Tiếng Việt | English

23/02/2016 - 15:02

Bảo tồn và phát triển di sản văn hóa phi vật thể là bảo vệ hồn dân tộc

 

Bản sắc dân tộc là vấn đề quan trọng được mỗi quốc gia quan tâm bảo vệ như một niềm tự tôn dân tộc. Bản sắc ấy được thể hiện trên nhiều bình diện (quy tắc, chuẩn mực đạo đức, quan niệm sống, cách tư duy, suy nghĩ...) và được hình thành từ hệ thống di sản văn hóa trong đó có di sản văn hóa phi vật thể.

Di sản văn hóa phi vật thể là các sản phẩm tinh thần có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học được lưu giữ bằng trí nhớ, chữ viết và được lưu truyền bằng miệng, truyền nghề, trình diễn và các hình thức lưu giữ, lưu truyền khác. Ở Việt Nam, chúng ta tự hào vì được UNESCO công nhận rất nhiều những di sản văn hóa thế giới.

Nhìn chung, di sản văn hóa Việt Nam mang tính dân gian rất rõ rệt và tính dân gian trong di sản văn hóa phi vật thể lại càng đậm đặc hơn. Di sản văn hóa phi vật thể là một trong những linh hồn văn hóa của mỗi cộng đồng. Qua những di sản đó, thế hệ ngày nay có thêm sự hiểu biết và sự trân trọng lối sống tốt đẹp của ông cha. Có thể kể đến một số di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu như: Nhã nhạc cung đình Huế, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Quan họ Kinh Bắc, Ca trù, Hội Gióng,...

Vấn đề bảo tồn và phát triển di sản văn hóa không mới nhưng chưa bao giờ cũ. Di sản văn hóa đại diện cho những tinh hoa, giá trị truyền thống tốt đẹp của một dân tộc. Di sản văn hóa phi vật thể càng đáng trân trọng hơn cả, vì chủ yếu là truyền khẩu, là thế hệ sau đón nhận, giữ gìn. Nếu mỗi người thiếu ý thức trách nhiệm, chúng sẽ phai nhạt dần, nét văn hóa nguồn cội sẽ sớm biến mất. Dù nhận được sự quan tâm còn khá muộn màng nhưng nếu có sự tiếp cận đúng đắn và các biện pháp hành động kịp thời, di sản này sẽ tiếp tục tồn tại và phát triển./.

Trần Khánh

Chia sẻ bài viết