tác tư tưởng, thăm hỏi, động viên và thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ gia đình có các ngư dân bị nạn; quản lý chặt chẽ không để các đối tượng lợi dụng lôi kéo, tập hợp quần chúng làm phức tạp tình hình; bảo đảm an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội ở địa phương…

* Ngày 2-7, Ủy ban MTTQ tỉnh Nghệ An phối hợp MTTQ huyện Quỳnh Lưu đến thăm hỏi, hỗ trợ các gia đình có thuyền viên gặp nạn trong vụ chìm tàu ở vùng biển Bạch Long Vĩ ngày 28-6, đồng thời động viên thân nhân các thuyền viên bình tĩnh, vượt qua nỗi đau này để vươn lên trong cuộc sống. Dịp này, Ủy ban MTTQ tỉnh Nghệ An, MTTQ huyện Quỳnh Lưu mỗi đơn vị cùng trao năm triệu đồng hỗ trợ gia đình mỗi thuyền viên mất tích và hai triệu đồng hỗ trợ thuyền viên được cứu.

* Ngày 2-7, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam (Vietnam MRCC) cho biết, lực lượng tìm kiếm tại hiện trường gồm bốn tàu chuyên dụng, sáu tàu cá cùng hơn 100 người, dưới sự chỉ huy của tàu SAR 411, tham gia tìm kiếm trong phạm vi 345 hải lý vuông, rà soát liên tục trên biển. Thợ lặn đã xác định được vị trí tàu đắm, phát hiện lưới bị cuốn, bao trùm phủ lên tàu bị nạn, kéo dài từ mặt nước xuống độ sâu khoảng 48 m. Dự kiến, sau khi thời tiết tốt hơn, các phương tiện sẽ tiếp tục triển khai tìm kiếm chín thuyền viên hiện còn mất tích.

Ngày 2-7, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Thuận cho biết, Đồn Biên phòng cửa khẩu Cảng Phú Quý (Bình Thuận) cùng với các cơ quan chức năng của huyện Phú Quý huy động lực lượng và một tàu cá công suất 140 CV, trang bị máy bơm để bơm hút hơn 70 nghìn lít dầu DO (không rõ nguồn gốc) từ tàu cá BV-98459 TS bị tạm giữ đang mắc cạn tại Cảng Phú Quý để tránh tình huống dầu tràn ra ngoài. Sau khi hút được khoảng 2.000 lít dầu thì mực nước xuống thấp, cho nên phải tạm dừng bơm hút để bảo đảm an toàn cho tàu bị nạn. Đã có dấu hiệu dầu tràn nhưng không đáng kể. Các lực lượng chức năng tiếp tục triển khai các biện pháp chống chìm cho tàu cá BV-98459 TS; đồng thời thả phao quây tại khu vực tàu bị nạn theo phương án ứng phó của Ban Chỉ huy ứng phó sự cố tràn dầu tỉnh. Khi thời tiết và thủy triều thuận lợi, các lực lượng sẽ tiếp tục tiến hành bơm hút dầu trên tàu bị nạn./.


Theo NDO

Chia sẻ bài viết