Tiếng Việt | English

05/11/2017 - 14:46

Bão số 12 làm 27 người chết, 22 người mất tích

Sáng 05/11, Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai cho biết số người chết và mất tích sau bão số 12 đã được cập nhật tăng lên, có 27 người chết và 22 người còn mất tích.

 Tôn bay trên đường Trần Phú, Nha Trang trong bão số 12 - Ảnh: THANH TRÚC

Tuy nhiên, theo ban chỉ đạo, đây mới chỉ là thiệt hại ban đầu, trong số 27 người chết có 3 người ở Bình Định, 16 người ở Khánh Hòa, 3 người ở Lâm Đồng, 1 người ở Đắk Lắk và 4 người chết do sự cố chìm tàu.

Cũng theo ban chỉ đạo, hiện vẫn còn 22 người mất tích gồm: Bình Định 4, Phú Yên 1 và 17 người do sự cố tàu trên biển.

​Về thiệt hại nhà cửa, có 529 nhà bị đổ sập gồm: Bình Định 81 nhà, Phú Yên 16 nhà, Khánh Hòa 302 nhà, Đắk Lắk 113 nhà, Đắk Nông 14 nhà, Lâm Đồng 3 nhà.

28.070 nhà tốc mái, hư hỏng gồm: Quảng Ngãi 57 nhà, Bình Định 95 nhà, Phú Yên 943 nhà, Khánh Hòa 25.495 nhà, Ninh Thuận 46 nhà, Gia Lai 44 nhà, Đắk Lắk 1.321 nhà, Đắk Nông 12 nhà, Lâm Đồng 66 nhà.
Bão số 12 cũng làm nhiều chuyến tàu bị ách tắc do tuyến đường sắt từ Phú Yên đi Khánh Hòa bị phong tỏa.

Về những công việc tiếp theo sau bão số 12, Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai yêu cầu bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc các công điện chỉ đạo của Thủ tướng và của Ban chỉ đạo, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Yêu cầu các địa phương kiên quyết sơ tán di dân tại các vùng thấp trũng ven sông, ven biển, vùng có nguy cơ ngập sâu, chia cắt, nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất.

Tập trung lực lượng, phương tiện để tìm kiếm người mất tích, cứu chữa người bị thương; đảm bảo khắc phục kịp thời các sự cố đối với hệ thống thông tin liên lạc, lưới điện, đê điều, hồ đập, giao thông ngay sau khi bão đi qua.

Theo dõi chặt diễn biến mưa lũ sau bão để chủ động triển khai các phương án ứng phó với mưa lũ lớn kéo dài trên diện rộng.

Tổ chức dọn vệ sinh môi trường, tránh phát sinh dịch bệnh theo phương châm "nước rút đến đâu vệ sinh đến đó"; rà soát để kịp thời hỗ trợ các nhu yếu phẩm thiết yếu, nhất là tại các khu vực thiệt hại do thiên tai, các khu vực bị chia cắt, kiên quyết không để hộ dân nào bị đói, rét, thiếu nước uống.

Vận hành các hồ chứa theo đúng quy trình; bố trí lực lượng trực canh tại các hồ chứa xung yếu, các hồ chứa đã đầy nước. Triển khai phương án đảm bảo an toàn hạ du hồ chứa, nhất là trong tình huống xả lũ khẩn cấp.

Tổ chức phân luồng giao thông, bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn người và phương tiện qua lại các ngầm, tràn, khu vực đường giao thông bị ngập, bến đò ngang, đò dọc để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện ứng phó với lũ lớn sau bão./.

Xuân Long/tuoitre.vn

Chia sẻ bài viết