Tiếng Việt | English

02/07/2019 - 10:27

Bảo vệ môi trường cơ sở y tế - Vì sức khỏe cộng đồng: Kỳ 1: Nỗ lực quản lý chất thải y tế

Công tác bảo vệ môi trường cơ sở y tế được ngành y tế tỉnh Long An chú trọng thực hiện nhằm xây dựng môi trường cơ sở y tế xanh, sạch, đẹp, kiểm soát nhiễm khuẩn và giảm lây nhiễm chéo. Qua đó, góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cũng như sức khỏe của người dân.

Bệnh viện Đa khoa khu vực Hậu Nghĩa được trang bị hệ thống xử lý chất thải hiện đại

Bệnh viện Đa khoa khu vực Hậu Nghĩa được trang bị hệ thống xử lý chất thải hiện đại

Quản lý chất thải y tế, nhất là các chất thải nguy hại là vấn đề quan trọng vì ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, tác động xấu đến môi trường và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Ngành Y tế tỉnh thực hiện nhiều giải pháp quản lý chất thải y tế theo đúng quy định, góp phần bảo đảm vệ sinh môi trường, xây dựng không gian y tế sạch, đẹp.

Chú trọng phân loại, thu gom

Quản lý chất thải y tế góp phần giảm ô nhiễm môi trường, xây dựng ý thức giữ gìn vệ sinh chung của cán bộ, nhân viên y tế, bệnh nhân (BN) và người nhà BN. Bệnh viện Đa khoa khu vực (BV ĐKKV) Hậu Nghĩa quản lý chất thải y tế theo Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT/BYT-BTNMT, ngày 31/12/2015 của Bộ Y tế - Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về quản lý chất thải y tế.

BV giao Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn chịu trách nhiệm chính về việc quản lý chất thải mà trực tiếp là trưởng khoa thường xuyên giám sát. Cán bộ, nhân viên y tế thường xuyên được tập huấn về công tác phân loại, thu gom chất thải. Công tác tuyên truyền việc thu gom, phân loại, xử lý rác thải y tế cho đội ngũ y, bác sĩ, BN và người nhà BN được tăng cường thực hiện. BV trang bị bao bì, dụng cụ, thiết bị lưu chứa chất thải y tế đầy đủ và đúng quy định; thực hiện quan trắc định kỳ.

Phó Giám đốc BV ĐKKV Hậu Nghĩa - bác sĩ CKII Nguyễn Văn Phê cho biết: “Các chất thải rắn phát sinh được phân loại ngay tại các khoa, phòng khám theo 3 loại: Chất thải nguy hại, chất thải sinh hoạt thông thường, chất thải tái chế. Tại các khoa, phòng đều có thùng đựng để phân loại rác. Tại các buồng bệnh, buồng thủ thuật, chất thải được phân loại ngay từ ban đầu theo từng loại. Đối với rác thải sinh hoạt thông thường, bệnh viện ký hợp đồng với các đơn vị thu gom định kỳ vận chuyển, xử lý đúng quy định. Công tác quản lý chất thải y tế từ khâu phân định, phân loại, thu gom, vận chuyển, lưu giữ và xử lý được giám sát thường xuyên”.

Đưa chúng tôi đi tham quan hệ thống xử lý chất thải y tế của BV, Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, BV ĐKKV Hậu Nghĩa - dược sĩ Trương Thành Giăng chia sẻ: “Chất thải lây nhiễm của BV trên 14.900kg/năm. Trước đây, công tác xử lý chất thải y tế gặp khó khăn do công nghệ xử lý lạc hậu, công suất cũng như chất lượng chất thải sau xử lý chưa triệt để. Hiện BV được đầu tư hệ thống xử lý chất thải lây nhiễm bằng công nghệ vi sóng kết hợp nghiền cắt - Sterilwave 240 giúp xử lý chất thải bảo đảm theo quy định, không gây ô nhiễm môi trường”.

Thực hiện nghiêm ngặt

Quy trình thu gom, xử lý chất thải y tế cũng như chất thải sinh hoạt được BVĐK Long An thực hiện nghiêm ngặt nhằm bảo đảm xử lý rác thải và nước thải y tế theo quy chuẩn trước khi thải ra môi trường. Đây là đơn vị được chọn thực hiện “Dự án hỗ trợ xử lý chất thải BV” do Ngân hàng Thế giới tài trợ vào cuối năm 2011.

Hệ thống xử lý và tiêu hủy chất thải rắn; hệ thống thu gom và xử lý nước thải tại BV được đưa vào hoạt động từ tháng 6/2014. Rác thải rắn phát sinh từ các phòng, khoa được thu gom và phân loại tại nguồn. Rác thải nguy hại được đưa vào lò xử lý bằng công nghệ vi sóng bảo đảm yêu cầu chống lây nhiễm, rác thải thông thường được nghiền nhuyễn bằng công nghệ không khói.

BV được trang bị hệ thống thu gom nước mưa và nước thải sinh hoạt. Nước mưa sau khi thu gom được đưa thẳng ra kênh Vành đai TP.Tân An. Nước thải sinh hoạt từ bể tự hoại thu gom về khu xử lý nước thải. Công nghệ AAO + MBR (công nghệ vi sinh kết hợp với màng lọc sinh học) được đưa vào sử dụng từ năm 2014 đến nay, có công suất thiết kế 750m3/ngày đêm. Theo đó, nước thải từ các khoa, phòng khám được hệ thống thu gom đổ về bể tách rác, qua màng lọc tách mỡ, sau đó bơm lên bể điều hòa xử lý. Cuối quy trình xử lý, nước thải đáp ứng Quy chuẩn 28:2010 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Phó Giám đốc BVĐK Long An - bác sĩ CKII Nguyễn Quốc Doanh thông tin: “Cùng với việc xử lý chất thải rắn, xử lý nước thải là một trong những khâu quan trọng được chỉ đạo thực hiện triệt để tại BV. Hệ thống xử lý rác thải mới với công nghệ xử lý tiên tiến và công suất phù hợp giải quyết tình trạng quá tải của hệ thống xử lý rác thải. Nước và chất thải rắn sau khi xử lý đều đạt các quy chuẩn kỹ thuật về chất thải y tế hiện nay của Việt Nam”.

Nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác quản lý, xử lý chất thải y tế, các cơ sở y tế phải thực hiện tốt ngay từ khâu đầu tiên là phân loại và thu gom rác thải. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền cho cán bộ, nhân viên y tế, BN, người nhà BN về quản lý chất thải y tế, cách thức phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế đúng quy định./.

(còn tiếp)

Kỳ 2: Kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện, giảm lây nhiễm chéo

Ngọc Mận-Huỳnh Hương

Chia sẻ bài viết